Bất thường trong đấu giá quyền sử dụng đất - Phải sớm có câu trả lơìBài 2: Lợi ích rơi vào tay ai?
Thực tế, việc 'bỏ cọc' chỉ khiến người đấu giá mất số tiền đặt cọc rất nhỏ, còn người trả giá cao rồi không đấu vòng bắt buộc tiếp theo, vẫn được nhận lại tiền cọc... Hệ lụy từ vấn đề này là việc thị trường bất động sản bị nhiễu loạn, người dân mất niềm tin... Tiếp đó, giá đất 'nhảy múa' trở thành cơ hội béo bở cho một bộ phận đầu cơ 'lướt sóng'...
Bán chênh hàng trăm triệu đồng ngay sau phiên đấu giá đất
Một câu hỏi đặt ra là số phận các thửa đất sau đấu giá “đi đâu, về đâu” khi phần lớn người đấu giá chỉ chờ cơ hội để “lướt sóng”. Như phiên đấu giá quyền sử dụng đất tháng 11 vừa qua ở huyện Thanh Oai ghi nhận tình trạng giá trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm và ngay sau đó, hàng loạt lô đất được rao bán với mức chênh lệch từ 200 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/lô.
Theo bà Nguyễn Thị Nương (xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai), người dân trước đây được hưởng chính sách đất giãn dân, còn giờ phải đấu giá mới có đất ở. Thế nhưng, người dân thuần túy làm sao đủ tiềm lực để so với những người chuyên về đấu giá đất. Kết quả là, cứ qua mỗi phiên đấu giá, mặt bằng giá mới lại được xác lập. Nên nguy cơ trong tương lai, một bộ phận lớn người dân sẽ không có nhà, đất để ở... Trong khi đó, anh Nguyễn Tiến Sơn, nhân viên tư vấn Văn phòng bất động sản Sỹ Sơn Land (xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn) cho biết: Người trúng đấu giá rời khỏi phiên đấu giá đã rao bán ngay với mức chênh vài triệu đồng/m2; có thửa trúng đấu giá 35,5 triệu đồng/m2, được rao bán trên 38,5 triệu đồng/m2; trong khi đó, đất trong làng chỉ khoảng 30 triệu đồng/m2. Còn theo một người môi giới bán đất trực tiếp tại khu đấu giá xã Tiền Yên, hiện nhiều chủ thửa đất có nhu cầu chuyển nhượng; với thửa bên trong, diện tích nhỏ, giá chuyển nhượng chênh 450-650 triệu đồng/ thửa; với lô góc, diện tích lớn, mức chênh đến trên 1 tỷ đồng/lô.
Nói về thực trạng này, đại diện UBND huyện Thanh Oai cho biết, các phiên đấu giá đất gần đây đều có sự tham gia của nhiều văn phòng bất động sản. Lợi dụng hình thức đấu giá nhiều vòng bắt buộc, một số cá nhân trả giá cao rồi đồng loạt dừng, dẫn đến không xác định được người trúng đấu giá, gây ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách của địa phương và nguồn kinh phí tổ chức đấu giá lại.
Lật tẩy chiêu trò làm giá ảo trong đấu giá
Với việc ngày 3-12 cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hà Nội quyết định tạm giữ các đối tượng có hành vi thông đồng nâng giá trong phiên đấu giá đất ở xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn), dư luận hy vọng các chiêu trò thổi giá ảo sẽ sớm bị lật tẩy.
Theo lời khai của các đối tượng trên, nhằm khống chế kết quả đấu giá, các đối tượng đã thỏa thuận với nhau, nếu đến vòng 4, mức giá được các nhà đầu tư trả cao hơn thì vào vòng 5 sẽ đưa ra mức cao đột biến để thắng áp đảo, rồi đến vòng 6 sẽ không tiếp tục tham gia. Mục đích là phá không cho lô đất được đấu giá thành công. Vụ việc cụ thể này liệu có phải “mẫu số chung” của nhiều phiên trả giá cao bất thường gần đây trên địa bàn thành phố? Đây có phải là kẽ hở trong quy trình đấu giá đất hiện nay?
Ở địa phương có nhiều phiên đấu giá quyền sử dụng đất gây “sốt” thị trường bất động sản, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho rằng, mặc dù các phiên đấu giá nhiều vòng được kỳ vọng tăng tính minh bạch, nhưng thực tế lại chưa phù hợp với tâm lý người dân. Đáng lo hơn, một số văn phòng nhà đất dễ dàng móc nối để thao túng giá, khiến mục tiêu công bằng bị phá vỡ.
Đáng chú ý, với giá khởi điểm thấp cộng với việc chỉ phải nộp tiền cọc bằng 20% giá trị lô đất, nhiều người trúng sẵn sàng bỏ cọc khi sau đó không bán được để hưởng chênh lệch. Trong khi đó, với việc trả giá cao, họ đã tạo mặt bằng giá mới, là nguồn cơn để môi giới “thổi giá” của nhiều lô đất đã “ôm” trước đó ở quanh khu vực đấu giá.
Thực tế, ngay sau khi có dấu hiệu bất thường trong việc đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn Hà Nội, hàng loạt chỉ đạo từ cấp trung ương và thành phố đã được triển khai. Trên bình diện chung toàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm Văn bản số 3119/UBND-TNMT ngày 20-9-2024 của UBND thành phố; trong đó, cần chú ý việc xây dựng quy trình đấu giá phù hợp và hiệu quả; xem xét rút ngắn thời gian nộp tiền sau khi trúng đấu giá, giúp hạn chế chiêu trò "găm đất", "thổi giá"; công khai danh sách các trường hợp bỏ cọc, giúp các cơ quan quản lý dễ dàng nhận diện các đối tượng cố tình lợi dụng quy trình đấu giá để thao túng thị trường, cũng như bảo vệ quyền lợi của những nhà đầu tư chân chính...
Thực tiễn cho thấy, nếu không có giải pháp ngăn chặn chiêu trò làm giá ảo thì thị trường bất động sản cũng như nền kinh tế sẽ hứng chịu những “cú sốc” lớn như đã từng xảy ra trước đây. Giá ảo nhưng hệ lụy là có thật, đã và đang gây ra những tác động trực tiếp, nhiều chiều lên toàn xã hội...
(Còn nữa)