Nguy cơ đối đầu trong lĩnh vực công nghệ xanh

Sự bùng nổ trong hoạt động sản xuất ô tô điện và các sản phẩm công nghệ xanh khác của Trung Quốc đã trở thành điểm nóng mới nhất trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Những bất đồng thậm chí có thể thổi bùng một cuộc chiến thương mại mới.

Nỗi lo ngại của Mỹ

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vừa có chuyến thăm kéo dài năm ngày tới Trung Quốc. Trọng tâm hàng đầu trong cuộc thảo luận giữa bà Yellen và các quan chức nước chủ nhà là những lo ngại của Chính phủ Mỹ về tác động từ tình trạng dư thừa năng lực sản xuất của Trung Quốc trong các lĩnh vực như xe điện và tấm pin năng lượng mặt trời, nhờ vào các gói trợ cấp từ chính phủ.

Trong bài phát biểu tại Quảng Châu hôm thứ Bảy (6-4), bà Yellen đã nhấn mạnh nỗi lo ngại này khi đề cập đến chuyến thăm cách đó một tuần tới Suniva – một nhà sản xuất pin mặt trời ở Norcross. Công ty này từng phải đóng cửa hồi năm 2017, nhưng hiện đang khởi động lại sản xuất với sự trợ giúp từ Đạo luật Giảm lạm phát của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Bà Yellen cho biết, Suniva “đã từng bị buộc phải đóng cửa, giống như nhiều doanh nghiệp khác trong một số ngành công nghiệp, vì không thể cạnh tranh với số lượng lớn hàng hóa mà Trung Quốc xuất khẩu với mức giá thấp giả tạo”. Và theo bà, “điều quan trọng là không để điều này tái diễn”.

Theo AP, những lo ngại hiện nay của Washington có nhiều điểm tương đồng với những điểm nóng trước đó trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.

Ông Brad Setser, thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và cựu quan chức Bộ Tài chính trong chính quyền Obama, cho biết: “Một điểm mới là những lo ngại xung quanh tình trạng dư thừa năng lực sản xuất trong một số lĩnh vực mũi nhọn đã trở nên gay gắt. Rõ ràng Trung Quốc đã xây dựng được công suất khổng lồ để sản xuất pin mặt trời và pin xe điện. Giờ đây, họ bắt đầu xuất khẩu ô tô điện”.

Năng lực sản xuất khổng lồ của Trung Quốc

Những lo ngại của giới chức Mỹ là hoàn toàn có cơ sở bởi Trung Quốc đã đẩy mạnh việc sản xuất và xuất khẩu xe điện, tấm pin mặt trời cũng như pin xe điện giá rẻ, trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ vừa mới thông qua các đạo luật hỗ trợ những ngành công nghiệp này tại Mỹ.

Theo một phân tích của Carbon Brief, đầu tư của Trung Quốc vào các lĩnh vực công nghệ sạch đã tăng thêm 40% lên 890 tỉ đô la trong năm ngoái và mở ra những bước tiến mới. Các sản phẩm của Trung Quốc có giá cạnh tranh hơn nhiều so với các nước khác và nhanh chóng chiếm lĩnh nhiều thị trường. Do vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi giá tấm pin mặt trời trên thị trường thế giới đã giảm 42% vào năm ngoái, trong khi giá pin xe điện giảm một nửa.

Theo Natixis, Trung Quốc đã xuất khẩu công suất dư thừa tấm pin mặt trời trong một thời gian dài và thị trường nước ngoài chiếm tới 88% doanh số của ngành này trong năm ngoái. Con số này đối với các ngành pin xe điện và xe điện lần lượt là 28% và 11%.

Liên minh Sản xuất Mỹ (AAM) đã lưu ý trong một báo cáo công bố hồi tháng 2-2024 rằng, nhà sản xuất ô tô điện hàng đầu Trung Quốc là BYD gần đây đã giới thiệu một chiếc xe SUV chạy điện với mức giá thấp đáng kinh ngạc là 14.000 đô la. Báo cáo lập luận rằng, ngành công nghiệp ô tô điện của Trung Quốc đang đặt ra “mối đe dọa hiện hữu” đối với các nhà sản xuất ô tô của Mỹ.

Theo ước tính của AAM, sản lượng xe điện mà các công ty Trung Quốc đang sản xuất mỗi năm nhiều hơn 10 triệu chiếc so với mức tiêu thụ nội địa. Điều đó sẽ thúc đẩy các hãng xe đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài.

