Bạt núi, xuyên đêm thi công dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19

Những ngày này, chủ đầu tư và nhà thầu đang phải chạy đua với thời tiết, gấp rút thi công dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 (đoạn qua đèo An Khê). Là cung đường nguy hiểm khi chạy qua nhiều khu vực đồi núi cheo leo, hiểm trở nên quá trình thi công mở rộng đèo gặp rất nhiều khó khăn.

Khoét núi, mở rộng làn đường

Theo tìm hiểu của PV Báo Nhà báo và Công luận, được biết đèo An Khê dài 8km nằm trên tuyến Quốc lộ 19 vùng giáp ranh huyện Tây Sơn (Bình Định) và thị xã An Khê (Gia Lai). Đây cũng là cung đường đèo dài và nguy hiểm nhất trên tuyến với độ cao gần 500m. Từ lâu, đèo An Khê luôn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, chính vì vậy mà việc đầu tư mở rộng đường đèo được cho là rất cấp thiết.

Theo đó, để có thể nắn chỉnh lại các khúc cua ngoằn ngoèo, nhỏ hẹp… giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông trên tuyến, tháng 6/2022 gói thầu XL-01 (mở rộng đèo An Khê) chính thức được khởi công xây dựng. Gói thầu có tổng mức đầu tư 569 tỷ đồng.

 Bạt núi mở đường (ảnh Trần Hiền)

Bạt núi mở đường (ảnh Trần Hiền)

Cụ thể, gói thầu XL-01 dài khoảng 17km thuộc Dự án tăng cường kết nối giao thông Tây Nguyên (dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19). Dự án có tổng chiều dài 143,6km (qua địa bàn 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai) với tổng vốn đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án 2 làm chủ đầu tư. Thời gian thi công từ tháng 8/2021 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024.

Theo ghi nhận của PV, những ngày này các đơn vị thi công đang phải chạy đua với thời tiết, huy động nhân công “trắng đêm” thi công nâng cấp mở rộng trên tuyến đèo An Khê. Chủ đầu tư ngày đêm túc trực, chỉ đạo nhà thầu khoét núi, mở rộng làn đường và nắn chỉnh lại các khúc cua nhỏ hẹp, tiềm ẩn tai nạn.

Theo kế hoạch, mặt đường đèo An Khê sẽ được mở rộng từ 8-9m. Trên tuyến đèo được đầu tư các kè chống sạt lở, hệ thống cống ngầm và mương thoát nước, đường mới tại các khúc cua và hệ thống mái taluy dương, âm…

 Nhà thầu đang quyết tâm "vượt nắng - thắng mưa" sớm đưa công trình về đích (ảnh Trần Hiền)

Nhà thầu đang quyết tâm "vượt nắng - thắng mưa" sớm đưa công trình về đích (ảnh Trần Hiền)

Ông Đồng Văn Hạ - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Hạ tầng Bắc Trung Nam (nhà thầu chính thi công gói thầu XL-01) cho biết: “Hiện tại, đơn vị đang huy động toàn bộ nhân công và thiết bị tập trung thi công ở khu vực đèo An Khê cả ngày lẫn đêm để kịp tiến độ cam kết với chủ đầu tư, hoàn thành vào cuối tháng 10/2024. Đèo An Khê là cung đèo nguy hiểm nhất trên tuyến Quốc lộ 19, cung đường phần lớn là đồi núi cao, hiểm trở nên quá trình thi công gặp nhiều khó khăn, vướng mắc”.

Theo ông Hạ, một trong những bất cập có thể kể đến là lưu lượng xe lưu thông qua lại trên tuyến đường rất lớn, mà đa phần là các xe tải hạng nặng trong khi tuyến đường đèo này vừa thi công, vừa thông xe. Các phương tiện này liên tục chết máy trên tuyến khiến giao thông bị ùn tắc, điều này đã làm gián đoạn việc thi công.

Cùng với đó, hiện nay một số mỏ vật liệu xung quanh dự án đã hết hạn khai thác khiến nhà thầu phải mua vật liệu từ xa, mất rất nhiều thời gian và tốn kém chi phí vận chuyển. Ngoài ra thời tiết mưa nhiều, kéo dài đã ảnh hưởng đến công tác thi công dự án.

 Tình trạng xe tải hạng nặng chết máy khi lưu thông qua đoạn đèo An Khê xảy ra thường xuyên (ảnh Trần Hiền)

Tình trạng xe tải hạng nặng chết máy khi lưu thông qua đoạn đèo An Khê xảy ra thường xuyên (ảnh Trần Hiền)

Được biết, đèo An Khê từ xưa đến nay luôn là nỗi ám ảnh của các cánh tài xế. Đặc biệt mỗi khi trời mưa lớn, bùn đất từ các sườn núi dễ gây sạt lở, nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông. Nhằm giúp các xe chạy trên tuyến được thuận lợi, an toàn, dự án đã nắn chỉnh khoảng 22 đoạn tuyến có cua nguy hiểm, độ cao, vực sâu lớn. Nhiều đoạn đi qua đồi núi cao nên phải nổ mìn để phá lượng đá rất lớn. Trong đó, có nhiều vị trí, khúc cua phải cắt ngang đường cũ và hạ nền đường đá với chiều sâu từ 10-12 mét.

