Báu vật của núi rừng A Lưới

Nhắc đến âm nhạc dân gian trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, không thể không kể đến nghệ nhân Lê Văn Trình (thôn PaRis - Ka Vin, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới), người đã dành cả cuộc đời mình để gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống. Ông không chỉ là một nghệ nhân tài hoa mà còn là 'ngọn lửa' thắp sáng niềm đam mê âm nhạc dân tộc cho thế hệ trẻ.

 Theo ông Trình, để bảo tồn âm nhạc dân tộc, không chỉ lưu giữ nhạc cụ mà còn phải truyền đạt được cảm hứng

Theo ông Trình, để bảo tồn âm nhạc dân tộc, không chỉ lưu giữ nhạc cụ mà còn phải truyền đạt được cảm hứng

Ghé A Lưới vào một ngày trời đông, tôi được bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới dẫn đến ngôi nhà nhỏ của già làng Lê Văn Trình. Bên bếp lửa hồng ấm cúng, bà kể với tôi về ông Trình, người đã dành trọn cuộc đời để bảo tồn và truyền dạy những tinh hoa văn hóa của người Tà Ôi.

Sinh năm 1954 tại một ngôi làng nhỏ ở huyện A Lưới, nghệ nhân Lê Văn Trình lớn lên trong âm vang của cồng chiêng và những giai điệu cổ truyền của người Tà Ôi. Từ thuở bé, ông đã bị mê hoặc bởi những âm thanh huyền bí ấy.

“Tôi luôn cảm thấy nhạc cụ dân tộc không chỉ là âm thanh mà còn là linh hồn, là hơi thở của chúng ta. Chính vì vậy, tôi luôn tự nhủ phải làm gì đó để những giá trị ấy không bị mai một”, ông Trình chia sẻ.

Từ năm 1976, ông bắt đầu hành trình nghiên cứu, học hỏi và sưu tầm các làn điệu nhạc cổ. Không quản ngại khó khăn, ông đã lặn lội đến từng bản làng xa xôi để gặp gỡ những người già, những người giữ ký ức của dân tộc. Qua hàng chục năm, ông đã ghi chép lại vô số giai điệu và câu chuyện gắn liền với cồng chiêng, kèn, đàn môi và các nhạc cụ truyền thống khác.

Dù đã bước sang tuổi 71, nghệ nhân Lê Văn Trình vẫn không ngừng tham gia các sự kiện văn hóa quan trọng tại địa phương. Ông luôn mang đến những ý kiến quý báu, góp phần định hướng cho các hoạt động nhằm phát huy và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Tại các hội thảo hay buổi họp về văn hóa, sự hiện diện của ông như một lời nhắc nhở mạnh mẽ về trách nhiệm giữ gìn di sản của dân tộc.

Không chỉ lưu giữ âm nhạc, ông Trình còn là người truyền lửa cho thế hệ trẻ. Ông quan niệm rằng: “Còn sống là còn cho đi” nên dù tuổi đã cao, ông vẫn đều đặn mở các lớp dạy nhạc cụ tại địa phương. Bằng cả tấm lòng và sự tận tâm, ông hướng dẫn cách chơi cồng chiêng, cách chế tạo nhạc cụ và giải thích ý nghĩa văn hóa của từng âm thanh cho các em nhỏ.

“Để bảo tồn âm nhạc dân tộc, không chỉ lưu giữ nhạc cụ mà còn phải truyền đạt được cảm hứng. Tôi muốn các em không chỉ chơi nhạc mà còn hiểu được giá trị của nó”, ông Trình tâm sự.

Em Tâng Coal Truyền, học trò của nghệ nhân Lê Văn Trình chia sẻ: “Mình thật sự cảm thấy may mắn khi được thầy Trình chia sẻ những bài học quý báu về bảo tồn văn hóa dân tộc. Ngoài việc hướng dẫn cách chơi cồng chiêng, thầy còn kể những câu chuyện về văn hóa của người Tà Ôi giúp mình hiểu thêm về lịch sử và cảm thấy tự hào khi được góp phần gìn giữ di sản dân tộc”.

Từ khi tham gia lớp học của thầy Trình, Truyền cũng đã tự tay làm được một chiếc đàn môi đơn giản. “Thầy nói rằng tự làm nhạc cụ sẽ giúp con yêu quý và trân trọng nó hơn. Điều đó đúng, vì mỗi lần cầm đàn chơi, mình đều nhớ đến thầy và những lời thầy dạy”, Tâng Coal Truyền nói.

Nhìn những học trò nhỏ của mình ngày càng tiến bộ, nghệ nhân Lê Văn Trình không giấu được niềm vui. “Tôi chỉ mong các em hiểu rằng, khi chơi nhạc cụ, các em đang tiếp nối một phần lịch sử của dân tộc mình”, ông nói với ánh mắt rạng rỡ.

Tình yêu và nhiệt huyết của ông Trình đã lan tỏa không chỉ trong cộng đồng người Tà Ôi mà còn xa hơn nữa. Các sự kiện văn hóa, hội diễn âm nhạc có sự tham gia của ông luôn để lại ấn tượng mạnh mẽ và khơi dậy sự quan tâm đến âm nhạc dân tộc.

Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới cũng bày tỏ sự kính trọng đối với nghệ nhân Lê Văn Trình. “Ông Trình được coi là một “báu vật sống” của huyện A Lưới. Những cống hiến của ông không chỉ giúp duy trì văn hóa mà còn góp phần quảng bá bản sắc dân tộc đến nhiều nơi. Hiện nay, huyện đang phối hợp với nghệ nhân Lê Văn Trình cùng nhiều nghệ nhân có kinh nghiệm để xây dựng các chương trình giáo dục âm nhạc dân tộc trong trường học. Hy vọng rằng thế hệ trẻ sẽ tiếp nối được đam mê và trách nhiệm gìn giữ văn hóa như các nghệ nhân đã làm”, bà Thêm cho hay.

Sự tận tâm và lòng nhiệt huyết của nghệ nhân Lê Văn Trình được xem là “ngọn lửa không bao giờ tắt”, là minh chứng sống động cho sức mạnh của tình yêu văn hóa và sự cống hiến. Nhờ đó, những giá trị tinh hoa của âm nhạc dân tộc được gìn giữ và lan tỏa, chạm đến trái tim của bao người.

BẠCH CHÂU

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/bau-vat-cua-nui-rung-a-luoi-150340.html
Zalo