Bầu cử Mỹ 2024: Bà Kamala Harris và ông Donald Trump có cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình

Sáng 11-9 (giờ Việt Nam), ứng cử viên của đảng Cộng hòa Mỹ Donald Trump và ứng cử viên của đảng Dân chủ Kamala Harris tiến hành cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình.

Ông Donald Trump và bà Kamala Harris tại cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên. Ảnh: CNBC

Ông Donald Trump và bà Kamala Harris tại cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên. Ảnh: CNBC

Cuộc tranh luận được tổ chức tại Trung tâm Hiến pháp Quốc gia ở thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania. Đây là 1 trong 7 bang chiến trường có thể giúp xác định kết quả của cuộc bầu cử. Theo ước tính mới nhất của CBS News, bà Kamala Harris và ông Donald Trump đang hòa nhau tại bang này - nơi có 19 phiếu đại cử tri.

Hai ứng cử viên đã tranh luận nhiều chủ đề các cử tri quan tâm về đối nội và đối ngoại.

Cựu Tổng thống Donald Trump không đưa ra chi tiết về cải cách chăm sóc sức khỏe. Ông đã tuyên bố ngay từ lần đầu tiên tham gia tranh cử Tổng thống vào năm 2015 rằng, ông sẽ đưa ra một kế hoạch chăm sóc sức khỏe tốt hơn Obamacare. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu ông có đưa ra bất kỳ chi tiết mới nào cho cải cách lần này hay không, ứng cử viên đảng Cộng hòa chỉ cho biết đã có "khái niệm về một kế hoạch".

Ông Donald Trump và bà Kamala Harris cho thấy những bất đồng về chính sách với Trung Quốc.

Ứng cử viên Donald Trump bảo vệ cam kết gần đây của mình về việc tăng thuế thương mại, bao gồm thuế quan toàn diện từ 10% đến 20% và thuế quan bổ sung từ 60% đến 100% đối với Trung Quốc, đồng thời cho rằng, chính quyền Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris vẫn duy trì hầu hết các mức thuế quan từ nhiệm kỳ trước đối với Trung Quốc.

Cựu Tổng thống Donald Trump cũng hạ thấp mối lo ngại rằng, chính sách thuế quan của ông sẽ làm tăng giá cho người tiêu dùng.

Trong khi đó, ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris lập luận rằng, chính quyền ông Donald Trump đã bán chip của Mỹ cho Trung Quốc để giúp Bắc Kinh cải thiện và hiện đại hóa quân đội. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã triển khai nhiều nỗ lực nhằm hạn chế việc bán chất bán dẫn tiên tiến cho các đối thủ.

Bà Kamala Harris cho rằng, cần tập trung vào mối quan hệ với các đồng minh, đầu tư vào các cơ sở phát triển công nghệ có trụ sở tại Mỹ như trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử để hỗ trợ lực lượng lao động trong nước.

Cựu Tổng thống Donald Trump tuyên bố con số 818.000 việc làm được tạo ra dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden và bà Kamala Harris từ tháng 4-2023 đến tháng 3-2024 là "gian lận". Ông cho rằng, cần có thông tin toàn diện hơn để cung cấp bức tranh rõ ràng và chính xác hơn. Trong khi, Phó Tổng thống Kamala Harris nói rằng, cựu Tổng thống Donald Trump rời nhiệm sở với tỷ lệ thất nghiệp tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái.

“Vào tháng 1-2021, khi ông Trump rời nhiệm sở, tỷ lệ thất nghiệp chính thức là 6,4%, theo Cục Thống kê Lao động”, bà Harris nhấn mạnh.

Tại cuộc tranh luận, bà Kamala Harris trình bày kế hoạch về một "nền kinh tế cơ hội" và ca ngợi các đề xuất để giá nhà phải chăng hơn.

Về chủ đề quốc phòng, cựu Tổng thống Donald Trump khẳng định, ông đã tái thiết toàn bộ quân đội Mỹ. Vị cựu Tổng thống kết thúc cuộc tranh luận bằng cách chỉ trích thành tích của bà Kamala Harris trong ba năm rưỡi qua, chỉ trích chính sách của Tổng thống Joe Biden về cuộc rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan năm 2021, cuộc khủng hoảng người di cư và nền kinh tế.

Phó Tổng thống Kamala Harris đã dành tuyên bố kết thúc của mình để làm nổi bật sự khác biệt về tầm nhìn của bà đối với triển vọng của đất nước so với đối thủ: “Chúng ta có thể vạch ra một con đường mới để tiến về phía trước".

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bau-cu-my-2024-ba-kamala-harris-va-ong-donald-trump-co-cuoc-tranh-luan-truc-tiep-dau-tien-tren-truyen-hinh-677625.html
Zalo