Bầu cử Mỹ: Các điểm bỏ phiếu bắt đầu mở cửa, thị trường tài chính 'nín thở' chờ đợi
Ngày 5/11, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã bước vào thời khắc quyết định khi cử tri Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu. Kết quả bầu cử có thể dẫn đến sự thay đổi lớn trong chính sách và tác động sâu rộng tới nền kinh tế không chỉ Mỹ mà còn lan rộng ra toàn cầu.
Bầu cử tổng thống Mỹ là một sự kiện quan trọng diễn ra 4 năm một lần, để chọn ra Tổng thống và Phó Tổng thống cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Năm 2024, 2 ứng cử viên trên cuộc đua tới ghế tổng thống là ông Donald Trump - đại diện Đảng Cộng hòa và bà Kamala Harris - đại diện Đảng Dân chủ.
Nội dung tường thuật
20:48 05/11
Bầu cử Tổng thống Mỹ: Các tỷ phú theo phe ai?
Các tỷ phú Mỹ đang đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024.
Trong số đó, Elon Musk, Giám đốc điều hành của Tesla và SpaceX, là chủ nhân của hơn 1/3 số tiền ủng hộ cho cựu Tổng thống Donald Trump và các ứng cử viên khác của Đảng Cộng hòa.
Trong khi tỷ phú Elon Musk rầm rộ bày tỏ sự ủng hộ cho ông Trump tại các địa điểm nổi tiếng - thậm chí đích thân xuất hiện tại một cuộc vận động ở bang Pennsylvania hồi tháng 10, các tỷ phú khác lại đang âm thầm quyên góp cho chiến dịch của Phó Tổng thống Kamala Harris.
Theo Forbes đưa tin, từ tháng 1/2023 đến hết tháng 10 năm nay, chiến dịch của bà Harris đã huy động được tổng cộng 998 triệu USD. Con số này bao gồm cả số tiền quyên góp được từ chiến dịch của cựu Tổng thống Biden. Cùng trong khoảng thời gian này, chiến dịch của ông Trump chỉ huy động được 392 triệu USD, theo hồ sơ của Ủy ban Bầu cử Liên bang.
Giới “centibillionaire” đã có những cú “đặt cược”
Có ít nhất 83 tỷ phú - hai trong số họ là “centibillionaire” (những tỷ phú có khối tài sản ròng trên 100 tỷ USD) - đang theo phe của ứng viên Đảng Dân chủ Kamala Harris.
Trong khi đó, ứng viên Đảng Cộng Hòa Donald Trump nhận được sự ủng hộ của 52 tỷ phú, bao gồm một tỷ phú centibillionaire.
Trong số ba tỷ phú centibillionaire, Elon Musk ủng hộ ông Trump. Bill Gates của Microsoft và doanh nhân kiêm cựu thị trưởng New York Michael Bloomberg dành sự tín nhiệm cho bà Kamala Harris.
Theo Fortune, ông Musk đã quyên góp khoảng 132 triệu USD cho ông Trump và những ứng viên đảng Cộng hòa khác trong cuộc bầu cử năm 2024.
Tờ New York Times đưa tin, Bill Gates đã quyên góp 50 triệu USD cho Future Forward USA Action, một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ Harris. Forbes cho biết Michael Bloomberg quyên góp khoảng 100 triệu USD cho tổ chức này.
Bà Harris dẫn trước về sự ủng hộ từ giới tỷ phú
Phân tích của Forbes cho thấy bà Harris nhận được nhiều phiếu tín nhiệm từ các tỷ phú hơn so với ông Trump với sự cách biệt lớn. Sự ủng hộ này bao gồm cả đóng góp tài chính và việc tán thành công khai .
Cụ thể, những người ủng hộ bà Harris bao gồm đạo diễn Steven Spielberg; CEO Eric Schmidt của Google; Laurene Powell Jobs – người vợ tỷ phú của nhà sáng lập Apple Steve Jobs; và Melinda French Gates, vợ cũ của Bill Gates.
Những người theo phe ông Trump bao gồm các tỷ phú trong giới khách sạn và sòng bạc như ông trùm Steve Wynn của Wynn Resorts hay bà Miriam Adelson của Las Vegas Sands Corp, bên cạnh đó còn có Ray Davis, đồng sở hữu và đồng chủ tịch của đội bóng chày nổi tiếng Texas Rangers.
19:26 05/11
Chiến thắng của ông Trump sẽ khiến đồng yên giảm giá mạnh hơn
Thị trường Nhật Bản đang tập trung vào cuộc bầu cử tại Mỹ, không chỉ bởi quy mô và thanh khoản của nền kinh tế lớn nhất thế giới, mà còn bởi mối liên kết chặt chẽ giữa đồng USD và yên Nhật.
