'Báu vật' của bản làng
Giữa lòng Tân Trào lịch sử, ba cây cổ thụ được công nhận là Cây di sản Việt Nam vẫn vững vàng, sừng sững vươn mình, hiên ngang che chở cho bản làng và được người dân xem như 'báu vật' …
Chứng nhân lịch sử
Nắng sớm vắt mình qua những tán lá xanh mướt, rọi xuống ba cây cổ thụ vừa được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cùng Hội đồng Cây di sản Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam. Đó là cây sanh (hay còn gọi là cây si) có tuổi thọ 250 năm, nằm khu vực Đồng Lủm, khoảnh 43B, thôn Tân Lập và 2 cây đa hơn 260 tuổi, ở khu vực Ba Khe - Núi Hồng, lô 2, khoảnh 42 và đồi Ao Rừm, lô 3, khoảnh 43B, thuộc thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương). Ba "nhân chứng lịch sử" ấy đã chứng kiến bao thăng trầm của mảnh đất cách mạng, nay lại được vinh danh, trở thành biểu tượng của sự trường tồn và sức sống mãnh liệt.

Ông Bế Văn Hai, thôn Tân Lập người có công lớn trong việc giữ gìn cây sanh Đồng Lủm.
Theo lời kể của người dân nơi đây, từ thuở cha ông đặt chân đến vùng đất này, khi đó cả làng chỉ có 4 nóc nhà. Những cây đa, cây sanh đã sừng sững hiên ngang, căng mình đón nắng, đón gió, che chở cho dân làng.
Ngôi nhà của ông Hoàng Xuân Thủy nằm ngay cạnh cây sanh di sản. Ông Thủy năm nay đã ngoài 75 tuổi, nhưng vẫn còn rất minh mẫn và nhiệt tình. Ông là người đã gắn bó với cây sanh từ khi còn nhỏ. Và ông cũng là người có công lớn trong việc bảo tồn và gìn giữ cây.
Ngước nhìn tán lá xum xuê, ông Thủy kể: Cây sanh, cây đa di sản có từ bao giờ thì không ai biết nhưng nhiều thế hệ người dân nơi đây lớn lên đã nhìn thấy. Từ nhỏ theo chân bố mẹ lên rừng lấy củi, hái rau, ông đã thấy cây đa, cây sanh sừng sững, mang một sức sống mãnh liệt. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, cây cổ thụ này là nơi che chở, bảo vệ cho bộ đội và dân làng. Dưới tán cây, những cuộc họp bí mật được tổ chức, những chiến dịch được lên kế hoạch. Thời bình, gốc cây ấy trở thành nơi nghỉ ngơi sau những giờ lao động vất vả; trở thành nơi vui chơi, trốn tìm của lũ trẻ trong làng.
"Có một câu chuyện mà tôi nhớ mãi. Đó là vào những khi giặc Pháp đánh phá ác liệt ở Tân Trào, gia đình tôi phải đi sơ tán. Nhưng khi trở về, chúng tôi thấy cây sanh, cây đa vẫn đứng vững chãi, như một biểu tượng của sức sống mãnh liệt. Đây không chỉ là những cây cổ thụ, mà còn là những chứng nhân lịch sử. Chúng đã chứng kiến bao thăng trầm của mảnh đất Tân Trào, đã cùng quân và dân ta vượt qua những khó khăn, gian khổ để giành độc lập, tự do. Người dân ở đây không ai dám chặt phá và tự nguyện bảo vệ cây, giáo dục con cháu thông điệp về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”..." - ông Thủy tự hào nói.
Đứng trước cây sanh, cây đa cổ thụ sừng sững, tôi không khỏi choáng ngợp trước vẻ đẹp uy nghi, cổ kính của nó. Tán cây rộng lớn, che mát cả một khu vực, những bộ rễ chằng chịt bám sâu vào lòng đất, những đường vân trên thân cây sần sùi, những vết sẹo thời gian hằn sâu, kể về bao biến cố lịch sử, bao thế hệ con người đã đi qua.
