Bầu cử Mỹ trải qua một tuần đầy nóng bỏng

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa trải qua một tuần rất nóng với những diễn biến mới. Trong đó có việc bà Harris, Phó Tổng thống Mỹ, ứng cử viên của Đảng Dân chủ đã quyết định chọn ông Tim Walz làm liên danh tranh cử.

Chân dung ông Tim Walz

Bà Harris, Phó Tổng thống Mỹ, ứng cử viên của Đảng Dân chủ đã quyết định chọn ông Tim Walz làm liên danh tranh cử. Sự lựa chọn này cho thấy bà không chỉ quan tâm đến việc đạt được 270 phiếu đại cử tri đoàn, mà còn phản ánh mong muốn kết nối với cử tri trên toàn quốc, thay vì chỉ tập trung vào những bang chiến trường. Ông Walz nổi bật với phong cách giao tiếp giản dị và mạnh mẽ, phù hợp với chiến lược của bà Harris là mở rộng sự ủng hộ ở các khu vực khác ngoài Pennsylvania.

Ông Tim Walz, 60 tuổi, Thống đốc Minnesota sinh ra tại West Point, Nebraska, một cộng đồng có khoảng 3.500 người ở phía Tây Bắc Omaha. Ông và vợ chuyển đến Makato, miền Nam Minnesota vào những năm 1990.

Ông Tim Walz đã phục vụ 24 năm trong Lực lượng Vệ binh Quốc gia. Trước khi nghỉ hưu, rời Lực lượng Vệ binh Quốc gia vào năm 2005, ông Tim Walz là trung sĩ chỉ huy ở một tiểu đoàn pháo binh dã chiến. Ông là một giáo viên khoa học xã hội tại Trường trung học Mankato West.

Thống đốc bang Minnesota Tim Walz vừa được Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris chọn làm người liên danh tranh cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Ảnh: Getty Images.

Thống đốc bang Minnesota Tim Walz vừa được Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris chọn làm người liên danh tranh cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Ảnh: Getty Images.

Ngoài ra, ông Tim Walz còn huấn luyện bóng bầu dục. Năm 1999, dưới sự dẫn dắt của ông, đội bóng bầu dục của Trường trung học Mankato West đã giành chức vô địch đầu tiên trong bốn chức vô địch cấp tiểu bang của trường này.

Năm 2006, ông Tim Walz đã đánh bại một ứng cử viên Cộng hòa đương nhiệm trong cuộc đua đầu tiên của mình vào Hạ viện Mỹ. Tại cơ quan lập pháp này, ông Tim Walz kiên trì bảo vệ các vấn đề của cựu chiến binh. Ông Tim Walz đã phục vụ 6 nhiệm kỳ tại Hạ viện Mỹ.

Ông Tim Walz là Thống đốc ở Minnesota trong hai nhiệm kỳ với nhiều kinh nghiệm xử lý vấn đề gây chia rẽ. Nhưng mọi thứ trở nên dễ dàng hơn đối với ông Tim Walz trong nhiệm kỳ thứ hai sau khi Đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát cả hai viện lập pháp ở bang này, giúp ông thuận lợi hơn trong việc thúc đẩy các chính sách tại Minnesota. Chính quyền của ông Tim Walz cũng được hỗ trợ bởi khoản thặng dư ngân sách khổng lồ.

Trong nhiệm kỳ thứ hai đó, ông Tim Walz và các nhà lập pháp đã xóa bỏ gần như tất cả các hạn chế về phá thai ở tiểu bang Minnesota do Đảng Cộng hòa ban hành trong quá khứ, bảo vệ việc khẳng định giới tính cho thanh thiếu niên chuyển giới, hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa cho mục đích giải trí và tài trợ cho các bữa ăn miễn phí tại trường học cho trẻ em.

Tôi nghĩ một điều cần lưu ý là hình ảnh. Bà Kamala Harris đang cố gắng thể hiện một hình ảnh hướng tới tương lai trái ngược với quan điểm làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, một quan điểm nhìn lại quá khứ, một quá khứ vàng son, mà Đảng Cộng hòa đưa ra.

Ông Patrick Eagan - Giáo sư chính trị tại Đại học New York.

Một lý do quan trọng khiến bà Harris chọn ông Walz, bởi vì ông từng kinh qua quân đội và trải qua hai nhiệm kỳ làm Thống đốc bang Minnesota. Ông Walz nổi bật với cách giao tiếp mộc mạc và dễ gần, thường sử dụng ngôn từ giản dị để kết nối với cử tri ở vùng Trung Tây.

