Bầu cử Tổng thống Mỹ: Cam kết có dễ thực hiện?

Mới đây Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đã công bố tầm nhìn kinh tế, trong đó cả hai ứng cử viên đều cam kết sẽ hồi sinh nền sản xuất Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, nhiệm vụ này sẽ là một thách thức và khó có thể thành công trong thời gian ngắn.

Cam kết của các ứng cử viên

Tổng thống Mỹ Joe Biden từng tự hào về việc đưa việc làm ngành sản xuất Mỹ trở lại; dưới chính quyền Biden, ngành sản xuất Mỹ được bơm nhiều tỷ USD, bao gồm 53 tỷ USD từ Đạo luật CHIP và Khoa học và gói chi tiêu hạ tầng 1,2 nghìn tỷ USD được Quốc hội thông qua. Đầu tư tư nhân trong lĩnh vực này cũng gia tăng những năm gần đây.

Trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị có chính quyền mới khi cuộc bầu cử tổng thống đang vào giai đoạn nước rút, đồng nghĩa với việc nhiệm vụ hồi sinh ngành sản xuất chuẩn bị được chuyển giao cho tổng thống kế nhiệm.

 Ứng cử viên đảng Dân chủ - bà Kamala Harris và ứng cử viên đảng Cộng hòa - ông Donald Trump. Nguồn: Getty Images

Ứng cử viên đảng Dân chủ - bà Kamala Harris và ứng cử viên đảng Cộng hòa - ông Donald Trump. Nguồn: Getty Images

Theo đó, trong một sự kiện tranh cử vào chiều hôm 25.9 tại Pittsburgh, bang Pennsylvania, bà Harris cam kết giảm thuế cho tầng lớp trung lưu, giảm mạnh thuế cho các startup và sửa đổi các quy định đối với dự án xây dựng. Bà cam kết sẽ đầu tư vào sản xuất sinh học và hàng không vũ trụ; tiếp tục duy trì vị thế thống trị về trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán lượng tử, chuỗi khối và các công nghệ mới nổi khác; đồng thời thúc đẩy vị trí dẫn đầu về đổi mới năng lượng cũng như sản xuất.

Trong khi đó, trước đó một ngày, tại thành phố Savannah, bang Georgia, ông Trump đưa ra cách tiếp cận khác. Trong bài phát biểu, ông cam kết khôi phục việc làm trong ngành sản xuất bằng cách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng thuế quan với hàng nhập khẩu, cắt giảm thủ tục hành chính cùng với các biện pháp khác. Những biện pháp này được ông mô tả là sẽ dẫn tới “làn sóng tháo lui sản xuất từ Trung Quốc tới bang Pennsylvania, từ Hàn Quốc tới bang North Carolina, từ Đức tới bang Georgia”.

Ngành sản xuất đang đối mặt với những vấn đề gì?

Khi nền kinh tế Mỹ bắt đầu phục hồi sau đại dịch, các khoản đầu tư khổng lồ trở thành động lực thúc đẩy tất cả các ngành, trong đó có sản xuất. Tuy nhiên, động lực đó không kéo dài; trên thực tế, dù có nhiều khoản đầu tư và trợ cấp, ngành sản xuất Mỹ vẫn hoạt động trì trệ, phục hồi không đáng kể sau đại dịch Covid-19.

Việc làm trong ngành sản xuất Mỹ hiện vẫn kém xa mức việc làm ở giai đoạn trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Tổng việc làm ngành sản xuất nước này tháng 8 chỉ tăng khoảng 2% so với đỉnh dịch tháng 2.2020. Theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ, trong 8 tháng năm nay có tới 4 tháng ghi nhận số lượng việc làm sản xuất sụt giảm.

Thực tế cho thấy, ngành sản xuất đang đối mặt nhiều vấn đề, trong đó đa số bắt nguồn từ bối cảnh nền kinh tế. Theo một khảo sát gần đây của Viện Quản trị Cung ứng (ISM) và S&P Global, nhu cầu yếu và lãi suất cao là những thách thức lớn nhất của ngành sản xuất Mỹ. Bối cảnh này không chỉ đẩy các doanh nghiệp sản xuất vào “thế thủ” mà còn là một dấu hiệu đáng lo ngại về tương lai của ngành này. Thống kê cho thấy, số lượng đơn hàng giảm, tồn kho tăng lên cho thấy xu hướng ảm đạm của ngành sản xuất trong 1,5 năm qua - một trong những tín hiệu đáng lo ngại nhất mà ngành này ghi nhận kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Theo nhiều nhà phân tích, kể cả khi các nhà sản xuất nhận được nhiều hỗ trợ chính sách cũng như được bơm vốn những năm gần đây, họ cũng không vội đẩy mạnh tuyển dụng nhân sự hay tăng cường sản xuất trong bối cảnh triển vọng nhu cầu còn bấp bênh.

Hơn nữa, các nhà sản xuất cũng đang chịu áp lực về những bất định liên quan tới cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 5.11 tới và môi trường lãi suất cao. Đây là lý do khiến nhiều doanh nghiệp tạm hoãn kế hoạch tuyển dụng và mở rộng sản xuất. Theo S&P Global, các nhà sản xuất cũng vẫn đang phải đối mặt với áp lực giá dai dẳng hiện đang "tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 4 năm ngoái". Những chi phí đó có thể ăn mòn lợi nhuận ròng của người sử dụng lao động hoặc được chuyển sang người tiêu dùng dưới hình thức giá cao hơn.

Ngoài ra còn có một thách thức khác đó là chi phí lao động tại Mỹ vẫn cao hơn so với nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Khó xác định thời điểm tình hình được cải thiện

Bên cạnh những thách thức, tương lai ngành sản xuất Mỹ vẫn còn những điểm sáng. Gần đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất lần đầu tiên trong hơn 4 năm và phát tín hiệu sẽ hạ thêm lãi suất từ nay tới cuối năm. Động thái này đã mang lại cú huých lớn cho doanh nghiệp ở mọi quy mô thuộc mọi lĩnh vực.

Lãi suất giảm không chỉ giúp giảm chi phí đi vay cho doanh nghiệp mà còn thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, hoặc ít nhất giữ cho nhu cầu không sụt giảm tới mức đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận xét, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy hoạt động sản xuất tại nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ bắt đầu phục hồi, dù điều này được xem là “khá khó hiểu”.

Bà Lauren Goodwin, nhà kinh tế kiêm chiến lược gia trưởng về thị trường tại New York Life Investments nhận định: “Khi Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ, liệu các ngành nghề sẽ phục hồi trở lại? Ngành sản xuất chứng kiến sự sụt giảm xuống hơn 20 tháng qua, dù hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn diễn ra sôi động”. Thêm vào đó, dù việc Fed nới lỏng chính sách tiền tệ có thể giúp chu kỳ kinh tế hiện tại kéo dài lâu hơn, nhưng không chắc các hoạt động kinh tế sẽ phục hồi.

Với những diễn biến khó đoán, dù Tổng thống Mỹ năm nay là ai thì cam kết hồi sinh ngành sản xuất sẽ không phải là việc dễ thực hiện.

Châu Anh (Theo CNN)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bau-cu-tong-thong-my-cam-ket-co-de-thuc-hien-post391772.html
Zalo