Theo giới đầu tư và các chuyên gia, chiến thắng của bà Kamala Harris trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ có khả năng hỗ trợ đồng yên Nhật, trong khi chiến thắng của ông Donald Trump có thể sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán Tokyo và khiến đồng yên có nguy cơ giảm mạnh hơn.
Đồng yên đã giảm giá nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (5/11) so với USD, sau khi đã tăng khoảng 1% trong phiên trước đó. Tại thị trường chứng khoán, chỉ số Topix tăng 0,8% trong phiên giao dịch trước khi cuộc bầu cử tại Mỹ diễn ra.
“Nếu bà Harris chiến thắng, thị trường nhiều khả năng sẽ phản ứng theo hướng lãi suất giảm nhẹ, đồng USD yếu hơn và tỷ giá USD/yên sẽ kiểm tra mức 150”, Yujiro Goto, giám đốc chiến lược ngoại hối tại Nomura Securities Co cho biết.
Trong khi đó, các chiến lược gia tại Credit Agricole AG và Mizuho Bank Ltd cho rằng, đồng yên có thể giảm xuống mức 160 yên đổi 1 USD nếu ông Trump là người chiến thắng - gần với mức thấp nhất 38 năm qua.
18:37 05/11
Các thị trường tài chính "nín thở" chờ đợi
Các thành viên thị trường tài chính giữ thái độ thận trọng trong thời điểm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang diễn ra. Đây được đánh giá là cuộc bầu cử nhiều biến động bậc nhất trong lịch sử hiện đại.
“Điều dễ nhận thấy nhất hiện tại là không ai sẵn sàng đặt cược vị thế đầu tư trong cuộc bầu cử này. Tính chất bất ổn, khó đoán định bao trùm mọi thị trường tài sản đầu tư, bởi chính sách của 2 ứng cử viên rất khác biệt”, Alexandre Hezez, giám đốc đầu tư tại Groupe Banque Richelieu (Paris) chia sẻ.
Các thị trường châu Âu đã bắt đầu bước vào phiên giao dịch ngày 5/11. Chỉ số Stoxx 600 không có nhiều thay đổi. Trong khi đó, thị trường chứng khoán tương lai Mỹ nhích nhẹ, hợp đồng chỉ số Nasdaq tăng 0,2%. Đồng USD "đứng yên", trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 2 điểm cơ bản lên 4,3%.
Theo chiến lược gia Citigroup Stuart Kaser, dựa trên các số liệu dự báo, chỉ số chứng khoán Mỹ S&P 500 sẽ giao động 1,8% về cả 2 chiều tăng giảm trong ngày bầu cử.
Có nhiều chất xúc tác khác có thể tác động đến thị trường chứng khoán trong tuần này. Sau ngày bầu cử, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có cuộc họp vào thứ Năm và tại đây Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có bài phát biểu. Các thành viên thị trường đón đợi thông tin chi tiết về lộ trình lãi suất của ngân hàng trung ương. Bên cạnh đó, một phần lớn các công ty Hoa Kỳ sẽ tiếp tục công bố kết quả kinh doanh quý III.
Vào thời điểm hiện tại, một số điểm bầu cử tại Mỹ đã bắt đầu mở cửa vào lúc 5 giờ sáng theo giờ địa phương.
15:57 05/11
Pennsylvania, Wisconsin là 2 bang quan trọng và cực kỳ khó đoán
Số phiếu của Đại cử tri mới là yếu tố quyết định kết quả của cuộc đua song mã giữa Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump.
Hệ thống Đại cử tri đoàn bắt nguồn từ Hiến pháp Mỹ từ năm 1787, trong đó thiết lập các quy tắc về các cuộc bầu cử tổng thống gián tiếp và chỉ 1 vòng. Mỗi bang sẽ được phân bổ số phiếu Đại cử tri dựa trên số lượng nghị sĩ đại diện của bang đó tại Quốc hội. Ứng cử viên cần giành được 270 phiếu đại cử tri để đắc cử Tổng thống.
Về mặt lý thuyết tại hầu hết các bang, ngoại trừ Nebraska và Maine, ứng viên nào giành được đa số phiếu phổ thông cũng sẽ giành được tất cả các phiếu đại cử tri của bang đó.
Song, cơ chế Đại cử tri đoàn cho phép một ứng viên tổng thống có thể thua số phiếu phổ thông nhưng lại giành chiến thắng cuối cùng. Có 5 tổng thống của Mỹ từng đắc cử trong những tình huống như vậy, bao gồm ông Donald Trump vào năm 2016.
