Bất ngờ về ông trùm điều hành 9 công ty sản xuất sữa giả

Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường và Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã phanh phui một đường dây sản xuất sữa bột giả quy mô cực lớn với hệ sinh thái 9 công ty và mạng lưới phân phối trải dài trên toàn quốc. Hai bị can được xác định cầm đầu đường dây này là Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà.

Hệ sinh thái 9 công ty, sản phẩm 'phủ' toàn quốc

Một trong những sản phẩm được cơ quan chức năng xác định là sữa giả.

Một trong những sản phẩm được cơ quan chức năng xác định là sữa giả.

Trước đó, ngày 12/4, Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", trong đó có Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà.

Dù là người trực tiếp góp vốn, điều hành và chi phối toàn bộ hoạt động của Hacofood Group và Rance Pharma, bị can Cường và Hà đã 've sầu thoát xác' bằng cách chuyển giao vai trò người đại diện pháp luật cho Nguyễn Thành Luân và Nguyễn Văn Tú. Trên thực tế, cả hai chỉ là nhân viên phụ trách mảng kinh doanh, trong khi mọi quyết định từ sản xuất đến phân phối sản phẩm vẫn do Cường và Hà thao túng.

Cụ thể, tháng 8/2024, Hoàng Mạnh Hà đã chuyển giao chức danh Giám đốc Công ty Rance Pharma cho Nguyễn Thành Luân, còn tháng 10/2024, Vũ Mạnh Cường cũng giao chức danh tương tự tại Công ty Hacofood Group cho Nguyễn Văn Tú. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định những hành vi này chỉ nhằm che giấu vai trò điều hành thật sự của bị can Cường và Hà.

Nhà máy sản xuất sữa do Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà điều hành. Ảnh: Đại Đức

Nhà máy sản xuất sữa do Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà điều hành. Ảnh: Đại Đức

Qua điều tra ban đầu, lực lượng chức năng xác định nhóm này đã lập ra 9 công ty liên kết theo hình thức cổ phần, tạo nên một hệ sinh thái khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Những doanh nghiệp này chịu trách nhiệm đứng tên hồ sơ công bố sản phẩm, kinh doanh và phân phối các loại sữa bột được sản xuất tại nhà máy của Hacofood và Rance Pharma – đặt tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Danh sách các công ty trong hệ sinh thái gồm: Công ty CP Dược quốc tế Group (Giám đốc: Vũ Mạnh Cường); Công ty CP Dược quốc tế Big Four Pharma (Giám đốc: Phạm Chí Đảng); Công ty CP Dược quốc tế Long Khang Group (Giám đốc: Nguyễn Thị Mai Hương); Công ty CP Dinh dưỡng Y học BFF (Giám đốc: Phạm Thị Hương); Công ty CP Dược quốc tế Safaco Group (Giám đốc: Nguyễn Văn Tuấn); Công ty CP Dược quốc tế Darifa Group (Giám đốc: Nguyễn Văn Thắng); Công ty CP Dược quốc tế Win CT (Giám đốc: Nguyễn Văn Tú); Công ty CP Dược phẩm Dinh dưỡng Phúc An Khang (Giám đốc: Nguyễn Thành Luân); Công ty CP Dược Á Châu (Giám đốc: Nguyễn Thành Luân).

Lực lượng chức năng đã thu giữ hàng ngàn sản phẩm sữa bột giả được sản xuất tại các nhà máy này.

Sở hữu chéo phức tạp, lợi ích chi phối rộng khắp

Trụ sở của 2 công ty trong nhóm hệ sinh thái sản xuất, phân phối sữa giả. Ảnh. N.B.

Trụ sở của 2 công ty trong nhóm hệ sinh thái sản xuất, phân phối sữa giả. Ảnh. N.B.

Kết quả điều tra cho thấy, Vũ Mạnh Cường hiện giữ cổ phần chi phối tại Hacofood Group và Rance Pharma, cụ thể: 53,84% cổ phần tại Công ty Rance Pharma; 27% tại Công ty Hacofood; 20% tại Công ty Big Four; 20% tại Công ty Long Khang. Đồng thời, là người đại diện pháp luật của các chi nhánh Hacofood tại Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hải Dương, Hưng Yên.

Hoàng Mạnh Hà cũng là cổ đông lớn tại hệ sinh thái: 45,19% cổ phần tại Công ty Rance Pharma; 27% tại Công ty Hacofood; 20% tại Công ty Big Four; 20% tại Công ty Long Khang; Giám đốc các chi nhánh Rance Pharma tại 5 tỉnh: Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hải Dương, Hưng Yên và Thái Nguyên.

Theo cơ quan điều tra, cả Cường và Hà còn giao cho Hồ Sỹ Ý (SN 1988, thường trú tại xã Hồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) trực tiếp phụ trách toàn bộ hoạt động sản xuất tại hai nhà máy của Rance Pharma và Hacofood Group. Ý được xác định là người chịu trách nhiệm toàn bộ về chất lượng sản phẩm, bao gồm cả những sản phẩm sữa bột giả đã được đưa ra thị trường.

Vụ án đang được Cơ quan CSĐT Bộ Công an mở rộng, làm rõ vai trò của các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Quá trình tổ chức khám xét 19 địa điểm là nhà máy sản xuất, văn phòng làm việc của các đối tượng, thu giữ 84 loại sản phẩm sữa bột khác nhau với số lượng 26.740 lon/90 lô sản xuất và nhiều tài liệu, đồ vật phục vụ công tác điều tra. Cơ quan điều tra bước đầu xác định từ năm 2021 đến nay, Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood còn để ngoài sổ sách kế toán kê khai nộp thuế doanh thu thực tế, gây thiệt hại Ngân sách Nhà nước hơn 28 tỷ đồng.

Minh Đức

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bat-ngo-ve-ong-trum-dieu-hanh-9-cong-ty-san-xuat-sua-gia-post1733317.tpo
Zalo