Bà Harris, con gái của gia đình nhập cư từ Jamaica và Ấn Độ, trở nên mạnh mẽ hơn khi hợp sức với một chính trị gia nổi tiếng ở vùng Trung Tây, tiểu bang ủng hộ Đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử tổng thống và gần với hai bang chiến trường quan trọng Wisconsin và Michigan.

Các tiểu bang như vậy được coi là có tính chất quyết định cuộc bầu cử ngày 5 tháng 11 và ông Walz được coi là người có kỹ năng kết nối với các cử tri da trắng ở vùng nông thôn, để có thể giúp bà giành lấy lá phiếu của những người đã bỏ phiếu rộng rãi cho ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump, đối thủ của bà Harris trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (trái) và Thống đốc bang Minnesota Tim Walz trong cuộc vận động tranh cử ở thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, ngày 6/8/2024. Ảnh: scmp.com.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (trái) và Thống đốc bang Minnesota Tim Walz trong cuộc vận động tranh cử ở thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, ngày 6/8/2024. Ảnh: scmp.com.

Do đó, sự lựa chọn ông Walz phản ánh mong muốn của bà Harris trong việc mở rộng sự ủng hộ trên toàn quốc, không chỉ giới hạn ở một khu vực cụ thể. Có thể nói, sự lựa chọn Tim Walz cho thấy bà Harris đang thực hiện một cách tiếp cận táo bạo, không những nhằm thu hút sự ủng hộ từ các cử tri ở Trung Tây, nơi mà Đảng Dân chủ từng có ảnh hưởng lớn, mà còn là một thông điệp chiến thuật và biểu tượng của sự kết nối với các tầng lớp cử tri khác nhau trong xã hội.

Tuy nhiên, sự lựa chọn ông Tim Walz cũng được coi là một sự mạo hiểm. Việc ông Walz được chọn thay vì Thống đốc Shapiro có vẻ là một bước đi bất ngờ trong mắt nhiều người, đặc biệt là khi so sánh với những ứng cử viên tiềm năng hàng đầu không được bà Harris lựa chọn làm liên danh tranh cử.

Ngoài ra, ông Walz, mặc dù có phong cách dễ gần và dễ hòa nhập, có thể không tạo ra ảnh hưởng lớn ngoài Minnesota. Minnesota, nơi ông Walz đứng đầu, đã đứng về Đảng Dân chủ kể từ năm 1972. Nếu chiến dịch của bà Harris không thu hút được thêm sự ủng hộ cần thiết ngoài Minnesota, điều này có thể là một yếu tố góp phần dẫn đến thất bại tiềm tàng của bà Harris.

Diễn biến kịch tính trên thị trường chứng khoán

Từ khi Tổng thống Biden rút lui và giới thiệu bà Harris ra tranh cử đến nay, bà đã rất thành công trong việc vận động tranh cử. Chiến dịch của bà Harris nhận được tài trợ 310 triệu USD trong tháng qua, gấp đôi con số của ông Trump.

Ngoài ra, bà đã huy động được 36 triệu USD trong vòng 24 giờ sau khi công bố Thống đốc Minnesota Tim Walz trở thành ứng viên phó tổng thống. Tuy nhiên, thách thức trước mắt còn rất lớn.

Theo tờ Wall Street Journal, tình hình kinh tế bất ổn gần đây có nguy cơ củng cố quan điểm của cử tri rằng nền kinh tế Mỹ đang không ổn định, tạo cơ hội cho chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump chuyển sang chiếm ưu thế trong cuộc đua với Phó Tổng thống Kamala Harris.

Từ khi Tổng thống Biden rút lui và giới thiệu bà Harris ra tranh cử đến nay, bà đã rất thành công trong việc vận động tranh cử. Ảnh: Reuters.

Từ khi Tổng thống Biden rút lui và giới thiệu bà Harris ra tranh cử đến nay, bà đã rất thành công trong việc vận động tranh cử. Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ vừa trải qua đợt bán tháo cổ phiếu tồi tệ nhất trong nhiều năm qua. Tình trạng bán tháo bắt đầu từ thứ 6 tuần trước và kéo dài sang tuần này bắt nguồn từ nỗi lo về sức khỏe nền kinh tế Mỹ, đặc biệt sau khi Bộ Lao động nước này công bố báo cáo việc làm kém khả quan hơn dự báo.

