'Bầu cử Mỹ 2024 - dự báo, đánh giá tác động và kiến nghị chính sách cho Việt Nam'

Các tham luận tại Tọa đàm cơ bản thống nhất nhận định tình hình bầu cử Mỹ rất khó dự báo kết quả do hai ứng cử viên đều có những lợi thế riêng.

Hơn 50 đại biểu tham dự Tọa đàm “Bầu cử Mỹ 2024: Dự báo, đánh giá tác động và kiến nghị chính sách cho Việt Nam” tại Học viện Ngoại giao. (Ảnh: Quốc Chính)

Hơn 50 đại biểu tham dự Tọa đàm “Bầu cử Mỹ 2024: Dự báo, đánh giá tác động và kiến nghị chính sách cho Việt Nam” tại Học viện Ngoại giao. (Ảnh: Quốc Chính)

Ngày 13/9, Học viện Ngoại giao đã tổ chức Tọa đàm “Bầu cử Mỹ 2024: Dự báo, đánh giá tác động và kiến nghị chính sách cho Việt Nam”.

Tọa đàm thuộc khuôn khổ đề tài “Chính sách đối ngoại Mỹ sau bầu cử 2024: Dự báo triển vọng và tác động tới Việt Nam”, nằm trong chương trình nghiên cứu “Dự báo môi trường đối ngoại của Việt Nam đến năm 2030”.

Hơn 50 đại biều gồm các nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, lãnh đạo Học viện Ngoại giao, lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các chuyên gia thuộc các cơ quan nghiên cứu trong nước.

Phát biểu dẫn đề tại Tọa đàm, PGS.TS. Hà Anh Tuấn, Chủ nhiệm đề tài, nhận định cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay có nhiều đặc điểm thú vị. Phương pháp và nội dung các ứng cử viên và các chính đảng sử dụng trong quá trình vận động tranh cử; cách các cử tri tại các bang khác nhau phản hồi qua các cuộc thăm dò dư luận, và tới đây là trong lá phiếu, sẽ góp phần làm sáng tỏ nhiều đổi thay trong lòng xã hội và chính trường Mỹ so với kỳ bầu cử trước.

Do vậy, mục tiêu của đề tài không chỉ dừng lại ở việc dự báo các tác động của bầu cử Mỹ tới khu vực và Việt Nam mà còn giúp hiểu rõ hơn về đất nước và con người Mỹ trong giai đoạn hiện nay, từ đó có những đề xuất về cách tiếp cận lâu dài phát triển quan hệ Việt-Mỹ.

Các tham luận và phát biểu tại Tọa đàm cơ bản thống nhất nhận định tình hình bầu cử hiện nay rất khó dự báo kết quả do hai ứng cử viên đều suýt soát nhau và có những lợi thế riêng. Nhìn chung, kết quả bầu cử không dẫn đến thay đổi lớn trong chiều hướng thúc đẩy hợp tác của Mỹ ở khu vực, do cả hai đảng đều nhận thức rõ lợi ích lâu dài tại khu vực này. Tuy việc xác định lợi ích và mục tiêu của Mỹ với khu vực có nhiều tương đồng, cách tiếp cận và ứng xử với các nước trong khu vực của hai ứng cử viên là khác nhau, đòi hỏi các nước cần có sự chuẩn bị cho từng kịch bản.

Trong trường hợp bà Kamala Harris thắng cử, về cơ bản, chiều hướng chính sách của chính quyền mới sẽ không có nhiều thay đổi so với chính quyền Tổng thống Joe Biden. Trường hợp ngược lại, "chính quyền của Tổng thống Trump phiên bản 2.0" sẽ thúc đẩy các biện pháp mạnh mẽ, cứng rắn hơn trong các vấn đề lợi ích cốt lõi của Mỹ.

Về kiến nghị chính sách cho Việt Nam, các đại biểu khẳng định, việc dự báo là nền tảng chuẩn bị cho Việt Nam sẵn sàng tiếp tục xây dựng quan hệ tốt đẹp với Mỹ, dù ứng cử viên của đảng nào thắng cử; nâng cao hợp tác thực chất, cùng có lợi trong bối cảnh Việt Nam và Mỹ vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bau-cu-my-2024-du-bao-danh-gia-tac-dong-va-kien-nghi-chinh-sach-cho-viet-nam-286563.html
Zalo