Bất ngờ về tác dụng ngừa nhiễm COVID-19 của khẩu trang
Bên cạnh vaccine, đeo khẩu trang là biện pháp hiệu quả để giảm tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 trong khi vẫn có thể duy trì cuộc sống xã hội và các hoạt động kinh tế.
Các nhà khoa học Úc, Anh và Trung Quốc đã công bố báo cáo nghiên cứu đầu tiên trên quy mô toàn cầu về hiệu quả bất ngờ của khẩu trang trong việc phòng ngừa lây nhiễm COVID-19, tờ The Guardian đưa tin.
Giảm 53% nguy cơ nhiễm COVID-19
Ngày 18-11, báo cáo của nhóm 15 nhà nghiên cứu đến từ Đại học Monash (Úc), Đại học Edinburgh (Anh) và trường Y khoa Chiết Giang (Trung Quốc) đã được công bố trên chuyên san y khoa BMJ (Anh).
Theo kết quả phân tích định lượng với dữ liệu nguồn từ hơn 30 nghiên cứu trên khắp thế giới, nhóm các nhà khoa học nhận thấy khẩu trang, giãn cách xã hội hay rửa tay khử khuẩn thường xuyên là biện pháp hiệu quả để giảm số ca nhiễm COVID-19. Trong số này, khẩu trang thể hiện hiệu quả cao nhất.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng dù các vaccine ngừa COVID-19 đã chứng minh được tính hiệu quả và an toàn, không một loại vaccine nào có thể ngăn chặn 100% nguy cơ nhiễm bệnh. Do đó, khẩu trang, giãn cách xã hội và rửa tay khử khuẩn vẫn là “các chiến lược phòng ngừa chính để kiềm chế đại dịch COVID-19”.
“Đánh giá có tính hệ thống và phân tích tổng hợp” của nhóm nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa việc đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và rửa tay khử khuẩn với việc giảm tỉ lệ mắc COVID-19.
Theo đó, đeo khẩu trang và rửa tay khử khuẩn đều giảm 53% nguy cơ nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, số lượng nghiên cứu về hiệu quả của việc rửa tay khử khuẩn không đủ lớn để các chuyên gia này đưa ra một kết luận khoa học. Giãn cách xã hội có hiệu quả thấp hơn, khoảng 25%.
Các nhà nghiên cứu cũng xem xét các biện pháp như cách ly phòng dịch, cách ly điều trị bệnh nhân COVID-19, đóng cửa biên giới hay đóng cửa nhà trường, công sở… Tuy nhiên, do sự khác biệt về cách thức áp dụng các biện pháp này, cũng như mức độ tuân thủ quy trình khi triển khai, ở từng quốc gia mà các nhà khoa học không thể đưa ra phân tích chi tiết về các biện pháp này.
Khẩu trang giúp phòng dịch mà vẫn duy trì đời sống kinh tế, xã hội
Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng lưu ý rằng đeo khẩu trang là biện pháp vừa có thể bảo vệ từ cá nhân trong cộng đồng, nhất là người có nguy cơ cao, vừa có thể duy trì cuộc sống xã hội và các hoạt động kinh tế.
Nhóm nghiên cứu tổng kết rằng việc kiểm soát đại dịch COVID-19 có thể không chỉ phụ thuộc vào việc nâng cao độ bao phủ vaccine, mà còn liên quan tới “việc tuân thủ liên tục các biện pháp y tế công cộng hiệu quả và bền vững”.
Khi áp dụng các biện pháp y tế công cộng, giới hoạch định chính sách cũng được khuyến nghị phải “xem xét các nhu cầu cụ thể về sức khỏe và văn hóa xã hội của cộng đồng và cân nhắc những tác động tiêu cực tiềm tàng”.
Trước đó, nhiều nghiên cứu độc lập, cục bộ đã được tiến hành liên quan tới hiệu quả của việc đeo khẩu trang. Ngay từ tháng 5-2020, khoảng nửa năm sau khi phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, một nhóm nghiên cứu ở Hong Kong cho biết khẩu trang giúp giảm tới 75% tỉ lệ lây nhiễm virus qua đường giọt bắn.
Đeo khẩu trang đã trở thành quy định phòng dịch bắt buộc ở nhiều nước trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, sau gần hai năm dịch bệnh hoành hành, nhiều nước đã dỡ bỏ quy định này.
Dù vậy, do sự gia tăng trở lại số ca nhiễm COVID-19 trong thời gian gần đây, nhiều nước châu u như Hà Lan, Romania, Cộng hòa Czech, Slovakia, Ba Lan hay Hungary đã siết chặt trở lại quy định về việc đeo khẩu trang.
Chỉ trong chưa đầy hai năm, COVID-19 đã gây bệnh cho hơn 256,4 triệu người, trong đó ít nhất hơn 5.148.500 người đã tử vong, theo chuyên trang thống kê worldometers.info.