Bắt nhịp công việc ngay sau tinh gọn bộ máy
Những đạo luật, nghị quyết được đưa ra thảo luận và thông qua tại kỳ họp đều rất quan trọng, là nền tảng để thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy, chuẩn bị cho giai đoạn mới với một bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả.
Quốc hội đang tổ chức kỳ họp bất thường với trọng tâm là phục vụ việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18 của Trung ương. Trao đổi với Báo Giao thông, đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, để bộ máy mới bắt nhịp ngay vào công việc, không để khoảng trống, cần đổi mới phương pháp điều hành để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.

ĐBQH Trịnh Xuân An.
Nền tảng pháp lý vững chắc
Cuộc cách mạng về tổ chức, bộ máy đang được triển khai rất quyết liệt và nhận được sự đồng tình rất cao của cán bộ đảng viên cũng như các tầng lớp nhân dân. Theo ông, các dự thảo luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này có ý nghĩa thế nào?
Những đạo luật, nghị quyết được đưa ra thảo luận và thông qua tại kỳ họp này đều rất quan trọng, là nền tảng để thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy, chuẩn bị cho giai đoạn mới với một bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả.
Nếu gọi xây dựng pháp luật, thể chế là tháo gỡ "điểm nghẽn của điểm nghẽn" thì đây là điểm khởi động để chúng ta bắt tay thực hiện những công việc quan trọng khác. Bởi những đạo luật này đều liên quan tới bộ máy, con người, thể chế, quy trình thủ tục.
Đơn cử việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đây là "luật làm ra luật", làm ra thể chế. Muốn tháo gỡ được thể chế, khơi thông điểm nghẽn, phải sửa nội dung làm ra thể chế.
Theo tôi, chúng ta đang thực hiện đúng bài, đúng phương pháp để chuyển sang giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Các dự thảo luật này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không những về mặt chính trị, xã hội, pháp lý mà còn có ý nghĩa về mặt lịch sử, trong thời điểm rất quan trọng của đất nước.
Trong quá trình Quốc hội thảo luận vừa qua, khi giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhiều lần nhấn mạnh, các dự thảo luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức Chính phủ, địa phương có rất nhiều điểm mới, toàn diện và đột phá. Qua nghiên cứu, ông nhận thấy có sự thay đổi đột phá nào?
Trước hết, chỉ nhìn vào số lượng của các chương, điều luật trong các dự thảo luật này đã thấy sự thay đổi lớn khi số lượng chương, điều thấp hơn luật hiện hành, phản ánh sự thay đổi về phương pháp.
Cách tiếp cận này đúng với tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và của Đảng, đó là pháp luật mang tính định hướng chung, kiến tạo, không quy định những nội dung quá chi tiết cụ thể.
Tinh thần chung, các luật sẽ giảm số lượng chương, điều nhưng lại bảo đảm nêu bật tính kiến tạo, nền tảng, đặt ra chuẩn chung cho hệ thống. Trung ương, Quốc hội kiến tạo, Chính phủ điều hành, địa phương thực hiện, người dân và doanh nghiệp là đối tượng thụ hưởng, có nền tảng để phát triển.
Về Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), theo tôi đây là cuộc cách mạng trong quy trình. Chúng ta tách xây dựng chính sách ra khỏi chương trình soạn thảo, không quy định cứng trình tự xem xét thông qua dự thảo luật/nghị quyết cơ bản trong 1 hay 2 kỳ họp. Bên cạnh đó, cơ quan trình phải chịu trách nhiệm đến cùng đối với dự thảo luật.
Đối với các dự luật về Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Tổ chức địa phương (sửa đổi), tuy ít điều luật hơn nhưng tính phân cấp, phân quyền, đặc biệt là chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn lại rất rõ.
Theo ông, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền sẽ tác động thế nào đến hiệu lực, hiệu quả quản lý trong thực tế?
Lâu nay chúng ta vẫn hay gặp tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, không rõ trách nhiệm. Một việc có thể có nhiều người có ý kiến dẫn đến "giẫm chân nhau", không thoát việc. Một vấn đề phải xin ý kiến nhiều bộ, cuối cùng, không bộ nào chịu trách nhiệm.
Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) đã giải quyết tập trung vào điều đó. Dù các bộ thực hiện đúng chức năng quản lý Nhà nước nhưng việc nào của cơ quan nào, phải do cơ quan đó chịu trách nhiệm, không thể đùn đẩy.
Điều này không chỉ tạo động lực trong việc điều hành mà còn bảo đảm quyền lợi của người dân doanh nghiệp.
Nếu như trước đây một dự án có thể mất nhiều năm mới có thể thực hiện thì bây giờ cùng với việc phân cấp, phân quyền trên tinh thần địa phương quyết, địa phương chịu trách nhiệm, địa phương làm, có thể thực hiện nhanh hơn.
Cần chấp nhận giai đoạn chuyển tiếp
Ở kỳ họp lần này, Quốc hội cũng xem xét và thông qua Nghị quyết về Tổ chức bộ máy của Chính phủ. Theo phương án, tổ chức bộ máy của Chính phủ sẽ còn 14 Bộ và 3 cơ quan ngang bộ. Ông đánh giá thế nào về số lượng các bộ và cơ cấu Chính phủ trong giai đoạn tới?
Chúng tôi rất phấn khởi khi đến thời điểm này, cả khối Chính phủ, Quốc hội hoàn thành được nhiệm vụ Trung ương giao về hoàn thiện đề án sắp xếp lại bộ máy Nhà nước.

100% ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội chiều 17/2.
Tôi cho rằng phương án bộ máy mới của Chính phủ mang tính cách mạng. Việc sắp xếp bộ máy đã nói từ lâu nhưng thời điểm này đã được làm nhanh, mạnh và quyết liệt, chỉ trong vài tháng với khối lượng công việc tưởng chừng có thể phải làm trong cả thập kỷ.
Thông qua cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ
Hôm nay (18/2), theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (sửa đổi); Nghị quyết về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (sửa đổi).
Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội; Nghị quyết về số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV (sửa đổi).
Trong ngày làm việc cuối cùng, cùng với nhiều nội dung quan trọng khác, Quốc hội cũng sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.
Đó là sự chủ động, quyết tâm, nỗ lực thậm chí là hy sinh của các cơ quan Chính phủ trong sắp xếp lại bộ máy.
Nếu sắp xếp bộ máy Quốc hội thì khá đơn giản vì mang tính chất nghị viện và không có hệ thống dọc nhiều. Còn với Chính phủ, chỉ cần một thay đổi nhỏ có thể tạo ra tác động rất lớn.
Việc sắp xếp bộ máy từ Trung ương sẽ tác động mạnh đến địa phương do đó dù thời gian ngắn, khối lượng lớn nhưng phải có sự bài bản để lựa chọn đúng phương pháp, đối tượng để sắp xếp.
Công cuộc sắp xếp này tác động đến con người, tâm tư, tình cảm, yếu tố vật chất, thu nhập của bộ phận không hề nhỏ nhưng Chính phủ chấp nhận nhiều phần khó, mạnh dạn đưa ra giải pháp để xử lý những vấn đề phát sinh.
Chính phủ đã ban hành một loạt cơ chế để phục vụ cho việc sắp xếp, cho thấy Đảng, Nhà nước, Chính phủ không bỏ rơi, không sắp xếp cơ học cho bằng được mà có nghiên cứu để không tác động lớn tới đối tượng được sắp xếp.
Theo tôi, đây là cơ hội để tinh gọn bộ máy, nhìn nhận động lực mới, tăng thêm hiệu lực, hiệu năng trong điều hành. Đây cũng là cơ hội để loại bớt những thành phần yếu kém, không hiệu quả.
Việc sắp xếp chỉ còn 14 bộ, cơ quan ngang bộ tạo điểm nhấn, kích hoạt việc sắp xếp bộ máy tiếp theo.
Trong cuộc thảo luận tổ của Quốc hội gần đây, Thủ tướng cho rằng, khi bộ máy, tổ chức, cơ cấu mới vận hành sẽ có những vấn đề trơn tru, thuận lợi nhưng cũng có vướng mắc, trục trặc, khó khăn? Theo ông thì những khó khăn đó là gì và cần giải quyết thế nào?
