Bất ngờ nhìn 'hào quang' mặt trời ở Quảng Ngãi, Lạng Sơn

Hiện tượng quầng mặt trời kéo dài nhiều giờ trên bầu trời Quảng Ngãi thu hút sự chú ý của người dân. Nhiều người chụp lại khoảnh khắc hiếm gặp này và chia sẻ lên mạng xã hội.

 Quầng mặt trời xuất hiện trên bầu trời Quảng Ngãi trưa 14/5. Ảnh: Nguyễn Anh Đôn.

Quầng mặt trời xuất hiện trên bầu trời Quảng Ngãi trưa 14/5. Ảnh: Nguyễn Anh Đôn.

Khoảng 11h30 trưa 14/5, trong lúc xuống nhận đơn hàng dưới chân tòa nhà văn phòng công ty ở TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi), Nguyễn Anh Đôn (31 tuổi, lập trình viên) bất ngờ chứng kiến hiện tượng vầng sáng bao quanh mặt trời.

"Cảnh tượng quá đẹp và kỳ ảo khiến tôi phải dừng lại vài phút để chụp hình, ghi lại khoảnh khắc hiếm có này", anh nói với Tri Thức - Znews.

Lần đầu chiêm ngưỡng "hào quang mặt trời", Đôn lên mạng tra cứu thông tin, rồi thích thú chia sẻ hình ảnh với người thân, bạn bè. Nhiều người dân tại Quảng Ngãi cũng ghi nhận được hiện tượng này, đồng loạt chia sẻ lên mạng xã hội.

Đôn cho biết quầng mặt trời kéo dài đến khoảng 14h, sau đó những vòng tròn xung quanh mờ dần.

 Nguyễn Anh Đôn chụp ảnh "selfie" cùng quầng mặt trời. Ảnh: Nguyễn Anh Đôn.

Nguyễn Anh Đôn chụp ảnh "selfie" cùng quầng mặt trời. Ảnh: Nguyễn Anh Đôn.

Không riêng tại Quảng Ngãi, những ngày gần đây, người dân tại các tỉnh/thành như: TPHCM, Lạng Sơn, Thái Nguyên… cũng bắt gặp hiện tượng quầng mặt trời.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia khí tượng thủy văn, quầng mặt trời xuất hiện do hiện tượng khúc xạ và phản xạ ánh sáng mặt trời qua các tinh thể băng hình lục giác trong các đám mây ti tầng (cirrostratus) ở độ cao khoảng 5-10 km.

Khi ánh sáng đi qua các tinh thể băng này, nó bị bẻ cong, phân tách thành các màu sắc khác nhau, tạo thành vòng tròn sáng xung quanh mặt trời, thường có màu sắc giống cầu vồng, với ánh đỏ ở phía trong và tím ở phía ngoài.

Hiện tượng này thường xảy ra khi tầng khí quyển ở độ cao 5.000-10.000 m có nhiệt độ giảm xuống 0⁰C tạo nên sự ngưng tụ các tỉnh thể băng mỏng tạo ra mây ti tầng che phủ bầu trời.

"Quầng mặt trời đôi khi được dân gian liên hệ với dự báo thời tiết như dấu hiệu sắp có mưa trong những ngày tới. Tuy nhiên hiện tượng này không phải dấu hiệu cho một giai đoạn dài của thời tiết", tiến sĩ Huy nói với Tri Thức - Znews.

Quầng mặt trời xuất hiện tại Thái Nguyên và Lạng Sơn ngày 12/5. Ảnh: Người Thái Nguyên, Beat Lạng Sơn.

Quầng mặt trời xuất hiện tại Thái Nguyên và Lạng Sơn ngày 12/5. Ảnh: Người Thái Nguyên, Beat Lạng Sơn.

Dẫn nguồn từ Earth Sky, Hội Thiên văn Hà Nội (HAS) cho biết các nhà khoa học gọi hiện tượng này là quầng sáng 22 độ. Sở dĩ có tên như vậy là vì bán kính của vòng sáng này luôn xấp xỉ bằng 22 độ.

Những đám mây chứa hàng triệu tinh thể băng nhỏ. Quầng sáng mà bạn nhìn thấy là sự kết hợp của hiện tượng khúc xạ và phản xạ ánh sáng khi chúng đi qua các tinh thể băng.

Chuyên gia cho biết quầng mặt trời là một hiện tượng thú vị, tuy nhiên người dân hãy cẩn thận khi quan sát và chụp ảnh nó. Việc hướng tầm nhìn trực tiếp vào mặt trời mà không có thiết bị hỗ trợ đi kèm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới mắt.

Châu Sa

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/bat-ngo-nhin-hao-quang-mat-troi-o-quang-ngai-lang-son-post1553192.html
Zalo