Hành trình Cây di sản Việt Nam
Thế nhưng, ít ai biết rằng, trước khi được công nhận là Cây di sản Việt Nam, cây sanh Đồng Lủm từng bị lãng quên, thậm chí bị coi là "nơi u ám, rậm rạp". Ông Bế Văn Hai, người dân ở Đồng Lủm, thôn Tân Lập nhớ lại: "Cách đây hơn năm, khu vực xung quanh cây sanh rất bẩn, rác thải vứt bừa bãi, cỏ dại mọc um tùm. Nhiều người còn đồn thổi rằng nơi đây có ma quỷ, nên không ai dám bén mảng đến gần".

Cây đa di sản Việt Nam hơn 260 năm tuổi tại khu vực Ao Rừm, thôn Tân Lập.
Chứng kiến cảnh tượng ấy, ông Hai không khỏi xót xa. Ông nghĩ rằng, một cây cổ thụ quý giá như vậy không thể bị lãng quên, bị vùi lấp trong rác rưởi. Thế là, ông quyết định bắt tay vào việc dọn dẹp, vệ sinh môi trường xung quanh cây sanh.
"Ban đầu, tôi làm một mình, không ai ủng hộ. Nhiều người còn nói tôi “rảnh rỗi sinh nông nổi”, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Nhưng tôi không nản lòng. Tôi tin rằng, việc mình làm là đúng đắn, là có ý nghĩa" ông Hai chia sẻ.
Suốt hơn hai tháng, ngày nào ông Hai cũng cần mẫn dọn dẹp, nhặt rác, phát quang bụi rậm. Bàn tay ông chai sạn, lưng ông mỏi nhừ, nhưng ông vẫn không hề nản chí. Dần dần, khu vực xung quanh cây sanh trở nên sạch đẹp, thoáng đãng. Người dân trong vùng bắt đầu chú ý đến việc làm của ông, rồi cùng nhau chung tay góp sức. Nhờ sự kiên trì, bền bỉ của ông Hai và sự chung tay của cộng đồng, cây sanh Đồng Lủm đã "thay da đổi thịt", trở nên đẹp đẽ, khang trang hơn. Và rồi, niềm vui vỡ òa khi cây sanh được công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Cùng với cây sanh Đồng Lủm, vừa qua 2 cây đa cổ thụ cũng đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cùng Hội đồng Cây di sản Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam. Tại lễ công bố, người dân Tân Trào, từ những cụ già tóc bạc phơ đến những em nhỏ hồn nhiên, ai nấy đều cảm thấy tự hào về mảnh đất quê hương mình. Họ tự hào vì Tân Trào không chỉ là một địa danh lịch sử nổi tiếng, mà còn là nơi lưu giữ những "báu vật" thiên nhiên quý giá.
Ông Bế Văn Hai không giấu nổi xúc động: "Tôi rất vui mừng và tự hào khi thấy cây sanh được vinh danh. Đây là thành quả của sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Tôi hy vọng rằng, cây sanh sẽ mãi mãi xanh tươi, là biểu tượng của sự trường tồn và sức sống mãnh liệt của quê hương Tân Trào".
Cụ Viên Thị Lạc, 94 tuổi, thôn Tân Lập chia sẻ: "Cây đa, cây sanh này là niềm tự hào của người dân chúng tôi. Chúng đã chứng kiến bao thăng trầm của mảnh đất Tân Trào, đã cùng quân và dân ta vượt qua những khó khăn, gian khổ để giành độc lập, tự do. Việc hai cây đa được công nhận là Cây Di sản Việt Nam là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và phát huy giá trị văn hóa lịch sử của địa phương".
Chủ tịch UBND xã Tân Trào Hoàng Đức Xoài phấn khởi: “Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân Tân Lập mà còn là niềm tự hào của bà con cả xã, huyện, khi Sơn Dương có Cây di sản Việt Nam đầu tiên. Hiện nay, địa phương mở đường vào khu vực cây di sản. Xung quanh cây đã được phát quang, dọn dẹp thực bì, làm hàng rào bao quanh. Từ nay, chúng tôi sẽ tiếp tục chăm sóc, bảo vệ cây, bảo vệ rừng tốt hơn cũng như hướng dẫn, đón khách du lịch đến tham quan cây sanh và 2 cây đa này”.
Qua bao thăm trầm, cây đa, cây sanh cổ thụ ở Tân Trào vẫn đứng đó, bền bỉ, lặng lẽ, trải cùng nắng mưa, thời gian như “nhân chứng sống” cho sự hình thành, phát triển của mảnh đất Tân Trào hôm nay.