Bầu cử ở Pháp và rủi ro biến động thị trường tài chính

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang đối mặt với đồn đoán gia tăng rằng cơ quan này sẽ phải can thiệp vào thị trường tài chính nếu cuộc bầu cử ở Pháp gây ra một 'cơn địa chấn'...

Biểu tượng đồng euro bên ngoài trụ sở ECB ở Frankfurt, Đức - Ảnh: Bloomberg.

Biểu tượng đồng euro bên ngoài trụ sở ECB ở Frankfurt, Đức - Ảnh: Bloomberg.

Kết quả khảo sát nhanh cho thấy đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (RN) của chính trị gia Marine Le Pen đã giành chiến thắng lịch sử trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vào ngày 30/6, với 34% số phiếu, trong khi liên minh của Tổng thống Emmanuel Macron được dự báo chỉ giành khoảng 20,5-23% số phiếu.

Theo tờ báo Financial TImes, tuy đây chưa phải là kết quả chính thức cuối cùng, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang đối mặt với đồn đoán gia tăng rằng cơ quan này sẽ phải can thiệp vào thị trường tài chính nếu cuộc bầu cử ở Pháp gây ra một “cơn địa chấn”. Những đồn đoán như vậy xuất hiện trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách tiền tệ chuẩn bị tiến hành hội nghị thường niên ở Bồ Đào Nha trong tuần này.

“Nếu nguy cơ phân mảnh chính trị ở Pháp tăng lên mức báo động, ECB sẽ can thiệp khi cần thiết và bảo vệ sự toàn vẹn của đồng euro”.

Nhà kinh tế cấp cao Sabrina Khanniche, Pictet Asset Management

Trái phiếu chính phủ Pháp đã bị bán tháo trong những tuần gần đây do các nhà đầu tư lo ngại đảng RN sẽ giành đa số ghế trong Quốc hội Pháp. Việc chiến thắng thuộc về một đảng cực đoan như RN có thể khiến trái phiếu Pháp bị bán tháo mạnh hơn nữa trong những phiên giao dịch sắp tới. Chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu chính phủ Pháp với lợi suất trái phiếu chính phủ Đức - một thước đo chính về rủi ro chính trị - hiện đang ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu cách đây hơn 1 thập kỷ và còn có thể tăng cao hơn.

Tuần vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Christian Lindner kêu gọi ECB đứng ngoài cuộc, cảnh báo rằng nếu ECB can thiệp để giảm bớt bất kỳ sự bất ổn tài chính nào sau cuộc bầu cử ở Pháp, hành động đó sẽ “đặt ra một số câu hỏi về kinh tế và hiến pháp”.

ECB CÓ THỂ CAN THIỆP THEO CƠ CHẾ NÀO?

Các nhà quan sát thị trường đang theo dõi một chương trình mua trái phiếu của ECB để xác định xem cơ quan này có thể hành động như thế nào nếu một chính phủ cánh hữu được lập nên ở Pháp và mạnh tay chi tiêu - chính sách thể dẫn Pháp tới sự xung đột nghiêm trọng với Liên minh châu Âu (EU) và thị trường tài chính về sự gia tăng nợ nần của nước này.

Đặc biệt, nhà đầu tư lo ngại việc bán tháo trái phiếu Pháp trên diện rộng có thể gây ra sự lây lan sang các nước châu Âu khác, trong bối cảnh lợi suất trái phiếu các nước trong khu vực bắt đầu có sự chênh lệch lớn hơn so với trước.

“Nếu nguy cơ phân mảnh chính trị ở Pháp tăng lên mức báo động, ECB sẽ can thiệp khi cần thiết và bảo vệ sự toàn vẹn của đồng euro”, nhà kinh tế cấp cao Sabrina Khanniche tại công ty Pictet Asset Management nhận định.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italy Fabio Panetta tuần vừa rồi cảnh báo ECB nên “chuẩn bị ứng phó với hậu quả” của những cú sốc do “sự gia tăng bất ổn chính trị ở các quốc gia”. Ông Panetta - một thành viên hội đồng thống đốc ECB - nói thêm rằng cơ quan này nên chuẩn bị sẵn sàng để sử dụng “tất cả các công cụ sẵn có”.

Cách đây 2 năm, ECB công bố “công cụ bảo vệ truyền dẫn” (TPI) nhằm tự định ra thẩm quyền hỗ trợ các quốc gia trong khối eurozone, bằng cách mua vào số lượng trái phiếu không giới hạn, trong trường hợp một nước nào đó gặp khủng hoảng. Khi đó, hầu hết các nhà hoạch định chính sách đều hy vọng sự tồn tại của TPI sẽ giúp kiểm soát được thị trường mà ECB không bao giờ phải sử dụng đến cơ chế bảo vệ này.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử ở Pháp đang đặt ra khả năng ECB có cuộc thử nghiệm đầu tiên về TPI - cơ chế nhằm mục đích “chống lại các động lực thị trường hỗn loạn, phi lý” đe dọa chính sách tiền tệ của khu vực đồng euro. Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế còn thiếu thống nhất về việc liệu thiết kế của TPI - chương trình mua tài sản vẫn chưa được kiểm chứng của ECB - có cản trở việc ECB mua trái phiếu của Pháp hay không. ECB đã đặt ra 4 tiêu chí để kích hoạt TPI và tiêu chí đầu tiên nói rằng một quốc gia phải “tuân thủ khuôn khổ tài chính của EU”.

