Bầu cử Mỹ khiến cử tri thành thị và nông thôn thêm chia rẽ
Kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm nay cho thấy lằn ranh vô hình chia rẽ cử tri ở thành thị và nông thôn ngày càng sâu sắc hơn.
Trong nhiều tháng trước ngày tổng tuyển cử 3/11, kết quả các cuộc thăm dò đã làm người Mỹ khấp khởi hy vọng về viễn cảnh những lằn ranh chia cách cử tri dần thu hẹp lại.
Ngay cả sự chia rẽ giữa người bỏ phiếu ở thành thị và nông thôn cũng được cho là giảm dần.
Cụ thể, theo thăm dò do YouGov thực hiện từ 31/10 đến 2/11, mức chênh lệch về tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump và đối thủ đảng Dân chủ - năm nay là ông Joe Biden - ở vùng nông thôn là 10 điểm. Con số này giảm hẳn một nửa so với cuộc bầu cử năm 2016.
Sự chia rẽ của cử tri về mặt địa lý
Trên thực tế, phân tích của tờ Economist dựa trên dữ liệu sơ bộ của Decision Desk HQ cho thấy sự phân cực về mặt đảng phái giữa hai đối tượng cử tri nói trên đang ở mức trầm trọng hơn bao giờ hết.
Tại những quận và hạt nông thôn thuộc nhóm khu vực có mật độ dân số thấp nhất, cử tri ở đây đã giúp ông Trump mở rộng cách biệt đến 33 điểm - tăng so với 32 điểm của năm 2016.
Decision Desk HQ cũng loại trừ những khu vực mà dân gốc Latin chiếm trên 10% cơ cấu dân cư, bởi đây là nhóm cử tri thiên hữu và ảnh hưởng đến mật độ dân số.
Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với phe Dân chủ ở những quận, hạt thuộc nhóm đô thị sầm uất nhất giúp ông Joe Biden mở rộng cách biệt đến 29 điểm, tăng so với mức 25 điểm của năm 2016.
Một cách khái quát hóa, mật độ dân số của một địa phương càng cao, tỷ lệ ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ càng tăng.
Ngay cả khi xem xét các yếu tố về cơ cấu dân số khác, như tỷ lệ người da trắng không có trình độ đại học và cử tri gốc Latin, phân tích của tờ Economist vẫn chỉ ra rằng cử tri Mỹ ở thành thị và nông thôn trở nên chia rẽ hơn so với cuộc bầu cử năm 2016.
Dữ liệu của Decision Desk HQ cũng cho thấy ông Biden đã giành lại được sự ủng hộ ở những vùng từng bầu cho ông Obama vào năm 2012 nhưng quay sang Tổng thống Trump năm 2016.
Nguyên nhân và hệ quả
Sự phân cực ở những vùng có mức độ đô thị hóa khác nhau nhiều khả năng xuất phát từ tác động của cộng đồng và môi trường sống của cử tri, tờ Economist nhận định.
Theo đó, đại đa số người dân ở một địa phương có xu hướng bỏ phiếu cho cùng một ứng viên tổng thống.
Hiện tượng cộng đồng dân cư có chung lập trường chính trị này từng được Bill Bishop mô tả trong tác phẩm The Big Sort xuất bản năm 2008.
Người theo chủ nghĩa tự do và cấp tiến thường được cho là tập trung ở những thành phố có bản sắc văn hóa đa dạng, với mật độ dân số cao và cơ cấu dân cư gồm nhiều thành phần.
Ngược lại, người da trắng thuộc tầng lớp lao động ở những vùng ngoại ô và khu dân cư thưa thớt thường có xu hướng ủng hộ đường lối chính trị bảo thủ.
Sự phân cực nói trên dẫn đến hai hệ quả chính. Giáo sư Jonathan Rodden tại Đại học Stanford, tác giả cuốn Why Cities Lose lên kệ năm 2019, cho rằng nước Mỹ bị chia cắt về mặt chính trị dựa theo đặc điểm mật độ dân số và mức độ đô thị hóa. Điều này khiến số phiếu bầu cho đảng Dân chủ không phản ánh chính xác nguyện vọng của cử tri.
Nguyên nhân xuất phát từ cơ chế “được ăn cả” trong cuộc đua giành ghế vào Thượng viện và Hạ viện, thay vì dựa trên nguyên tắc đầu phiếu phổ thông.
Do đó, khi người dân tại một địa phương đồng loạt đi bầu cho một đảng, số ghế mà đảng đó giành được trong lưỡng viện có thể không tương xứng với số phiếu phổ thông mà ứng viên của họ giành được.
Bởi phần đông cử tri ủng hộ đảng Dân chủ tập trung ở các khu vực thành thị, sự phân cực nói trên đã hạn chế mức độ ảnh hưởng của đảng này trên chính trường Mỹ.
Sự chia rẽ này cũng đe dọa cơ hội cho ứng viên của đảng Dân chủ khi giành phiếu đại cử tri trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Cục diện ở Wisconsin trong cuộc bầu cử năm nay là một ví dụ điển hình.
Về chung cuộc, số liệu của AP cập nhật đến 13/11 cho thấy tỷ lệ phiếu phổ thông trên cả nước dành cho ông Biden và ông Trump lần lượt là 50,9% và 47,4% - mức cách biệt 3,5 điểm.
Tuy nhiên, tại Wisconsin, ông Biden chỉ có thể giành chiến thắng sít sao với mức chênh lệch chưa tới 1 điểm. Kết quả này giúp ông giành được 10 phiếu đại cử tri, củng cố chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.