Trong tháng 7, 114.000 công nhân được tuyển dụng, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của các nhà kinh tế là 185.000 việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng trong năm nay từ 3,7% lên 4,3%, mức cao nhất kể từ năm 2021. Xu hướng đó đã kích hoạt một chỉ báo suy thoái được gọi là "Quy tắc Sahm", theo đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,5 điểm phần trăm trong khoảng thời gian 12 tháng thường báo hiệu trước một cuộc suy thoái.

Trên phạm vi toàn cầu, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm hơn 12% vào đầu tuần này, mức giảm trong một ngày tồi tệ nhất kể từ vụ sụp đổ sau “Thứ Hai Đen tối” năm 1987. Điều này đã thúc đẩy làn sóng bán tháo trên khắp châu Âu và Mỹ, khi các nhà đầu tư bán tháo các tài sản rủi ro hơn. Sự bất ổn của thị trường toàn cầu diễn ra trùng với báo cáo việc làm đáng thất vọng trong tháng 7 được công bố vào cuối tuần trước, khi một số nhà kinh tế lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang (FED) quá thận trọng trong việc cắt giảm lãi suất.

Tôi nghĩ ở đây có sự kết hợp giữa nỗi sợ về tăng trưởng và nỗi sợ chính sách của Cục Dự trữ Liên bang. Từ nhiều tháng nay, người ta đặt câu hỏi: Khi nào FED sẽ nới lỏng và họ sẽ nới lỏng bao nhiêu trong năm nay và năm sau, khi tăng trưởng đang lao dốc. Nền kinh tế có đang chậm lại không? Chắc chắn là có.

Ông Scott Wren - Viện đầu tư Wells Fargo.

Ông Trump đã nhanh chóng nắm bắt được sự hoảng loạn của các nhà đầu tư tại Mỹ, viết trên nền tảng Truth Social của mình rằng: “Cử tri có quyền lựa chọn - sự thịnh vượng mà ông Trump đem lại hay sự sụp đổ do bà Kamala gây ra và cuộc đại suy thoái năm 2024”.

Sau đó, ông Trump đã liên tục đề cập đến chủ đề này nhằm tìm cách gây lo ngại về sự suy thoái với hy vọng cử tri sẽ đổ lỗi cho Đảng Dân chủ hiện đang điều hành đất nước.

Sức nặng của nền kinh tế

Mặc dù bà Harris đang dần vượt lên kể từ khi Tổng thống Biden rút lui khỏi cuộc đua, ông Trump vẫn duy trì được lợi thế về lĩnh vực kinh tế. Tin tức tiêu cực về nền kinh tế sẽ gây áp lực lên chiến dịch của bà Harris. Liệu tình hình kinh tế Mỹ có thực sự tồi tệ và điều đó có thể gây tác động tiêu cực mạnh mẽ đến giai đoạn vận động tranh cử thành công hiện nay của bà Harris?

Thị trường lao động vẫn đang phát triển và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp kỷ lục. Trong khi đó, tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ tăng trưởng với tốc độ vững chắc trong ba tháng quý II, tăng tốc so với quý trước và vượt mức tăng trưởng trung bình năm 2023.

Ông Trump vẫn duy trì được lợi thế về lĩnh vực kinh tế trước bà Harris . Ảnh: Reuters.

Ông Trump vẫn duy trì được lợi thế về lĩnh vực kinh tế trước bà Harris . Ảnh: Reuters.

Ông Jon Krosnick, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Stanford, nghiên cứu về nhận thức của nền kinh tế, cho rằng: "Mọi người không tập trung quá nhiều vào những gì xảy ra trong hai ngày biến động của tháng 8, bởi cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11. Có rất nhiều lý do để không cần quá lo lắng".

Các chuyên gia cho rằng đợt biến động thị trường vào tháng 8 sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến kết quả bầu cử. Tuy nhiên, một đợt suy yếu kinh tế nghiêm trọng sẽ gây tổn hại đến triển vọng thắng cử của bà Harris.

Ông Stephen Roach, thành viên cấp cao tại Trường Luật Yale, đã từng có 30 năm làm việc tại Morgan Stanley nhận định: "Phải có một sự suy thoái nghiêm trọng hơn nhiều thì mới bắt đầu có tác động tiêu cực đến vị thế mà bà Kamala Harris hiện đang có".