Do đặc thù của hệ thống Đại cử tri, chỉ một số ít tiểu bang được coi là "chiến địa" nơi cả hai ứng cử viên đều có cơ hội chiến thắng. Dựa theo dữ liệu về phân tích về kết quả bầu cử trong quá khứ, thăm dò ý kiến, đánh giá tình hình về các ứng cử viên... điểm nóng của cuộc bầu cử sẽ nằm ở:
Arizona
Vào năm 2016, ông Trump đã giành chiến thắng ở đây với cách biệt 4% so với đối thủ. Đến năm 2020, ông Biden đã chiếm được ưu thế với cách biệt 0,5%. Ở thời điểm hiện tại, hai ứng cử viên đang có tỷ lệ ủng hộ ngang nhau.
Georgia
Vào năm 2016, ông Trump đã giành chiến thắng ở đây với cách biệt 4% so với đối thủ. Đến năm 2020, ông Biden đã chiếm được ưu thế với chưa đến 12.000 phiếu. Ở thời điểm hiện tại, hai ứng cử viên đang có tỷ lệ ủng hộ ngang nhau.
Michigan
Vào năm 2016, ông Trump đã tạo bất ngờ khi giành chiến thắng tại bang này sau 28 năm thống trị của Đảng Dân chủ. Đến năm 2020, ông Biden đã chiếm được ưu thế với cách biệt 3%. Ở thời điểm hiện tại, hai ứng cử viên đang có tỷ lệ ủng hộ ngang nhau.
Nevada
Đây được xem là bang "sân nhà" của Đảng Dân chủ với chiến thắng trong hai kỳ bầu cử gần nhất. Do đó, Nevada đang là mục tiêu chiến lược của ông Trump để lật ngược tình thế. Ở thời điểm hiện tại, cuộc đua giữa hai ứng cử viên ở đây đang tương đối sát sao và khó dự đoán.
North Carolina
Ngược lại, North Carolina là "sân nhà" của Đảng Cộng hòa với việc chưa bầu cho Đảng Dân chủ kể từ 2008. Trước đó, ông Trump đã từng thắng với cách biệt 3% năm 2016 và 1% năm 2020. Hiện tại, bà Harris đang kỳ vọng sẽ chiếm được lợi thế nhờ sự ủng hộ của cộng đồng cử tri da màu đông đảo tại đây.
Pennsylvania
Đây được xem là một trong những bang quan trọng nhất trong cuộc bầu cử năm 2024. Trước đó, ông Trump đã thắng ở bang này vào năm 2016 nhưng thua cuộc vào năm 2020 với tỷ lệ suýt soát dưới 1% trong cả hai kỳ bầu cử.
Wisconsin
Cũng giống như Pennsylvania, Wisconsin là bang quan trọng và cực kỳ khó đoán khi mà đã từng đem đến chiến thắng đến cho ông Trump vào năm 2016 nhưng thua cuộc vào năm 2020 với tỷ lệ suýt soát dưới 1% trong cả hai kỳ bầu cử.
Ngoài ra, theo thống kê, số lượng cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm đã đạt 78.638.717 phiếu (qua thư và trực tiếp), số phiếu đăng ký tham gia bầu cử đạt 66.882.330 phiếu. Cuộc bầu cử năm nay được dự báo sẽ vô cùng gay cấn, với kết quả tại các bang "trọng yếu" đóng vai trò quyết định. Các yếu tố như tỷ lệ cử tri đi bầu, xu hướng bỏ phiếu sớm và diễn biến trong những ngày cuối cùng sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến kết quả cuối cùng.
15:47 05/11
Đã có kết quả của điểm đầu tiên bỏ phiếu
Thị trấn Dixville Notch đã kêu gọi cử tri đi bỏ phiếu vào lúc 0 giờ ngày 5/11, tiếp nối truyền thống được thiết lập từ năm 1960, mang lại danh hiệu “nơi đầu tiên trên toàn quốc đi bầu tổng thống”.
Theo đó, 6 cử tri của thị trấn Dixville Notch thuộc khu vực Green North Woods của bang New Hampshire, Mỹ đã chia đều phiếu cho ứng cử viên Đảng Dân chủ Kamala Harris và ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump.
Theo AFP, ngoài thị trấn Dixville Notch, thị trấn lân cận Millsfield cũng bỏ phiếu từ rất sớm, lúc 0 giờ ngày 5/11 theo giờ Mỹ. Trong khi đó, hầu hết các điểm bỏ phiếu còn lại ở Bờ Đông sẽ mở cửa lúc 17 giờ (giờ Việt Nam) ngày 5/11.
