Bất động sản Thái Bình hưởng lợi gì sau khi hợp nhất với 'thủ phủ' công nghiệp Hưng Yên
Hiện tại, giá bất động sản tại Thái Bình thấp hơn đáng kể so với Hưng Yên. Việc hợp nhất 2 tỉnh này sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới cho thị trường bất động sản Thái Bình.
Dự kiến hợp nhất với Hưng Yên, Thái Bình kỳ vọng bước đột phá
Việc dự kiến hợp nhất các tỉnh nói chung và dự kiến hợp nhất tỉnh Thái Bình - Hưng Yên được kỳ vọng mở rộng không gian phát triển mới cho các địa phương. Tỉnh mới dự kiến mang tên Hưng Yên, với trung tâm hành chính đặt tại Hưng Yên.
Với diện tích khoảng 2.514,8 km² và dân số hơn 3,5 triệu người, tỉnh mới này sẽ trở thành một trung tâm kinh tế tổng hợp, kết hợp giữa nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và kinh tế biển. Sự hợp nhất không chỉ giúp tối ưu hóa bộ máy hành chính mà còn mở ra cơ hội phát triển đồng bộ, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, nhờ vào lợi thế địa lý, hạ tầng giao thông và tiềm năng kinh tế của cả hai tỉnh.
Cụ thể, Thái Bình sở hữu bờ biển dài 52 km và vùng bãi triều hơn 16.000 ha, mang lại tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế biển và bất động sản nghỉ dưỡng. Việc sáp nhập với Hưng Yên, một tỉnh có vị trí gần Hà Nội và kết nối trực tiếp với các trục giao thông quan trọng như Quốc lộ 5A, Quốc lộ 39A, và hệ thống đường thủy qua sông Hồng, sẽ tạo ra mạng lưới giao thông liên kết chặt chẽ.
Mới đây, trong thông báo số 243/TB-VPCP ngày 19/5/2025, kết luận của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thái Bình tiếp tục tập trung đầu tư cho chiến lược hạ tầng giao thông, kết nối tỉnh Thái Bình với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và các tỉnh miền Trung; thông qua thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh kết nối với Trung Quốc. Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế.

Cao tốc Hải Phòng - Ninh Bình mở ra không gian phát triển cho các khu vực ven biển Thái Bình
Thái Bình hiện có Khu kinh tế rộng hơn 30.000 ha, sau sáp nhập, khu vực sẽ vừa tiếp giáp vùng Thủ đô vừa có lợi thế giáp biển, từ đó hấp dẫn làn sóng đầu tư công nghiệp và mở ra nhu cầu về bất động sản công nghiệp, nhà ở và đô thị tích hợp. Các dự án khu đô thị mới tại Thái Bình, đặc biệt ở TP. Thái Bình và các khu vực khu vực kinh tế biển trọng điểm như huyện Tiền Hải và Thái Thụy sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ nhờ quy hoạch đồng bộ của tỉnh mới.
Bất động sản Thái Bình kỳ vọng phát triển
Hiện tại, giá bất động sản tại Thái Bình thấp hơn đáng kể so với Hưng Yên, tập trung chủ yếu ở TP. Thái Bình và các khu vực lân cận. Trong khi đó, Hưng Yên có lợi thế về vị trí gần Hà Nội và các khu công nghiệp lớn, giá bất động sản cao hơn, đặc biệt ở các khu vực như Văn Giang, Yên Mỹ.
Sau hợp nhất, mặt bằng giá bất động sản Thái Bình được dự báo thay đổi nhờ vào hệ quy chiếu giá trị của tỉnh mới và sự phát triển hạ tầng đồng bộ.
Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản lớn cho biết, trong hệ quy chiếu bất động sản, việc hợp nhất Hưng Yên và Thái Bình nói riêng và các tỉnh nói chung có tiềm năng tạo ra một thị trường thống nhất, thúc đẩy sự phát triển đồng đều và giảm chênh lệch giá trị giữa các khu vực.
Sau hợp nhất, thị trường bất động sản cân bằng hơn, nhờ hệ quy chiếu mới, giá cả sẽ phản ánh tốt hơn giá trị thực. Dựa trên kết nối giao thông và tiềm năng phát triển kinh tế đồng bộ của tỉnh mới, các dự án khu đô thị mới, khu công nghiệp tích hợp và bất động sản nghỉ dưỡng ven biển Thái Bình cũng có thể được đẩy mạnh, tạo động lực cho sự tăng trưởng dài hạn, đồng thời thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các khu vực của tỉnh mới.

Việc hợp nhất các địa phương được kỳ vọng giúp thị trường BĐS phát triển cân bằng, đồng bộ hơn - Ảnh minh họa: TP.Thái Bình
Có thể nói, dự kiến hợp nhất Thái Bình và Hưng Yên dự báo mở ra một giai đoạn phát triển mới cho thị trường bất động sản Thái Bình, với tiềm năng lớn từ kết nối giao thông, khu công nghiệp, và bất động sản nghỉ dưỡng. Sự kết hợp giữa thế mạnh kinh tế biển, nông nghiệp của Thái Bình và vị trí chiến lược, công nghiệp phát triển của Hưng Yên sẽ tạo nên một thị trường bất động sản cân bằng và bền vững hơn.
Để tận dụng tối đa cơ hội, các chuyên gia khuyên nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ lưỡng, ưu tiên các dự án có quy hoạch rõ ràng và phù hợp với chiến lược phát triển dài hạn của tỉnh mới. “Tâm lý nhà đầu tư kỳ vọng về sự phát triển sau hợp nhất có thể thúc đẩy thị trường bất động sản. Tuy nhiên, nhà đầu tư sẽ gặp rủi ro nếu không chọn đúng sản phẩm có quy hoạch tốt và đầu tư hạ tầng đồng bộ”, vị lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ.
Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế
Mới đây, thông báo số 243/TB-VPCP ngày 19/5/2025 kết luận của Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Thái Bình tập trung đầu tư cho hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối tỉnh Thái Bình với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và các tỉnh miền Trung, thông qua thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh kết nối với Trung Quốc. Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế.
Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Thái Bình nghiên cứu các phương án lấn biển để phát triển công nghiệp, xây dựng sân bay, cảng biển…. Đối với các vùng đất nông nghiệp có sẵn thì tập trung chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao.