Bất động sản mới nhất: Không phải chung cư, đây mới là phân khúc có giá rao bán tăng cao nhất ở Hà Nội; Bình Thuận ngừng hoạt động 2 dự án

Giá rao bán nhà riêng Hà Nội tăng 32%, địa ốc có lợi suất đầu tư cao nhất, Bình Thuận ngừng hoạt động 2 dự án, 8 trường hợp không được 'sang tên' sổ đỏ… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.

Tính đến tháng 6/2024, giá rao bán trung bình của bất động sản tăng 24% so với đầu năm 2023. (Ảnh: Hải An)

Tính đến tháng 6/2024, giá rao bán trung bình của bất động sản tăng 24% so với đầu năm 2023. (Ảnh: Hải An)

BĐS có lợi suất đầu tư cao nhất

Theo dữ liệu thị trường BĐS 6 tháng đầu năm 2024 của Batdongsan.com.vn, hầu hết các kênh đầu tư ghi nhận dấu hiệu tích cực so với năm 2023.

Trong đó, BĐS vẫn là kênh có lợi suất đầu tư cao nhất. Theo công cụ Lịch sử giá của Batdongsan.com.vn, tính đến tháng 6/2024, giá rao bán trung bình của BĐS tăng 24% so với đầu năm 2023. Trong khi đó, VNIndex thể hiện biến động giá cổ phiếu tăng 19%, giá vàng SJC tăng 17%, tỷ giá USD tăng 8%. Là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ tăng giá BĐS, Hà Nội ghi nhận giá rao bán nhà riêng tăng 32% so với đầu năm 2023, chung cư tăng 31%, đất, biệt thự, nhà phố cũng tăng từ 10-19%.

Trong khi đó, giá rao bán BĐS Thành phố Hồ Chí Minh gần như đi ngang trong một năm rưỡi qua, ngoại trừ chung cư tăng giá nhẹ 6%, các loại hình còn lại đều giữ nguyên mặt bằng giá.

Sôi động nhất trên thị trường BĐS trong nửa năm qua là chung cư Hà Nội. Nhu cầu tìm mua chung cư Hà Nội đạt đỉnh vào tháng 3/2024, tăng gần 60% so với cuối 2023.

Hiện tại, tuy chung cư đã “hạ nhiệt” quan tâm nhưng giá vẫn không giảm. Theo công cụ Lịch sử giá của Batdongsan.com.vn, giá rao bán chung cư Hà Nội vào tháng 5/2024 đã ngang ngửa Thành phố Hồ Chí Minh, đạt 50 triệu đồng/m2.

Đồng thời, chung cư hiện vẫn là loại hình có thanh khoản tốt nhất thị trường, 48% môi giới tham gia khảo sát của Batdongsan.com.vn nhận định chung cư đang ở trong giai đoạn tăng trưởng mạnh.

Mặc dù lượng quan tâm đến nhà riêng mới chỉ hồi phục 87%, đất nền phục hồi 60% so với quý I/2021, hai loại hình này nhìn chung có cải thiện về mức độ quan tâm và giao dịch trong nửa đầu 2024.

Nhu cầu tìm kiếm đất nền và nhà riêng toàn quốc trong quý II tăng lần lượt là 33% và 18% so với quý I/2024. Tuy nhiên, đây chỉ là sự cải thiện cục bộ tại một số khu vực, đặc biệt là các tỉnh miền Bắc.

Một số tỉnh miền Bắc như Hưng Yên có mức độ quan tâm đất nền tăng đến 194%, nhà riêng tăng 70%. Hà Nội cũng chứng kiến lượng quan tâm đất nền tăng 75%, nhà riêng tăng 48%.

Trong đó, mức độ quan tâm và giá tăng mạnh ở khu vực vùng ven Hà Nội nhờ yếu tố quy hoạch và hoạt động đấu giá. Cụ thể, nửa đầu năm 2024, đất nền ở Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai ghi nhận nhu cầu tìm mua tăng từ 48 - 104%, kéo theo giá rao bán đất nền tại các huyện ngoại thành này tăng từ 4 - 24% so với nửa cuối năm 2023.

Ngừng toàn bộ hoạt động 2 dự án tại Bình Thuận

Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Bình Thuận vừa ban hành quyết định ngừng hoạt động toàn bộ đối với 2 dự án BĐS du lịch đến ngày 31/7/2024.

Đây là các dự án khu du lịch Heritage Villas & Resort của Công ty TNHH Đầu tư SIPD Bình Thuận và khu du lịch Hải Phú do Công ty TNHH Thương mại Du lịch Hải Phú làm chủ đầu tư.

Được biết, khu du lịch Heritage Villas & Resort tọa lạc phường Phú Hài, TP Phan Thiết, được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 11/2016 với quy mô hơn 5ha, vốn đầu tư 224 tỷ đồng. Giai đoạn 2017-2018, khu du lịch này đã được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư 2 lần.

Sau khi làm việc với Công ty TNHH Đầu tư SIPD Bình Thuận, Sở KH-ĐT tỉnh đã ra quyết định ngừng hoạt động toàn bộ dự án Khu du lịch Heritage Villas & Resort đến ngày 31/7. Lý do, chủ đầu tư dự án không thực hiện đúng nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư và đã vi phạm hành chính nhưng tiếp tục vi phạm.

Cũng với lý do tương tự, dự án Khu du lịch Hải Phú ở phường Phú Hài, TP Phan Thiết cũng bị ngừng toàn bộ hoạt động đến ngày 31/7. Dự án này được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận cho Công ty TNHH Thương mại Du lịch Hải Phú thực hiện vào tháng 4/2004.

Sở KH-ĐT tỉnh Bỉnh Thuận yêu cầu chủ đầu tư khu du lịch nói trên chấp hành quyết định ngừng hoạt động, tuân thủ các quy định pháp luật cho đến khi dự án được cơ quan thẩm quyền cho phép tiếp tục triển khai hoạt động.

Hà Nam: Chấp thuận đầu tư 6 dự án về nhà ở xã hội

Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Hà Nam vừa có Văn bản số 1789 /BC-SXD công bố thông tin về nhà ở và thị trường BĐS quý II/2024 trên địa bàn tỉnh, trong đó đề cập tình hình triển khai đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Phối cảnh dự án nhà ở xã hội tại thị xã Duy Tiên, Hà Nam. (Nguồn: VGP)

Phối cảnh dự án nhà ở xã hội tại thị xã Duy Tiên, Hà Nam. (Nguồn: VGP)

Theo đó, tính thời điểm quý II/2024, UBND tỉnh Hà Nam đã chấp thuận chủ trương đầu tư 6 dự án về nhà ở xã hội, bao gồm: 4 dự án về nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị và 2 dự án về nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.

4 dự án về nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị gồm: Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở công nhân và nhà ở xã hội tại các xã Đồng Hóa, Nhật Tân, Đại Cương (huyện Kim Bảng). Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam vừa phát thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm thực hiện dự án đầu tư xây dựng cho dự án này.

Dự án nhà ở xã hội thuộc Khu đô thị Đồng Văn Xanh do liên danh Công ty Cổ phần doanh nghiệp Hà Nam và Công ty TNHH Thi Sơn làm chủ đầu tư đã cơ bản hoàn thành.

Khu nhà ở xã hội tại phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - HUD làm chủ đầu tư đang triển khai thi công xây dựng.

Dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân tại xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng do liên danh Công ty TNHH Flamingo Hải Tiến và Công ty Cổ phần Hồng Hạc Đại Lải làm nhà đầu tư đang trong quá trình lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.

2 dự án về nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp gồm: Khu dịch vụ nhà công nhân Khu công nghiệp Đồng Văn IV huyện Kim Bảng do Tổng Công ty Viglacera - CTCP làm chủ đầu tư đã cơ bản hoàn thành 4 khối nhà cao 7 tầng; Khu nhà ở xã hội do Công ty Arita làm chủ đầu tư đang thi công xây dựng.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng tỉnh Hà Nam cũng cho biết một số dự án nhà ở xã hội khác đang trong quá trình nghiên cứu chuẩn bị thủ tục để thu hút đầu tư như: Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở xã hội thuộc Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu thương mại và nhà ở đô thị tại phường Duy Minh và phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên.

Sở đã tổ chức thực hiện Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 - 2030, tăng cường đôn đốc tiến độ triển khai các dự án, kịp thời nắm bắt các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện để giải quyết, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp...

Từ 1/8, 8 trường hợp không được 'sang tên' sổ đỏ

“Sang tên” sổ đỏ là cách người dân gọi để chỉ thủ tục đăng ký biến động khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

Khi sang tên sổ đỏ, cả bên bán và bên mua đều phải đáp ứng những điều kiện nhất định. Có một số trường hợp không đáp ứng đủ điều kiện pháp luật quy định thì không thể thực hiện việc sang tên sổ đỏ.

Theo khoản 1, khoản 8 Điều 45 Luật Đất đai 2024, điều kiện sang tên sổ đỏ được quy định cụ thể.

Điều kiện đối với bên bán, tặng cho

Người sử dụng đất được sang tên sổ đỏ khi đáp ứng đủ các điều kiện. Thứ nhất, có sổ đỏ, sổ hồng trừ trường hợp: thừa kế quyền sử dụng đất; chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa; tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cộng đồng dân cư; tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án BĐS theo quy định của pháp luật về kinh doanh BĐS; hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện cấp sổ đỏ, sổ hồng nhưng chưa được cấp sổ thực hiện chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, góp vốn quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.

Thứ hai, đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của tòa án, quyết định, phán quyết của trọng tài đã có hiệu lực.

Thứ ba, quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án dân sự.

Thứ tư, trong thời hạn sử dụng đất.

Thứ năm, quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Điều kiện đối với bên mua, nhận tặng cho

Những trường hợp sau không được nhận chuyển quyền sử dụng đất (mua đất) được quy định cụ thể.

Thứ nhất, tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Thứ hai, cá nhân không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở và đất khác trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng đó.

Thứ ba, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mà pháp luật không cho phép nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất.

Trường hợp không được sang tên sổ đỏ

Căn cứ vào các điều kiện sang tên sổ đỏ nêu trên, nếu thuộc một trong các trường hợp sau sẽ không được sang tên sổ đỏ từ 1/8.

Trường hợp 1, đất chưa có sổ đỏ, sổ hồng.

Trường hợp 2, đất đang có tranh chấp hoặc tranh chấp chưa được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của tòa án, quyết định, phán quyết của trọng tài chưa có hiệu lực.

Trường hợp 3, quyền sử dụng đất đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án dân sự.

Trường hợp 4, đất đã hết thời hạn sử dụng.

Trường hợp 5, quyền sử dụng đất bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Trường hợp 6, tổ chức kinh tế mua đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của cá nhân (trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt).

Trường hợp 7, cá nhân không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng mua đất ở và đất khác trong khu vực rừng phòng hộ, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng.

Trường hợp 8, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mà pháp luật không cho phép mua đất.

(tổng hợp)

H.A

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bat-dong-san-moi-nhat-khong-phai-chung-cu-day-moi-la-phan-khuc-co-gia-rao-ban-tang-cao-nhat-o-ha-noi-binh-thuan-ngung-hoat-dong-2-du-an-277990.html
Zalo