Bất ổn chính trị tại Pháp và những ảnh hưởng

Theo báo Les Echos, mặc dù uy tín của Pháp trên thị trường đang suy giảm, tình trạng này sẽ không gây ảnh hưởng đến thị trường nợ ở những nền kinh tế khác trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Tháp Eiffel ở thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Tháp Eiffel ở thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Kể từ khi Quốc hội bị giải tán, vị thế của Pháp đã thay đổi trong mắt các nhà đầu tư. Điều này được thể hiện qua khoảng cách về chi phí đi vay giữa Pháp và Đức. Nền kinh tế lớn thứ hai của châu Âu không còn được xem là một trong những quốc gia ổn định và đáng tin cậy nhất khu vực. Nguyên nhân là tình trạng bất ổn chính trị không hỗ trợ cho việc củng cố tài khóa. Trên thị trường, Pháp hiện bị đẩy xuống "hạng hai".

Những căng thẳng gần đây về chênh lệch lợi suất của trái phiếu Chính phủ Pháp [so với Đức], tăng từ 50 điểm cơ bản vào mùa Xuân năm ngoái lên gần 90 điểm cơ bản ngay trước khi chính phủ sụp đổ, đã gợi nhớ đến khủng hoảng

Eurozone

trước đây.

Trong giai đoạn đó, sự suy giảm tài chính công sau khủng hoảng 2008 và việc các cơ quan xếp hạng tín dụng hạ bậc đã gây bất ổn cho thị trường. Các nhà đầu tư nghi ngờ khả năng trả nợ của Hy Lạp (2009), Ireland (2010), Bồ Đào Nha (2011), CH Cyprus, Italy và Tây Ban Nha (2012). Chỉ đến khi ông Mario Draghi, khi đó là người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), can thiệp thì ngọn lửa mới được dập tắt và đồng euro mới được cứu vãn.

Những ngày gần đây, các nhà đầu tư trở nên cảnh giác hơn. Diễn biến của mức chênh lợi suất trên cũng như quyết định từ các cơ quan xếp hạng tín nhiệm đang được theo dõi sát sao. "Thị trường sẽ cực kỳ chú ý đến các diễn biến tiếp theo", chuyên gia Henry Allen của Deutsche Bank viết trong một báo cáo. Tuy nhiên, ông Allen và hầu hết các chuyên gia về thị trường trái phiếu đều cho rằng việc so sánh với cuộc khủng hoảng nợ công 2010-2012 là không hợp lý, bởi tình hình hiện tại hoàn toàn khác biệt.

Có ba lý do chính dẫn đến nhận định này. Thứ nhất, mức chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ giữa các quốc gia trong khu vực đồng euro (so với của Đức) hiện hẹp hơn nhiều. Trong cuộc khủng hoảng nợ công, mức chênh của lợi suất trái phiếu của Chính phủ Pháp [so với Đức] được duy trì trên 100 điểm cơ bản trong nhiều tháng, và đạt đỉnh 189 điểm cơ bản vào năm 2011. Ngược lại, sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, căng thẳng dường như đã dịu bớt: mức chênh này đã ổn định vào cuối tuần qua ở mức khoảng 77 điểm cơ bản.

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Milan, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Milan, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN

Thứ hai là không có hiệu ứng lây lan. Trái ngược với giai đoạn trước, chênh lệch lợi suất của trái phiếu Chính phủ Italy [so với Đức] đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm. Xu hướng tương tự cũng diễn ra tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp.

Thứ ba, các điều kiện tài chính hiện nay đã tốt hơn nhiều. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Pháp đã giảm xuống dưới 3%, thấp hơn so với thời điểm Quốc hội bị giải tán. Đây là yếu tố then chốt quyết định chi phí trả nợ công và nguy cơ dẫn đến "hiệu ứng quả cầu tuyết".

Trong bối cảnh kinh tế ảm đạm, lợi suất trái phiếu dài hạn của Pháp nhiều khả năng vẫn duy trì ở mức vừa phải nhờ sự hỗ trợ từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Hội đồng Thống đốc ECB được kỳ vọng sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành vào năm 2025.

Cuối cùng, thị trường vẫn lạc quan. Giá cổ phiếu tăng (chỉ số Stoxx 600 tăng gần 9% trong năm 2024, trong khi năm 2011 giảm 11%), và chi phí huy động nợ của doanh nghiệp cũng giảm.

Nhà kinh tế trưởng Gilles Moec của tập đoàn AXA cho biết, nền tảng các nhà đầu tư trong nước của Pháp đủ lớn để hấp thụ dòng vốn rút đi từ các nhà đầu tư quốc tế mà không gây xáo trộn quá lớn.

Thực tế, mặc dù phần lớn (54%) nợ công của Pháp do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ, nước này vẫn được hưởng lợi từ tỷ lệ tiết kiệm trong nước cao. "Đây là điều mà Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha thiếu trong khủng hoảng nợ công: hệ thống ngân hàng yếu kém và các nhà đầu tư tổ chức trong nước không đủ khả năng thay thế nhà đầu tư nước ngoài". Về khía cạnh này, Pháp tương đồng với Italy, ông Moëc cho biết.

Tuy nhiên, điều này không phải không có rủi ro trong trung và dài hạn. "Tại Italy, việc các ngân hàng tăng tỷ trọng tài trợ cho nhà nước đã hạn chế khả năng cấp tín dụng cho khu vực tư nhân".

Nguyễn Tuyên (P/v TTXVN tại Paris)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bat-on-chinh-tri-tai-phap-va-nhung-anh-huong/356940.html
Zalo