Bất ngờ ngoạn mục trên chính trường Pháp

Vòng hai bầu cử Quốc hội Pháp đã chứng kiến bất ngờ lớn, với việc khối chính trị giành vị trí dẫn đầu không phải là đảng Tập hợp Quốc gia (RN) và các đồng minh, mà là liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP). Kết quả khác hoàn toàn với dự đoán của giới phân tích đang đặt ra cho chính phủ của Tổng thống Macron thách thức lớn ngay trước mắt.

Trước đó, theo kết quả vòng 1 của cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 30/6 mà Bộ Nội vụ Pháp công bố, đảng RN giành vị trí dẫn đầu khi giành được 37 ghế. Theo sau là NFP với 32 ghế, trong khi liên minh trung tả của Tổng thống đương nhiệm Macron chỉ giành được 2 ghế. Bước vào vòng bầu cử thứ hai với hơn 1.000 ứng cử viên tham gia cạnh tranh 501 ghế còn lại trong tổng số 577 ghế tại Quốc hội, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu bất ngờ tăng lên 49,5 triệu cử tri.

Người dân thủ đô Paris chờ đợi kết quả bỏ phiếu. Ảnh: Getty

Người dân thủ đô Paris chờ đợi kết quả bỏ phiếu. Ảnh: Getty

Kết quả sơ bộ được công bố đêm 7/7 (giờ địa phương) đã khiến truyền thông quốc tế bất ngờ. Khác hoàn toàn với dự đoán của giới phân tích và các cuộc thăm dò ý kiến cử tri, vòng 2 của cuộc bầu cử sớm tại Pháp ghi nhận việc khối chính trị giành vị trí dẫn đầu không phải là đảng RN và các đồng minh. Thay vào đó, liên minh cánh tả NFP (gồm 4 chính đảng chính: Đảng Cộng sản - PCF, Nước Pháp Bất khuất - LFI, đảng Sinh thái - EELV và đảng Xã hội - PS) giành được trên 180 ghế, trở thành lực lượng chính tại Quốc hội. Mặc dù giành thắng lợi lớn ở vòng đầu tiên, nhưng đảng RN và đồng minh chỉ giành được từ 141 đến 143 ghế, đứng ở vị trí thứ ba. Đứng giữa hai lực lượng này là liên minh “Cùng nhau” (Ensemble) của Tổng thống Emmanuel Macron, mất đa số tương đối và chỉ còn duy trì được từ 160 đến 162 đại biểu so với 254 đại biểu trong cơ quan lập pháp nhiệm kỳ trước. Đáng chú ý, với tỷ lệ đi bầu đạt mức cao nhất kể từ năm 1997 - khoảng 67,1%, kết quả này khẳng định ý nghĩa lịch sử của cuộc bầu cử này và tầm quan trọng của nó trong việc tái cấu trúc chính trường.

Theo giới quan sát, kết quả bầu cử vòng 2 càng khẳng định sự phân cực của chính trường Pháp, với ba khối có số ghế không chênh nhau quá nhiều trong cơ quan lập pháp. Với số ghế đạt được ít hơn nhiều so với trước, phe đa số của Tổng thống Macron đã chính thức trở thành phe thiểu số. Thắng lợi hoàn toàn bất ngờ đã giúp NFP đã vươn lên trở thành lực lượng chính trị lớn nhất, trong khi phe cực hữu không còn cơ hội nắm chính phủ. Mặc dù vậy, do không có lực lượng chính trị nào chiếm đa số tuyệt đối, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ không bị buộc phải từ chức hay buộc phải chọn Thủ tướng từ phe đa số tương đối mạnh nhất, tức là một người từ NFP. Tuy nhiên, Tổng thống Macron, Quốc hội và chính phủ mới tại Pháp được dự báo sẽ đứng trước nguy cơ lớn là không thể dễ dàng làm việc cùng nhau.

“Mở màn” cho những thách thức mới chính là việc Thủ tướng Pháp Gabriel Attal tuyên bố sẽ từ chức. Phát biểu sau khi có kết quả sơ bộ, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal nói rằng đêm bầu cử 7/7 đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới.

Ông cũng cho biết ông sẽ đệ đơn từ chức vào ngày 8/7 nhưng sẽ tiếp tục nhiệm vụ trong bối cảnh sắp diễn ra Thế vận hội Olympic Paris, cho tới khi có quyết định của Tổng thống Emmanuel Macron.

Hiến pháp của Cộng hòa Pháp quy định rằng Tổng thống có quyền lựa chọn thủ tướng mà không cần tham vấn hoặc có sự nhất trí của các nghị sĩ. Dù vậy để có ủng hộ khi đưa ra các quyết sách hay dự luật, thủ tướng cần có sự hậu thuẫn của đa số tại Quốc hội. Theo thông cáo từ Điện Elysee, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ chỉ đưa ra quyết định sau khi Quốc hội mới được hình thành. Đây tiếp tục là vấn đề rất nan giải. Trên thực tế, sau bầu cử là giai đoạn không kém phần quan trọng khi các đảng phái thành lập các nhóm và liên minh tại Quốc hội và công bố vào ngày 18/7.

Việc không có đảng nào giành được 289 ghế cần thiết để đạt được đa số tuyệt đối khiến Quốc hội Pháp đối mặt tình trạng bất ổn khi cơ quan này bị chia làm ba khối với các chương trình nghị sự xung đột, dự báo một thời kỳ bất ổn kéo dài và bế tắc về chính sách ở nền kinh tế lớn thứ 2 khu vực sử dụng đồng Euro. Nhiều khả năng sẽ xảy ra tình trạng "chung sống chính trị", có nghĩa rằng thủ tướng sẽ là đại diện của phe phái đối lập, và vì thế ứng viên cho vị trí này vẫn chưa được gọi tên rõ ràng.

Bên cạnh đó, theo Politico, cho dù chính phủ Pháp có thể thoát ra khỏi sự hỗn loạn sau bầu cử thì cũng khó có thể ổn định lâu dài. Các cuộc thảo luận về ngân sách vào mùa thu này sẽ là điểm nóng tiềm tàng đầu tiên. Pháp đang chịu áp lực phải cắt giảm thâm hụt sau khi không đạt được mục tiêu hồi đầu năm. Trong khi đó, chính sách tài khóa là một trong những vấn đề thể hiện sự bất đồng lớn nhất giữa cánh tả, trung dung và cực hữu.

Tổng thống Macron trước đó tuyên bố ông sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai của mình cho đến cuối năm 2027, cho dù bất kỳ bên nào giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp này. Nhưng thách thức về một Quốc hội thiếu tiếng nói chung chắc chắn sẽ không hề dễ giải quyết với ông.

Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, kết quả bầu cử cũng không hẳn là thất bại hoàn toàn đối với đương kim Tổng thống Pháp. Với số ghế giành được, liên minh của Tổng thống Macron vẫn được hưởng lợi lớn từ Mặt trận Cộng hòa. Vị trí thứ hai đủ để đảm bảo cho phe này trở thành lực lượng không thể bỏ qua trong bất cứ cuộc đàm phán chính trị nào và chí ít cũng chặn đứng được “làn sóng cực hữu” ở Pháp khi phe cực hữu không còn cơ hội nắm chính phủ.

Bảo Hân

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/bat-ngo-ngoan-muc-tren-chinh-truong-phap-i736779/
Zalo