Đảng Dân chủ cho rằng còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận chung nào về hướng đi của nền kinh tế Mỹ. Bất chấp tỷ lệ thất nghiệp tăng, các chỉ số kinh tế khác, chẳng hạn như doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp vẫn đang tăng.

Trong năm qua, Cục Dự trữ Liên bang đã giữ lãi suất ổn định ở mức cao nhất kể từ năm 2001. Chi phí vay cao đã gây áp lực lên người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Tuần trước, Chủ tịch FED Jerome Powell đã chỉ ra rằng ngân hàng trung ương có thể cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 9, có khả năng giúp các nhà đầu tư tăng thêm sự tự tin. Đó là cuộc họp cuối cùng của FED trước cuộc bầu cử tháng 11 năm nay. Một báo cáo việc làm cuối cùng dự kiến sẽ được công bố vài ngày trước cuộc bầu cử.

Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell. Ảnh: Reuters.

Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell. Ảnh: Reuters.

Ngay cả khi tăng trưởng việc làm và thị trường chứng khoán được cải thiện dưới thời Tổng thống Biden, ông Trump vẫn tiếp tục gây sức ép về vấn đề này. Hơn một nửa số người được hỏi trong cuộc thăm dò mới nhất của tờ Wall Street Journal cho biết ông Trump có khả năng xử lý nền kinh tế tốt nhất, trong khi chỉ có 40% cho biết bà Harris phù hợp nhất để xử lý vấn đề này. Trong số những người độc lập, 57% cho biết ông Trump có khả năng xử lý nền kinh tế tốt nhất, trong khi 25% người độc lập nghĩ như vậy về bà Harris.

Kinh tế vẫn luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của cử tri. Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ tiếp nối chương trình nghị sự kinh tế của ông Biden. Tuy nhiên, bà cũng bắt đầu đưa ra một số ý tưởng riêng, chủ yếu là những vấn đề gần gũi với các gia đình Mỹ như nghỉ phép có lương và hỗ trợ chăm sóc trẻ em, thay vì sa vào các cuộc tranh luận chính sách gay gắt.

Tuy nhiên, bà Harris sẽ phải đối đầu với "ông hoàng cắt giảm thuế" Donald Trump, điều mà giới phân tích cho rằng không hề dễ dàng. Trong các cuộc vận động, ông Trump tuyên bố sẽ giúp cởi trói các quy định mà ông cho là bóp nghẹt doanh nghiệp.

Hãy xem, nếu được bầu, ông Donald Trump có ý định giảm thuế cho các tỷ phú và các tập đoàn lớn. Ông ấy có ý định cắt giảm an sinh xã hội và medicare. Ông ấy có ý định đầu hàng cuộc chiến chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu của chúng ta. Và ông ấy có ý định chấm dứt đạo luật chăm sóc giá cả phải chăng.

Bà Kamala Harris - Phó Tổng thống Mỹ và ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ.

Trong khi vấn đề kinh tế là trọng tâm trong chiến dịch của Đảng Cộng hòa, ông Trump thường bị phân tâm và gây tranh cãi. Trong chiến dịch gần đây, ông đã bị chỉ trích vì cáo buộc bà Harris “chỉ mới bắt đầu nhận mình là phụ nữ da màu”.

Và Thượng Nghị sĩ J.D. Vance, người đồng hành tranh cử của ông, đã bị chỉ trích vì những bình luận vô cảm về những người phụ nữ không có con. Một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos cho thấy ông Trump đang thua Phó Tổng thống Kamala Harris. Trong số những cử tri đã đăng ký, 43% ủng hộ và Harris và 42% ủng hộ ông Trump.

Chiến dịch tranh cử của ông Trump đã trải qua vài tuần khó khăn kể từ khi Tổng thống Biden tuyên bố sẽ không tái tranh cử và Đảng Dân chủ đã nhanh chóng tập trung ủng hộ bà Harris. Bà nhanh chóng chiếm ưu thế trước ông Trump trong các cuộc thăm dò, biến cuộc đua trở nên cân sức hơn nhiều, bởi bà đem lại cho Đảng Dân chủ sự lạc quan vào một làn gió mới. Tất nhiên, lịch sử chính trường Mỹ đã nhiều lần chứng minh bầu cử tổng thống luôn tiềm ẩn nhiều bất ngờ. Và câu trả lời sẽ có vào ngày 5 tháng 11 tới.

Hiền Thảo

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/bau-cu-my-trai-qua-mot-tuan-day-nong-bong-257408.htm
Zalo