Bắt sóng đầu tư vào logistics Việt Nam

Việt Nam đang trên đà trở thành một trung tâm logistics quan trọng ở Đông Nam Á nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi và sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chứng kiến những thay đổi nhanh chóng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành trung tâm logistics đầy tiềm năng. Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, các hiệp định thương mại quốc tế, Việt Nam từng bước chuyển mình trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp xuất khẩu.

Cảng Cái Mép. (Ảnh: Báo ảnh Việt Nam).

Cảng Cái Mép. (Ảnh: Báo ảnh Việt Nam).

Tiềm năng thị trường logistics Việt Nam

Theo Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại nội địa.

Thị trường vận tải hàng hóa và hậu cần Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 48,38 tỷ USD năm 2024 lên 65,34 tỷ USD năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 6,19%. Các hiệp định thương mại quan trọng như ASEAN (AEC), EVFTA và VKFTA đã nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam như một trung tâm hậu cần ở Đông Nam Á.

Việt Nam hiện có hơn 34.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 43/139 nước, tăng 21 bậc so với năm 2016. Ngành logistics tại Việt Nam đã đạt tốc độ phát triển khoảng 14-16% mỗi năm, với quy mô thị trường khoảng 40-42 tỷ USD/năm.

Ngoài ra, dưới áp lực từ chính sách thương mại của Tổng thống Trump, nhiều công ty công nghệ Mỹ đang tích cực tìm kiếm giải pháp thay thế cho việc phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách chuyển dịch sản xuất sang các quốc gia như Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác. Điều này biến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu mới.

Theo Nikkei Asia, Chiu Shih-fang, một nhà phân tích chuỗi cung ứng kỳ cựu, nhấn mạnh rằng sự cấp bách trong việc chuyển dịch sang ASEAN ngày càng rõ ràng hơn.

Sự chuyển dịch này diễn ra trong bối cảnh Trump công bố sẽ áp đặt thêm 10% thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc ngay trong ngày đầu nhậm chức. Các công ty công nghệ Mỹ đang tìm cách tăng cường sản xuất tại các quốc gia khác như Việt Nam và khu vực Đông Nam Á để giảm thiểu rủi ro địa chính trị.

Tính đến ngày 15/11, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 352,38 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Thương mại điện tử bùng nổ

Sự bùng nổ của thương mại điện tử tại Việt Nam đang thúc đẩy nhu cầu về các giải pháp logistics tiên tiến. Thị trường thương mại điện tử của Việt Nam ước tính đạt 14 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ tăng trưởng 29% hàng năm. Sự gia tăng này đã tạo ra một nhu cầu lớn về dịch vụ giao hàng hiệu quả, đặc biệt là trong lĩnh vực giao hàng chặng cuối và quản lý chuỗi cung ứng.

Xu hướng livestream đang thúc đẩy TMĐT Việt Nam phát triển nhanh chóng. (Ảnh: Thành Vũ).

Xu hướng livestream đang thúc đẩy TMĐT Việt Nam phát triển nhanh chóng. (Ảnh: Thành Vũ).

Số liệu từ Amazon Global Selling Việt Nam chỉ ra rằng năm 2023, hơn 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt được xuất khẩu, tăng 50% về giá trị so với năm trước. Trên nền tảng Alibaba.com, số người mua sản phẩm Việt Nam tăng trung bình 55%.

Theo đánh giá của Teleport - công ty hậu cần thuộc hãng hàng không giá rẻ AirAsia, hoạt động thương mại giữa Trung Quốc và 5 thị trường thương mại điện tử hàng đầu Đông Nam Á gồm Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam, sẽ tạo ra giá trị thị trường vận chuyển hàng hóa là 3,8 tỷ USD vào năm 2025, vì dự kiến sẽ có nhiều sản phẩm giá rẻ hơn được nhập khẩu từ Trung Quốc trên các nền tảng phổ biến như TikTok Shop, Shopee và Temu.

Đầu tư logistic đang thế nào?

Việt Nam cũng đang chứng kiến làn sóng đầu tư mạnh mẽ nhằm nâng cao năng lực logistics, với các giải pháp tiên tiến và hạ tầng hiện đại được triển khai trên cả nước.

Trong giai đoạn từ 2013 đến 2023, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam đã tăng mạnh. Số lượng dự án đầu tư nước ngoài đạt 203 dự án chỉ trong giai đoạn 2020-2022. Các nhà đầu tư Hàn Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất với 20% tổng số dự án, theo sau là Singapore (19,5%) và Hong Kong (13,5%).

Đầu tư không chỉ dừng lại ở việc chuyển giao dòng vốn mà còn bao gồm công nghệ và thiết bị phục vụ cho hoạt động logistics.

Mới đây, CTCP Logistics Cái Mép vừa phối hợp cùng Yes4All và Proship đưa vào vận hành giải pháp quản lý chuỗi cung ứng thông minh qua kho ngoại quan, cho phép hàng hóa từ Việt Nam được tập kết, hoàn thiện trước khi xuất khẩu, đặc biệt đến thị trường Mỹ.

Theo quy hoạch phát triển cảng biển đến năm 2050, cảng Cái Mép được định hướng thành cảng cửa ngõ và trung chuyển quốc tế. Số tuyến tàu đi Mỹ từ cảng này đã tăng gấp ba lần so với năm 2018, góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành điểm kết nối logistics khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Bên cạnh cải thiện năng lực xử lý vận hành logistic thông qua các giải pháp thông minh. Xu hướng đầu tư này cũng đã diễn ra mạnh mẽ ở việc nâng cấp hạ tầng. Viettel Post đã đưa vào vận hành tổ hợp chia chọn thông minh với 200 robot, nâng công suất xử lý lên 1,4 triệu bưu phẩm/ngày, giảm 60% chi phí nhân sự và rút ngắn thời gian giao hàng.

Định hướng của Viettel Post là xây dựng hạ tầng logistics xuyên biên giới, với hệ thống kho ngoại quan tại các cửa khẩu quốc tế, hỗ trợ vận chuyển đa phương thức và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trong khi đó, Bee Logistics đặt mục tiêu doanh thu 20.000 tỷ đồng vào năm 2027, mở rộng mạng lưới văn phòng ra 15 quốc gia, cung cấp các giải pháp toàn diện về vận tải và dịch vụ hải quan.

Các doanh nghiệp lớn khác như Thaco, Tập đoàn T&T, và Transimex liên tục đầu tư vào các trung tâm logistics hiện đại tại nhiều địa phương như Long An, Quảng Nam, và Bình Dương.

Không chỉ có doanh nghiệp trong nước, các công ty nước ngoài cũng gia tăng đầu tư.

VSIP hoàn thiện trung tâm logistics tại Quảng Ngãi với vốn hơn 17 triệu USD, trong khi FM Logistic (Pháp) và SPX - Shopee Express (Singapore) triển khai các dự án hàng chục triệu USD tại Bình Dương và Bắc Ninh. Best Express, Cainiao Network, và Maersk cũng góp phần vào sự phát triển với các trung tâm phân loại và kho vận quy mô lớn.

Theo đánh giá của Agility năm 2022, Việt Nam đã được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tuy nhiên, dù có nhiều cơ hội phát triển, ngành logistics Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức lớn như cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ, chi phí logistics cao và thiếu hụt lao động có tay nghề.

Chính phủ đã ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng thông qua các dự án đường bộ, đường sắt và cảng để khắc phục những vấn đề này.

Thành Vũ

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/bat-song-dau-tu-vao-logistics-viet-nam.html
Zalo