'Bầu trời nâu' của Thanh Thảo
'Bầu trời nâu của tôi' (NXB Hà Nội, 2024) là tập thơ thứ 13 trong tổng số gần 40 đầu sách đủ thể loại của nhà thơ Thanh Thảo. Đây là tập thơ dành riêng cho đề tài tình yêu. Vậy thơ tình yêu của một nhà thơ nổi tiếng bởi những tác phẩm đậm chất sử thi có gì khác biệt?
Một lần, trả lời phỏng vấn, Thanh Thảo có nói: “Giống như tình yêu và sự sinh nở, thơ không thể nửa vời”. Thơ đã thế, thì thơ tình lại càng không thể nửa vời! Nghĩa là, những cung bậc rung cảm của tình yêu thì thường giống nhau, nhưng thơ tình yêu thì mỗi người lại khác. Không thể nói về tình yêu của mình giống như người ta đã nói, cho nên: “Những câu thơ lang thang đứt nối/ con đường đầy ổ gà/ bờ đê dịu mềm cỏ mọc/ dòng sông chảy đỏ bừng/ anh là của cỏ của dòng sông/ là của con đường ổ gà đứt nối/ anh là của em như một lời thú tội/ anh là của em" (“Anh là của em”). Vẫn “câu thơ”, “con đường”, “bờ đê”, “dòng sông” quen thuộc khi yêu, nhưng kết luận “anh là của em như một lời thú tội” thì đúng là Thanh Thảo đã cất tiếng nói tình yêu của riêng mình. Rồi cũng là cái chuyện “gái Huế - trai Quảng” của ca dao quen thuộc, nhưng chàng trai Quảng của Thanh Thảo “si dại” hơn, “đã tự đắm thuyền” tình mình giữa Hương giang lặng lẽ: “Nghe nói ngày xưa học trò xứ Quảng/ ra Huế thi rồi ngơ ngẩn không về/ em có thương chàng học trò si dại/ đã tự đắm thuyền trong lặng lẽ dòng Hương" (“Nụ cười em”).
Tình yêu đến một cách tự nhiên như chưa hề có một khoảng cách nào giữa hai người, thì thơ tình nào cũng nói; nhưng cách nói này của Thanh Thảo lại rất riêng: “Chính vì em không làm anh choáng váng/ nên bức tường đã phá vỡ giữa hai ta” (“Không đề”). Hay ví tình yêu với chuyện xây tường của chàng thợ xây, với tường gạch đổ, vôi vữa rất lạ: “Em soi một khoảng đời tôi/ những mảng tường đổ gạch vôi xếp đầy/ mà tôi đang làm thợ xây/ sau bao vô ích tự tay phá nhào” (“Bức tường và thợ xây”). Đặc biệt là mối liên tưởng độc đáo Long Biên nâu - chiếc áo nâu của mẹ - màu nâu của đất - mắt em nâu - bầu trời nâu: “Chuyến tàu chầm chậm qua cầu Long Biên/.../ chiếc áo nâu của mẹ của đất/ ấm che tôi trong màu mắt em nhìn/.../ chuyến tàu chậm qua cầu Long Biên/ giá được đi suốt đời giữa mắt em và đất" (“Bầu trời nâu”). Tình yêu chân thật vốn cũng chẳng màu mè: “Những lời đẹp thôi dành cho họ nói/ chẳng có gì mình đã thương nhau” (“Mình đã thương nhau”).
Với Thanh Thảo, tình yêu phải đầy, nóng bỏng, say sưa như ly rượu mạnh, nhưng phải là thứ rượu đằm đã được ủ men để ngấm thật sâu: “Anh còn yêu/ như một ly rượu đầy sau khi dốc cạn” (“Không đề”). Khác với thơ tình thường thấy, thơ tình Thanh Thảo ít nói bằng mỹ từ, chải chuốt, mềm, dịu; không gian trữ tình, cũng không chọn những hình ảnh mang tính ước lệ, mà tất cả đều thật thà, thô ráp như bản thể tình yêu của chính mình trong cuộc đời trần trụi, cụ thể, giản đơn.
Ở tập thơ này hầu hết là những bài thơ viết thời trẻ (từ 1975 đến 1991), riêng bài thơ khép lại được anh sáng tác đúng sinh nhật lần thứ 78 của mình (12-3-2024) - cũng là sinh nhật đầu tiên người vợ yêu quý của anh không còn nữa. Anh ví mình như một “quyển sách cũ” trên “gánh chè chai” mà má anh đã gánh ở đoạn đời đầu rồi trao lại em “cho tới ngày em phải rời xa gánh chè chai số phận/ bỏ lại quyển sách cũ cô đơn”. Và tập thơ khép lại với nỗi nhớ khôn nguôi về người vợ đã xa, về một cuộc tình nâu - một - màu - chung - thủy: “ngày mười hai tháng Ba năm nay/ anh chỉ có một mình/ lật lại từng trang/ ngày còn em bên cạnh” (“Ngày mười hai tháng Ba”). Dù nhân vật trữ tình trong thơ thấp thoáng bóng chỉ một người của một đoạn đời; nhưng dẫu chỉ một người, một đoạn đời thì tình yêu muôn đời vẫn là câu chuyện của muôn người và mãi mãi.