Bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ thỏa thuận thuế quan Mỹ - Việt
Sau những biến động do chính sách thuế quan từ Mỹ, thị trường bất động sản Việt Nam đang dần tìm lại nhịp điệu. Từ trạng thái 'sôi động' của quý I/2025 đến giai đoạn 'phòng thủ' đầu tháng 4, và nay là sự 'giải tỏa' sau thỏa thuận thuế quan, ngành bất động sản đang đứng trước một chu kỳ mới với nhiều cơ hội và thách thức.

Thị trường bất động sản Việt Nam hiện vẫn đang ở "chân sóng" của một chu kỳ mới
Thỏa thuận thuế quan - ánh sáng cuối đường hầm
Quý đầu năm 2025 chứng kiến sự khởi sắc đáng kể của thị trường bất động sản Việt Nam. Lượng tìm kiếm và giao dịch tăng mạnh, đặc biệt tại các tỉnh như Hưng Yên, Phú Thọ, Ninh Bình. Động lực chính đến từ những thông tin sáp nhập tỉnh, tạo kỳ vọng về quy hoạch và phát triển hạ tầng.
Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước duy trì mặt bằng lãi suất thấp đã kích thích dòng tiền đổ vào kênh bất động sản, báo hiệu một chu kỳ mới đang hình thành. Đáng chú ý, các nhà đầu tư phía Bắc cũng không ngừng "Nam tiến", săn mua bất động sản tại những thị trường đầy tiềm năng như Phú Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đà Nẵng.
Tuy nhiên, bức tranh tươi sáng này đã gặp phải một "cú sốc" bất ngờ vào đầu tháng 4/2025. Thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế quan mới, dự kiến áp mức 46% đối với hàng hóa Việt Nam, đã khiến thị trường bất động sản lập tức đảo chiều. Lượng tìm kiếm và giao dịch giảm sút đáng kể, nhà đầu tư rơi vào tâm lý phòng thủ, chờ đợi kết quả đàm phán. Dòng tiền có xu hướng chảy về ngân hàng hoặc tìm nơi trú ẩn tại các bất động sản trung tâm thành phố lớn.
Ngày 2/7/2025, Việt Nam và Mỹ đã đạt được thỏa thuận về thuế quan, mang lại sự nhẹ nhõm cho thị trường. Kết quả đàm phán này không chỉ giải tỏa tâm lý lo lắng cho các nhà đầu tư bất động sản mà còn tạo tiền đề cho những chính sách hỗ trợ sắp tới.
Những động lực tương lai
Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu và giữ vững đà phát triển của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất thấp, thậm chí thấp hơn nữa, kéo dài ít nhất đến hết năm 2026. Nhiều gói vay vốn đặc biệt như cho vay lãi suất 0% hay vay tín chấp lên đến 5 tỷ đồng cũng có thể được tung ra.
Về chính sách thuế bất động sản, Chính phủ sẽ hết sức cân nhắc. Nếu có đánh thuế, nhiều khả năng sẽ nhắm đến bất động sản có chức năng ở tại các thành phố lớn mà giá đã tăng cao, gây ảnh hưởng đến an sinh xã hội, hoặc hướng đến các đội đầu cơ "lướt sóng", nhằm không tác động tiêu cực đến nhà đầu tư chung và dài hạn.
Dù không lập tức quay trở lại mức giao dịch như quý I/2025 do tâm lý thận trọng, nhưng sau thỏa thuận thuế quan, thị trường bất động sản được dự báo sẽ sôi động hơn. Sự "Nam tiến" của nhà đầu tư sẽ mạnh mẽ trở lại, đặc biệt tại các thị trường như Phú Quốc được hưởng lợi từ việc đăng cai APEC 2027 và được đầu tư hạ tầng khoảng 220.000 tỷ đồng.
Đối với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, với kế hoạch sáp nhập vào TP. Hồ Chí Minh, các khu vực này sẽ được đầu tư mạnh mẽ hơn, kéo theo sự gia tăng dân số.
Thị trường bất động sản Việt Nam hiện vẫn đang ở "chân sóng" của một chu kỳ mới. Nếu không có những yếu tố khách quan đột biến tác động lớn, ngành này được kỳ vọng sẽ duy trì sự sôi động ít nhất đến hết năm 2027. Bất động sản vẫn là một ngành kinh tế trọng yếu, đóng góp vào công cuộc vươn mình của dân tộc.