Bất ổn thương mại bao trùm cuộc họp của IMF và WB
Niềm tin thị trường sụt giảm và bất ổn thương mại toàn cầu gia tăng đang phủ bóng lên các cuộc họp của IMF và WB trong khuông khổ hội nghị mùa Xuân 2025.

Vấn đề thuế quan chi phối Hội nghị mùa Xuân của IMF/WB. Ảnh minh họa: IMF
Hội nghị mùa Xuân 2025 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra tại Mỹ trong thời gian từ ngày 21-26/4. Tuy nhiên, niềm tin thị trường sụt giảm và bất ổn thương mại toàn cầu gia tăng bắt nguồn từ chính sách thuế quan gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump đang phủ bóng lên các cuộc họp của các tổ chức tài chính quốc tế.
Theo Chỉ số theo dõi Brookings-FT về phục hồi kinh tế toàn cầu (TIGER), kết quả hợp tác của tờ Financial Times với các chuyên gia của Viện Brookings, mối đe dọa đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang ngày càng gia tăng, khi cú sốc thương mại do các chính sách mới của Mỹ đang đè bẹp niềm tin và giáng một đòn mạnh vào thị trường tài chính toàn cầu.
Theo ông Eswar Prasad, thành viên cấp cao tại Viện Brookings, người đang có đóng góp quan trọng cho chỉ số TIGER, hiện vẫn còn quá sớm để dự báo về một cuộc suy thoái trên toàn thế giới, nhưng sự sụp đổ thương mại toàn cầu và bất ổn chính sách gia tăng sẽ kìm hãm tăng trưởng đáng kể. Mọi nền kinh tế mở dựa vào thương mại sẽ bị siết chặt và trên hết là sẽ có những tác động tiêu cực đến lòng tin.
Nhận định này được đưa ra khi các nhà hoạch định chính sách kinh tế và bộ trưởng tài chính từ khắp nơi trên thế giới tụ họp tại Washington DC để dự cuộc họp mùa Xuân đầu tiên của IMF/WB kể từ khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva ngày 17/4 cảnh báo rằng tổ chức này đang chuẩn bị cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế, vì biến động thị trường tài chính đang gia tăng và bất ổn về chính sách thương mại thực sự vượt ngoài tầm kiểm soát. Trước đó, tháng 1/2025, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu là 3,3% trong năm 2025 và năm 2026, trong khi nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm nay và 2,1% vào năm 2026.
Tuy nhiên, quyết định của ông Trump về việc công bố mức thuế quan toàn diện đối với hầu hết các đối tác thương mại của Mỹ vào ngày 2/4 đã tạo ra sự sụt giảm mạnh trên các thị trường tài chính và một loạt các dự đoán tăng trưởng đã bị điều chỉnh giảm.
Ngày 17/4, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạ lãi suất điều hành xuống còn 2,25% để chuẩn bị cho hậu quả từ các cuộc chiến thương mại, đồng thời cảnh báo triển vọng tăng trưởng đã xấu đi do căng thẳng thương mại gia tăng.
Theo ông Prasad, bất ổn đã làm giảm nghiêm trọng lòng tin của người tiêu dùng và ảnh hưởng đến đầu tư kinh doanh cũng như tăng trưởng việc làm. Khả năng hỗ trợ nền kinh tế và ngăn chặn tình trạng hỗn loạn tài chính của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bị hạn chế bởi sự chuyển dịch thuế quan sang lạm phát trong nước.
Các nhà kinh tế khu vực tư nhân đã cắt giảm dự đoán tăng trưởng trong bối cảnh chính sách không chắc chắn, tâm lý suy yếu và ảnh hưởng đến tài sản từ thị trường sụt giảm. Trước đó, trong một báo cáo công bố tuần trước, các nhà phân tích của Citigroup dự kiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu là 2,1% trong năm nay và 2,3% vào năm 2026, đồng thời cảnh báo rằng rủi ro đối với dự báo của họ là "lệch mạnh về phía giảm".
Các cuộc họp ở Washington diễn ra trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách đang chờ đợi lập trường rõ ràng hơn của Mỹ đối với các tổ chức Bretton Woods. Mỹ, cổ đông lớn nhất của cả IMF và WB, cho đến nay vẫn chưa bổ nhiệm một giám đốc thường trực cho bất kỳ hội đồng quản trị nào của hai tổ chức này.
“Dự án 2025”, bản khuyến nghị chính sách cấp tiến do nhóm nghiên cứu của tổ chức Heritage Foundation công bố vào năm 2023, ủng hộ việc Mỹ rút khỏi các tổ chức quốc tế như IMF với lý do tổ chức này ủng hộ các lý thuyết và chính sách kinh tế thù địch với thị trường tự do và một số nguyên tắc của Mỹ.
Cho đến nay, cả Tổng thống Trump và Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đều chưa đưa ra tín hiệu cho thấy Mỹ sẽ thực hiện các khuyến nghị của “Dự án 2025”. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ đã tiến hành đánh giá về vai trò và sự hỗ trợ của Mỹ đối với các tổ chức quốc tế. Và ông Bessent dự kiến sẽ công bố các chính sách của Mỹ đối với IMF và WB trong một cuộc họp quan trọng diễn ra vào ngày 23/4.