Chúng ta phải chấp nhận sẽ có phát sinh vấn đề. Như việc xây nhà, khi xây xong, không thể 1-2 ngày là có thể tươm tất, chuyển vào ở ngay mà cần phải hoàn thiện và làm quen với cuộc sống mới.
Trong lúc hệ thống pháp luật "vừa chạy vừa xếp hàng", chưa thể lập tức đầy đủ, nhất là ở các cơ quan mới thành lập và có quy trình làm việc mới, theo tôi, cần có thời gian để bắt nhịp và sắp xếp.
Đó chính là giai đoạn chuyển tiếp. Điều quan trọng là chúng ta làm sao để rút ngắn thời gian đó và không làm ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng tới kinh tế.
Song, tôi rất lo có thể có độ ì trong hệ thống, những rơi rớt lại trong tư tưởng, phong cách cũ. Giải pháp quan trọng nhất cho vấn đề này chính là con người, làm sao chọn được người phù hợp, đúng người - đúng việc.
Khi thay đổi được bộ máy và con người, chúng ta phải thay đổi cả phương pháp điều hành, cách thức phát huy bộ máy. Chúng ta phải điều hành bộ máy như doanh nghiệp tư nhân đang làm, đặt ra chỉ số đo lường hiệu quả công việc (KPI), quản lý kết quả đầu ra để tạo sự đồng bộ, tránh tạo ra "bộ máy mới nhưng người thừa".
Bên cạnh đó, cần tận dụng khoa học công nghệ trong quản trị điều hành. Đến một lúc nào đó, theo tôi chúng ta không thể quản lý theo chế độ 8 tiếng nữa.
Không nên quan tâm việc "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về", không quan trọng làm ở đâu, thời gian làm việc bao nhiêu mà cần tập trung vào chất lượng sản phẩm đầu ra là gì.
Không để việc sáp nhập ảnh hưởng người dân, doanh nghiệp
Ngay sau khi các luật, nghị quyết của Quốc hội được thông qua, các bước tiếp theo cần triển khai ngay là gì, thưa ông?
Việc sửa đổi luật chỉ là bước đầu của khởi đầu. Tới đây, còn khối lượng rất lớn luật cần sửa và chúng ta cần ban hành nghị quyết xử lý các vấn đề phát sinh. Chính phủ ban hành nghị quyết thực hiện, giao nhiệm vụ cụ thể, rõ người rõ việc…
Lúc này sức ép lên Chính phủ rất lớn. Bởi luật sẽ chỉ quy định chung thôi nên Chính phủ vừa phải điều hành, tổng kết, ban hành quy định cụ thể.
Chưa kể, thực tiễn biến đổi không ngừng, tình hình trong nước quốc tế diễn biến liên tục ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế mở như Việt Nam. Cùng đó, chúng ta còn đang thực hiện một loạt dự án hạ tầng.
Dẫu vậy, với sự vào cuộc trách nhiệm của toàn hệ thống, nếu phát sinh lớn liên quan đến Quốc hội, Quốc hội hoàn toàn có thể triệu tập các kỳ họp để xử lý.
Để bộ máy mới vận hành thực sự hiệu quả ngay từ đầu, không gián đoạn, không có khoảng trống ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp, theo ông điều quan trọng nhất là gì?
Nguyên tắc đầu tiên là việc điều hành phải liên tục, liên thông. Ở những bộ máy mới, cần phải bắt tay ngay vào công việc, không để độ ì.
Các bộ ngành, địa phương cần chủ động phát hiện các vấn đề thiếu hụt, vướng mắc để đề xuất.
Quốc hội, Chính phủ không thể bao quát hết tất cả vấn đề nếu không có đề xuất từ địa phương, từ các bộ, ngành khi va chạm với thực tế phát sinh.
Bên cạnh đó, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Chỉ cần người đứng đầu tốt sẽ lan tỏa tới đội hình phía sau. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm với công việc được giao, có sự tương tác giữa Trung ương và địa phương để tìm ra, khắc phục bất cập để xử lý vướng mắc.
Trong nghị quyết về xử lý một số vấn đề vướng mắc, chúng ta đã cho một quy định khá mở, đó là các cơ quan có thể ban hành văn bản hành chính, xử lý chủ động trong phạm vi thẩm quyền rồi báo cáo.
Tôi cho rằng trong nghị quyết này, ngoài những việc quy định 10 nhóm nội dung cụ thể liên quan đến thủ tục, tên, tư pháp, điều chúng ta nên "mở" cho các cơ quan đó là chủ động xử lý các vướng mắc với tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo đảm quyền của người dân, không được phép để việc sáp nhập mà gây ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp.
Cảm ơn ông!
ĐBQH Trần Hữu Hậu:
Nhiệm vụ người đứng đầu nặng nề hơn
Sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, trong thời điểm giao thời này, tinh thần chung là sắp xếp cơ học bộ phận nào thì làm việc của bộ phận đó. Chỉ có những bộ phần nào trùng lặp công việc mới sắp xếp lại.
Có điều người ở vị trí lãnh đạo sẽ phải bao quát mảng rộng hơn, trọng trách nặng nề hơn và ban đầu sẽ có nhiều khó khăn. Song nếu làm đúng, khoa học, không ôm đồm, phân cấp phân quyền cho rõ thì từng bước sẽ đi vào quy củ.
Theo tôi, để có thể phân cấp phân quyền tốt, khuyến khích cán bộ dám nghĩ dám làm thì nên ứng dụng công nghệ thông tin vào đánh giá cán bộ một cách minh bạch. Người nào làm nhanh, làm tốt sẽ thể hiện rõ từ đó dễ dàng đánh giá cán bộ.
ĐBQH Nguyễn Thị Sửu:
Nâng tầm các cơ quan sau sắp xếp
Cấp trung gian giống như "điểm nối" của các đường ống, nếu như vận hành tốt thì có thể hiệu quả, nhưng nếu như không vận hành tốt sẽ tạo ra lãng phí, tắc nghẽn.
Chúng ta đã có chủ trương để thực hiện việc giảm cấp trung gian ở các ngành chuyên môn, nên tiếp tục nghiên cứu theo hướng 3 cấp chính quyền, sắp xếp giảm cấp trung gian ở các đơn vị hành chính.
Như vậy, cũng cần tăng nhiệm vụ, quyền hạn cho 3 cấp chính quyền, làm sao để hướng đến đơn vị hành chính 3 cấp thật ổn định, vững mạnh từ Trung ương đến địa phương; bảo đảm các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau sắp xếp, kiện toàn thực sự được "nâng cấp, nâng tầm, chất lượng tốt hơn, hiệu quả cao hơn"...
TS Nguyễn Văn Đáng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh):
Xây dựng chiến lược về phân cấp, phân quyền
Thời gian tới, chúng ta cần xây dựng chiến lược tổng thể quốc gia về phân cấp, phân quyền với kế hoạch và lộ trình cụ thể. Trong đó, cần xác định những lĩnh vực sẽ đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Trung ương nhằm bảo đảm sự ổn định chính trị và các lợi ích quốc gia.
Với các cấp chính quyền địa phương cần tiếp tục nghiên cứu để trao quyền chủ động hơn nữa đối với các lĩnh vực đời sống dân sinh xã hội hàng ngày.
Để đảm bảo sự thống nhất quyền lực cần quan tâm đến hoạt động kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, thay vì chỉ chú trọng công tác kiểm tra, giám sát theo chiều dọc trong nội bộ mỗi cơ quan thuộc hệ thống chính trị, chúng ta cần tính đến các phản ứng theo chiều ngang.
Tức là việc kiểm tra, giám sát có thể tiến hành chéo giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương, với thành phần tham gia đa dạng nhằm giảm thiểu nguy cơ "đóng cửa bảo nhau".
Bên cạnh đó, trong xã hội hiện đại, các phản ứng từ phía xã hội ngày càng trở nên quan trọng và là một phương tiện hữu hiệu để có thể sớm phát hiện các biểu hiện lạm quyền. Vì thế, cần kiến tạo các điều kiện thể chế để các chủ thể ngoài Nhà nước có thể thực sự tham gia vào hoạt động kiểm tra, giám sát.