“Trắng đêm” trên công trường, gấp rút hoàn thành dự án

Nhằm đẩy nhanh tiến độ, các nhà thầu đã tăng cường máy móc, thiết bị, nhân lực thi công “3 ca 4 kíp”. Trên công trường những ngày này, công nhân đang gấp rút thi công ngày đêm. Sau giờ cơm trưa và tối, họ lại tất bật thực hiện các hạng mục còn dở dang. Những công việc như đổ cát, đắp nền, lu đường…không yêu cầu nhiều về ánh sáng nên được ưu tiên thi công vào ban đêm. Tuy nhiên, bản thân mỗi công nhân cũng phải tập trung và chấp hành nghiêm các quy định về an toàn.

 Trên công trường các công nhân, kỹ sư hối hả làm việc xuyên đêm (ảnh Trần Hiền)

Trên công trường các công nhân, kỹ sư hối hả làm việc xuyên đêm (ảnh Trần Hiền)

Ông Đồng Văn Hạ cho hay: “Hiện trạng đường cũ lòng vòng, có rất nhiều khúc cua gấp nên phải nắn chỉnh nhiều, do vậy quá trình thi công gặp khó, chậm tiến độ. Theo đó, có 3 vị trí giao cắt đặc biệt phải nổ mìn, phá khối lượng đá lớn (khoảng 25.000 khối). Để triển khai thi công tuyến đèo này, chúng tôi đã phải đưa rất nhiều máy móc, thiết bị hiện đại với sự vận hành của các kỹ sư thi công có kinh nghiệm.

Nhiều tháng nay, anh em công trường phải tăng ca, tăng kíp thi công cả đêm lẫn ngày để hoàn thành đúng tiến độ. Tuy nhiên, vốn dĩ là cung đường đèo, địa hình đồi núi hiểm trở lưu lượng xe lớn nên việc thi công vào ban đêm cũng không mấy thuận lợi”.

Theo chủ đầu tư, tổng giá trị hoàn thành của gói XL-01 đạt 82%, trong đó đoạn đèo An Khê đạt 75%. Hiện tại việc thi công rãnh thoát nước và đường gom dân sinh gặp nhiều khó khăn vì người dân cản trở do chưa đền bù. Ngoài ra, trên đèo tại lý trình Km 64+760 đến Km 64+880 có khối lượng đào đá lớn thi công phức tạp, địa phương chậm bàn giao mặt bằng nên đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

 Nhiều vị trí phải hạ nền đường đá với chiều sâu từ 10-12 mét (ảnh Trần Hiền)

Nhiều vị trí phải hạ nền đường đá với chiều sâu từ 10-12 mét (ảnh Trần Hiền)

Tại lý trình Km64+760 đến Km64+880, mãi đến tháng 4/2024 mới được cấp phép nổ mìn, phá đá. Cùng với đó, phạm vi này tiếp giáp đường giao thông hiện hữu và dưới đường dây tải điện nên khối lượng được cấp phép cho một lần nổ nhỏ, không thể thi công nhanh.

Trao đổi với PV, ông Lê Tuấn Mạnh – Trưởng phòng ĐHDA 4 (thuộc Ban quản lý Dự án 2) cho biết: “Dự án trước đó dự kiến hoàn thành trước ngày 30/6, tuy nhiên trên tuyến đường này liên tục xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông và mưa lớn kéo dài đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Năm 2024 thời tiết biến đổi bất thường trong thời điểm mùa khô. Nhiều trận mưa lớn gây khó khăn trong quá trình thi công như đắp đất cao trên nền đường cũ và gây sạt lở mái taluy tại các vị trí đang gia cố mái. Chính vì vậy, dự án sau đó được gia hạn đến cuối tháng 10/2024”.

 Tính đến thời điểm hiện tại gói thầu XL-01 thuộc dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 đã đạt 82% (ảnh Trần Hiền)

Tính đến thời điểm hiện tại gói thầu XL-01 thuộc dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 đã đạt 82% (ảnh Trần Hiền)

Theo lý giải của ông Mạnh, gói thầu thi công chậm tiến độ, ngoài việc chậm giải phóng mặt bằng và thời tiết, trên tuyến đoạn qua đèo An Khê có mật độ xe rất lớn, đặc biệt là các xe tải nặng, tuyến đường cũ xuống cấp, giao cắt với tuyến đang nâng cấp rất phức tạp.

"Trên thực tế các xe tải có dấu hiệu chở hàng quá tải nên trong quá trình lưu thông thường xuyên xảy ra xung đột gây ách tắc, cản trở giao thông. Trong điều kiện vừa thi công, vừa phải đảm bảo an toàn giao thông, nhà thầu không thể tổ chức đồng loạt các công địa. Đặc biệt là các vị trí giao cắt phải chia làm nhiều phần để thi công nên mất nhiều thời gian", ông Mạnh thông tin thêm.

Trần Hiền

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bat-nui-xuyen-dem-thi-cong-du-an-cai-tao-nang-cap-quoc-lo-19-post312515.html
Zalo