Bất ngờ mô hình điểm check-in, quán cafe, thư viện bên hồ sinh thái của khu công nghiệp
Nước thải sau khi được xử lý được dẫn vào hồ sinh thái để nuôi cá koi, ven hồ sinh thái trong khuôn viên nhà máy xử lý thải được thiết kế như một điểm café, check-in phục vụ cho cả khu công nghiệp và khu vực lân cận, những 'bất ngờ' này đã góp phần đưa khu công nghiệp (KCN) Nam Cầu Kiền, Thủy Nguyên (Hải Phòng) trở thành một trong những mô hình khu công nghiệp sinh thái điểm tại Việt Nam.
Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền được xây dựng theo mô hình khu công nghiệp xanh không khói bụi, thực hiện chu trình kinh tế tuần hoàn. Điểm nhấn “xanh” trong KCN này phải kể đến khu vườn Nhật Kyo-sei-no-niwa, như một biểu tượng về bảo vệ môi trường và tình hữu nghị giữa KCN Nam Cầu Kiền với thành phố Kitakyushu Nhật Bản được khánh thành năm 2020.
Nằm nay trong lòng khu vực xử lý nước thải của KCN, điều khiến người ta bất ngờ là khu vườn hết sức xanh mát, tạo ra các không gian check-in hay quán cafe ngay bên hồ sinh thái. Nước thải sau khi được xử lý không gây ô nhiễm mà được đưa ra hồ sinh thái tạo cảnh quan, được bồi hoàn trả lại làm nước tưới cây, làm mát không gian hay nhiều mục đích khác.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Nam Cầu Kiền là KCN đã xây dựng được mô hình quản trị tài nguyên bền vững, khai thác và sử dụng tài nguyên theo nghĩa rộng (cả về tài nguyên vệ tinh và tài nguyên trực tiếp tham gia sản xuất), nhằm đáp ứng đầy đủ 2 phương pháp tiếp cận cho kinh tế tuần hoàn.
Theo đại diện chủ đầu tư KCN cho biết, để hướng tới mục tiêu 100% chất thải trong khu công nghiệp đều phải được xử lý nội khu, KCN làm việc với các công ty xử lý chất thải lớn phụ trách xử lý, tái chế chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp cho toàn bộ doanh nghiệp trong khu.
Giảm chất thải bằng chuỗi quan hệ cộng sinh công nghiệp tuần hoàn, tại KCN có diện tích quy hoạch 263 héc ta này đã hình thành được ba chuỗi quan hệ cộng sinh công nghiệp tuần hoàn. Cụ thể, chuỗi cộng sinh tuần hoàn ngành thép với 16 doanh nghiệp tham gia. Xỉ thép, tạp chất tách từ phế liệu kim loại của ngành sẽ được phân loại để thu hồi kim loại. Sắt tồn dư đưa trở lại nhà máy thép để luyện phôi. Phần xỉ thép không chứa kim loại được nghiền, sàng tái chế đá nhân tạo ecoslag làm phụ gia xi măng, vật liệu xây dựng thay đá tự nhiên và tạo ra các sản phẩm khác như gạch không nung, cấu kiện bê tông,…
Chuỗi cộng sinh ngành nhựa có tám đơn vị tham gia, 65% nguyên liệu đến từ doanh nghiệp nội khu với khoảng cách 1km và 85% nhựa phế liệu được tái chế. Và cuối cùng, chuỗi cộng sinh ngành phụ trợ có 20 doanh nghiệp tham gia đang dần phát triển với nhiều mảng như phụ trợ ô tô, điện - điện tử, chế biến nông sản.
Để tăng cường nguồn năng lượng tái tạo, đặt mục tiêu trung hòa carbon toàn khu vào năm 2024, KCN sử dụng hệ thống điện mái, dự kiến trong thời gian tới, tổng công suất tại toàn bộ hệ thống điện mái tại đây có thể đạt 45MW và hệ sinh thái mua, bán điện cho các nhà máy trong khu sẽ được hình thành.
Đáp ứng yêu cầu xử lý nước thải, KCN Nam Cầu Kiền cũng được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung có công suất 2.000 m3/ngày đêm. Hệ thống quan trắc khí thải, nước thải, bụi thải trực tuyến và cứ mỗi năm phút, dữ liệu lại được truyền về Sở Tài nguyên và Môi trường.