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) hồi đầu tháng này tuyên bố sẽ triển khai một biện pháp “thâm hụt quá mức” đối với Pháp vì thâm hụt ngân sách của nước này lên tới 5,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn nhiều so với giới hạn 3% theo quy định của EU. Một số người cho rằng điều này có nghĩa là Pháp đã bị loại trừ khỏi TPI. Giáo sư Eric Dor tại Trường Quản lý IESEG ở Paris viết trên trang mạng xã hội X: “Sẽ là bất hợp pháp nếu ECB sử dụng TPI trong trường hợp của Pháp”.

Dù vậy, trong các cuộc trao đổi riêng tư, các quan chức ECB vẫn tự tin rằng họ có đủ khả năng để sử dụng TPI ngay cả khi một quốc gia như Pháp bị chính thức đánh giá là vi phạm các quy tắc tài chính của EU. ECB cũng cho biết 4 tiêu chí nói trên sẽ chỉ “là một đầu vào” cho bất kỳ quyết định nào của hội đồng thống đốc.

NGUY CƠ RỦI RO LAN RỘNG

Thước đo quan trọng nhất trong việc quyết định có nên kích hoạt TPI hay không có thể nằm ở việc liệu phản ứng của thị trường có bị coi là “hỗn loạn” hay không. Nhà kinh tế trưởng Philip Lane của ECB đã ám chỉ vấn đề này gần đây khi ông tỏ ra xem nhẹ tình trạng bán tháo trên thị trường tài chính Pháp, cho rằng bán tháo chẳng qua do các nhà đầu tư “đánh giá lại các yếu tố nền tảng”, trái ngược với điều mà ông gọi là “động lực thị trường hỗn loạn”.

Chính trị gia cực hữu Pháp Marine Le Pen - Ảnh: Bloomberg.

Chính trị gia cực hữu Pháp Marine Le Pen - Ảnh: Bloomberg.

Nếu một chính phủ mới được thành lập ở Pháp, đưa ra các chính sách khiến các nhà đầu tư lo sợ và khiến các tài sản của Pháp bị định giá lại một cách mạnh mẽ nhưng có trật tự, thì ECB khó có thể kích hoạt TPI. Điều này càng đúng khi giới chức ECB hy vọng kỷ luật của thị trường sẽ khiến các nước trong khu vực càng nhận thấy sự cần thiết của việc phải tôn trọng các quy định tài chính của EU.

Nhưng nếu những diễn biến chính trị ở Pháp gây ra sự hoảng loạn toàn diện trên thị trường, khi các nhà đầu tư bán tháo không chỉ tài sản Pháp mà còn bán cả tài sản liên quan tới các quốc gia khác có mức nợ cao khác như Italy, thì gần như chắc chắn ECB sẽ hành động.

Ông Ludovic Subran, nhà kinh tế trưởng tại công ty bảo hiểm Allianz của Đức, nhận định: “Tôi chắc chắn rằng ECB đã tự đặt cho mình câu hỏi như vậy. Nếu Pháp rơi vào khủng hoảng thì có nghĩa là Italy cũng có khả năng rơi vào khủng hoảng và ECB sẽ phải hành động”.

Trước kia, những cú sốc như vậy đã khiến ECB phải can thiệp. Cựu Chủ tịch ECB Mario Draghi đã đưa ra một lời hứa đáng nhớ vào năm 2012 là sẽ làm “bất cứ điều gì cần thiết” để ổn định thị trường sau khi cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp đe dọa gây sụp đổ đồng euro.

Ông Christian Kopf, trưởng bộ phận trái phiếu công ty Union Investment Management, phát biểu: “Nếu mức chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu chính phủ của Italy với Đức tăng mạnh, ECB có thể kích hoạt TPI để ngăn chặn khủng hoảng lan từ Pháp sang các quốc gia khác. Nhưng tôi có cảm giác rằng còn lâu mới có thể có sự can thiệp vào thị trường như vậy”.

Tại hội nghị của ECB tại Sintra, Bồ Đào Nha - sự kiện khai mạc ngày 1/7 - Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhiều khả năng sẽ nhận được những câu hỏi về cách thức mà ECB sẽ ứng phó với một cuộc khủng hoảng tài chính tiềm tàng có nguồn gốc từ Paris.

Những câu hỏi như vậy có thể dẫn tói rủi ro lớn. Bà Lagarde đã phạm sai lập vào năm 2020, gây ra một đợt bán tháo trên thị trường trái phiếu, khi tuyên bố ở thời điểm bắt đầu đại dịch rằng “chúng tôi không ở đây để thu hẹp chênh lệch lợi suất”.

Lần này, bà Lagarde có thể sẽ thận trọng hơn nhiều, nhất là khi cuộc bầu cử ở Pháp còn một vòng thứ hai vào cuối tuần này mới đi đến kết quả cuối cùng.

An Huy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bau-cu-o-phap-va-rui-ro-bien-dong-thi-truong-tai-chinh.htm
Zalo