15:30 05/11
Điểm bỏ phiếu đầu tiên mở cửa, cử tri mất chưa đến 1 phút để đưa ra lựa chọn
Đúng 0h ngày 5/11 theo giờ miền Đông nước Mỹ, tức 12h trưa 5/11 theo giờ Việt Nam, thị trấn Dixville Notch thuộc khu vực Green North Woods của bang New Hampshire đã mở cửa điểm bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử đầy kịch tính.
Thời gian mở cửa của các điểm bỏ phiếu ở Mỹ vào ngày bầu cử phụ thuộc vào từng khu vực bầu cử. Với việc điểm bỏ phiếu vào lúc nửa đêm, cư dân ở thị trấn Dixville Notch đã trở thành những người đầu tiên bỏ phiếu trong ngày bầu cử 5/11.
Năm nay, Dixville Notch chỉ có 6 cử tri đăng ký đi bỏ phiếu. Do đó, quá trình này chỉ mất chưa đầy 1 phút.
Truyền thống bỏ phiếu nửa đêm bắt đầu ở Dixville Notch vào năm 1960 sau khi giới chức thị trấn vận động cho cơ quan lập pháp New Hampshire công nhận Dixville Notch là một khu vực bỏ phiếu độc lập.
Dixville Notch không phải là thị trấn duy nhất ở New Hampshire có truyền thống bỏ phiếu nửa đêm. Một số địa phương khác của bang này như các thị trấn Millsfield và Hart's Location có truyền thống bỏ phiếu lúc nửa đêm vào năm 1948, trước cả Dixville Notch. Tuy nhiên, Dixville Notch là khu vực bầu cử duy nhất giữ lại truyền thống này trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.
Trước đó, chỉ có hai ứng cử viên tổng thống giành được mọi phiếu bầu ở Dixville Notch, gồm cựu Tổng thống Richard Nixon hồi năm 1960 và Tổng thống đương nhiệm Joe Biden hồi năm 2020.
15:28 05/11
Bà Harris nhấn mạnh lời hứa đưa chi phí sinh hoạt xuống mức thấp hơn
Cả 2 ứng cử viên tổng thống đều đang nỗ lực thực hiện các cuộc vận động tranh cử tại các bang chiến trường kể từ thời khắc bước sang ngày 5/11.
Phó Tổng thống Kamala Harris trong ngày 4/11 cũng có hàng loạt nỗ lực vận động tại bang chiến trường quan trọng nhất Pennsylvania. Bà Harris đã tiến hành 3 cuộc vận động phút chót ở Scranton, Allentown và Pittsburgh trong buổi chiều. Tới đêm ngày 4/11 và rạng sáng ngày 5/11, nữ ứng cử viên này khép lại chiến dịch vận động tranh cử tại thành phố Philadelphia.
Bà Harris tiến hành cuộc vận động tại Philadelphia với sự có mặt của nhiều ngôi sao trong chiến dịch tranh cử của mình. Những ngôi sao hàng đầu ủng hộ ứng cử viên Đảng Dân chủ đã có mặt tại Philadelphia bao gồm Oprah Winfrey, Katy Perry, Will.i.am, Lady Gaga, Jon Bon Jovi, Christina Aguilera…
Tại bang chiến trường Philadelphia, bà Harris nhấn mạnh lời hứa “đưa chi phí sinh hoạt xuống mức thấp hơn”. Cụ thể, kế hoạch xây dựng nền kinh tế nơi các chi phí sống ở mức hợp lý của bà Harris bao gồm việc khiến thị trường nhà ở và chăm sóc sức khỏe ở mức có thể chi trả, giảm thuế cho người lao động, doanh nghiệp nhỏ; kiểm soát giá cả hàng hóa…
Theo thông báo mới nhất từ văn phòng của bà Kamala Harris, nữ ứng cử viên này sẽ dành ngày bầu cử (5/11) tại Washington DC và tham gia các cuộc phỏng vấn tại đây.
15:26 05/11
Ông Trump kết thúc bài phát biểu dài 2 tiếng tại Michigan
Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa kết thúc bài phát biểu đã kéo dài trong 2 giờ qua tại Michigan - một trong các bang “chiến trường” trong những nỗ lực kêu gọi ủng hộ vào ngày bầu cử 5/11.
Ông Trump đã nhắc lại nhiều cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình trước các cử tri tại Michigan, bao gồm lời hứa thiết lập hàng rào thuế và mạnh tay với chính sách nhập cư.