Chuyên gia Wendy Cutler tại Viện Chính sách Xã hội châu Á, cho biết các quốc gia khác, từng để mất thị phần trong các ngành công nghiệp thép, nhôm và năng lượng mặt trời vào tay Trung Quốc, giờ đây đang phản ứng nhanh hơn. Liên minh châu Âu (EU) đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, một động thái có thể dẫn đến việc áp dụng thuế chống trợ cấp. Hàn Quốc, Nhật Bản, các nhà sản xuất ô tô lớn khác cũng như một số nền kinh tế mới nổi đang công nghiệp hóa nhanh chóng như Ấn Độ, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang bày tỏ sự lo ngại.

Những khoảng cách không dễ thu hẹp

Về phần mình, giới chức Trung Quốc đã bác bỏ những chỉ trích của Mỹ về vấn đề trợ cấp chính phủ. Nước này cho rằng, những thành quả đạt được trong các lĩnh vực công nghệ xanh bắt nguồn từ sự tổ chức sản xuất hiệu quả và việc Trung Quốc đã xây dựng được lợi thế kinh tế theo quy mô để phục vụ thị trường rộng lớn của mình.

Bắc Kinh cũng chỉ trích việc chính quyền Tổng thống Biden đã thúc đẩy thông qua một số đạo luật nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nhà sản xuất năng lượng sạch và chất bán dẫn.

AP trích dẫn một báo cáo công bố hồi năm 2022 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho thấy, trợ cấp công nghiệp của Trung Quốc vào năm 2019 tính theo đồng đô la đã cao gấp đôi so với quy mô hỗ trợ của Mỹ. Các chuyên gia Prasad và Setser cũng nói thêm rằng trong khi trợ cấp cho việc sản xuất hàng hóa, Trung Quốc hầu như không thúc đẩy tiêu dùng của người dân nước này, điều mà Mỹ đã làm trong thời kỳ đại dịch Covid-19 bằng các gói kích thích kinh tế.

Sau chuyến thăm của bà Yellen, cả hai bên về cơ bản đã đồng ý tổ chức các cuộc đàm phán về vấn đề sản xuất dư thừa. Trung Quốc chưa cam kết thực hiện bất kỳ bước đi cụ thể nào để giải quyết những lo ngại của Mỹ và vẫn cho rằng các tấm pin mặt trời giá rẻ và các sản phẩm xanh khác của nước này đang giúp thế giới tiến hành cuộc chiến tốn kém chống biến đổi khí hậu. Dẫu vậy, việc hai bên sẵn sàng đối thoại, cũng có thể coi là một tín hiệu tích cực, dù khá dè dặt.

Những tác động đến đầu tư vào công nghệ năng lượng xanh

Một điểm đáng chú ý khác là giới chức Trung Quốc cũng thừa nhận tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và chi tiêu tiêu dùng yếu là những thách thức mà họ cần phải giải quyết để đạt được sự tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trên thực tế, việc mở rộng nhanh chóng hoạt động sản xuất xe điện đã gây ra cuộc chiến giá cả khốc liệt và dự kiến sẽ khiến một số hãng xe phải rơi vào tình trạng phá sản. Huang Hanquan, một chuyên gia về chính sách công nghiệp, cho rằng Trung Quốc sẽ cần đến sự phối hợp chính sách tốt hơn để có thể khuyến khích phát triển công nghệ mới mà không thúc đẩy các địa phương phát triển cùng một ngành và các công ty rơi vào tình trạng đầu tư quá mức.

Reuters nhận định, một cuộc chiến thương mại trong lĩnh vực hàng hóa xanh có thể xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc, hay rộng hơn là có cả sự tham gia của các nước phương Tây, sẽ dẫn đến sản xuất kém hiệu quả, lãng phí tiền bạc, tăng trưởng kinh tế chậm hơn và thậm chí là căng thẳng địa chính trị.

Tuy nhiên, vẫn có khả năng sự cạnh tranh này có thể giúp làm chậm sự nóng lên toàn cầu. Lý do là bởi ngay cả khi những hàng rào thương mại được dựng lên, ngăn cản các sản phẩm công nghệ sạch của Trung Quốc tràn vào quốc gia phương Tây, những sản phẩm xe điện, pin mặt trời dư thừa vẫn sẽ được chuyển sang những khu vực khác.

Trong khi đó, Mỹ cũng có thể tăng cường các sáng kiến kết nối, đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng với các quốc gia thân thiện, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường năng lực sản xuất và giảm chi phí, dù không ở mức ngang bằng với Trung Quốc.

Nguồn: Reuters, AP, Bloomberg

Ngân Diệp

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nguy-co-doi-dau-trong-linh-vuc-cong-nghe-xanh/
Zalo