“Tôi muốn gửi lời chào đặc biệt nhất tới Grand Rapids (Michigan). Đây là nơi đặc biệt với tôi, các bạn còn nhớ năm 2016 chứ?”, ông Trump phát biểu trước đám đông ủng hộ.
Trước đó, trong chiến dịch tranh cử 2016 và 2020, ông Trump đều dành những thời khắc cuối cùng trong chiến dịch tranh cử tại thành phố này. Grand Rapids là thành phố phía Tây Michigan, là nơi đã chuyển hướng từ ông Trump năm 2016 sang ủng hộ ông Joe Biden năm 2020.
Năm 2016, Michigan đã tạo bất ngờ khi ủng hộ ông Trump trong kết quả chung cuộc, khiến ông Trump trở thành ứng viên cộng hòa đầu tiên giành chiến thắng tại bang này kể từ năm 1988. Theo truyền thống, đây là nơi ủng hộ mạnh mẽ cho Đảng Dân chủ và đã giành phiếu bầu cho ông Joe Biden năm 2020.
15:25 05/11
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã bước vào thời khắc quyết định
Ngày 5/11, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã bước vào thời khắc quyết định khi cử tri Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu. Kết quả bầu cử có thể dẫn đến sự thay đổi lớn trong chính sách và tác động sâu rộng tới nền kinh tế không chỉ Mỹ mà còn lan rộng ra toàn cầu.
Bầu cử tổng thống Mỹ là một sự kiện quan trọng diễn ra bốn năm một lần, để chọn ra Tổng thống và Phó Tổng thống cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Năm 2024, 2 ứng cử viên trên cuộc đua tới ghế Tổng thống là ông Donald Trump - đại diện Đảng Cộng hòa và bà Kamala Harris - đại diện Đảng Dân chủ.
2 ứng cử viên tổng thống Mỹ đã có cuộc rượt đuổi cực kỳ sít sao trong các cuộc thăm dò cử tri trước bầu cử. Nếu như trong tháng 9, các thăm dò cho thấy khả năng 48% số cử tri sẽ bầu cho bà Harris và 47% cho ông Trump, thì giờ đây tỷ lệ này vẫn là ngang nhau trong kết quả thăm dò toàn quốc do CNN thực hiện từ ngày 20-23/10, với 47% đều cho mỗi bên. Cuộc thăm dò do New York Times thực hiện cũng cho thấy kết quả tương tự.
So với các cựu ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ trong 2 năm 2016 và 2020 khi đối đầu với ông Trump, hiện bà Harris đang làm không tốt bằng. Ở cùng thời điểm trước ngày bầu cử, bà cựu ngoại trưởng Hillary Clinton và ông Biden đều dẫn trước ông Trump với khoảng cách lớn hơn nhiều. Tuy nhiên, vì tính chất của cuộc bầu cử tại Mỹ dựa trên số phiếu của Đại cử tri, vì vậy việc dẫn trước số phiếu cử tri chưa chắc dẫn đến kết quả chiến thắng 270 phiếu đại cử tri. Năm 2016, bà Hillary Clinton đã thua ông Trump bởi điều này mặc dù có số phiếu phổ thông áp đảo.
Thể thức bầu cử ở Mỹ quy định cử tri không bầu trực tiếp tổng thống mà chỉ bầu đại cử tri tại tiểu bang mình cư trú, trong khi việc bầu tổng thống sẽ thuộc về trách nhiệm của cử tri đoàn gồm 538 người, còn gọi là các đại cử tri.
Để trở thành tổng thống thứ 47 của nước Mỹ trong cuộc bầu cử năm nay, ứng cử viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa hoặc ứng cử viên Kamala Harris của Đảng Dân chủ phải đạt được ít nhất 270/538 phiếu đại cử tri.
Diễn biến thực tế qua các năm cho thấy, hầu hết tiểu bang ở Mỹ có truyền thống nghiêng hẳn về Đảng Dân chủ hoặc Đảng Cộng hòa. Do đó, kết quả bầu cử tổng thống thường được quyết định dựa trên kết quả ở các bang mà cả hai đảng không nắm chắc phần thắng, còn gọi là bang chiến trường.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay có 7 bang chiến trường với số phiếu đại cử tri lớn, bao gồm: Arizona (11 phiếu), Georgia (16 phiếu), Michigan (15 phiếu), Nevada (6 phiếu), North Carolina (16 phiếu), Pennsylvania (19 phiếu) và Wisconsin (10 phiếu).
Đây được dự đoán là các bang đóng vai trò “chìa khóa” để mở cánh cửa vào Nhà Trắng, nói cách khác là quyết định ông Donald Trump hay bà Kamala Harris sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của nước Mỹ.