Bất động sản đứng thứ hai về hút vốn FDI
Tính đến tháng 11/2024, bất động sản đứng thứ hai về hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, gần 5,63 tỷ USD, xấp xỉ 18% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư vào bất động sản trên toàn cầu sụt giảm mạnh, thị trường bất động sản Việt Nam nổi lên như một điểm sáng khi tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.
Nhiều thương vụ M&A bất động sản
Theo báo cáo Bất động sản Việt Nam 2024: Một năm nhìn lại của Avison Young Việt Nam, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn cầu đã chậm lại do những bất ổn kinh tế và căng thẳng địa chính trị.
Mặc dù mức tăng trưởng chung còn khiêm tốn, bất động sản vẫn là điểm sáng khi FDI vào lĩnh vực này tăng mạnh. Trong 11 tháng đầu năm 2024, vốn FDI đăng ký vào ngành kinh doanh bất động sản tăng đến 89,1%, đạt khoảng 5,63 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 18% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đây là mức tăng trưởng đáng kể so với tỷ trọng 5,2% của cùng kỳ năm ngoái.
Bất động sản cũng chiếm tỷ trọng lớn trong các giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A). Theo số liệu từ KPMG Việt Nam (hãng cung cấp dịch vụ kiểm toán, tư vấn thuế), giá trị giao dịch M&A trong 9 tháng đầu năm tăng gần 46%, trái ngược với mức giảm 11,3% của khu vực Đông Nam Á. Đáng chú ý, bất động sản chiếm hơn một nửa (53%) tổng giá trị giao dịch và góp mặt trong 2 trên 5 thương vụ lớn nhất năm.
Điển hình là thương vụ 982 triệu USD, do nhóm công ty trụ sở tại Việt Nam mua lại 55% cổ phần của Công ty Phát triển đầu tư và Thương mại SDI. Kế tiếp là Sycamore Limited, công ty con của CapitaLand Group (Singapore) mua dự án nhà ở của Becamex IDC.
Động lực nào thu hút vốn ngoại?
Sức hút của thị trường bất động sản Việt Nam đến từ một số yếu tố nổi bật như tốc độ đô thị hóa cao khiến nhu cầu vượt cung ở hầu hết các phân khúc như nhà ở, bất động sản công nghiệp, văn phòng và bán lẻ.
Nguyên nhân tiếp đến là cơ sở hạ tầng và khung pháp lý cải thiện: Năm 2024 là dấu mốc quan trọng khi Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 chính thức có hiệu lực. Những thay đổi này giúp minh bạch hóa và chuyên nghiệp hóa thị trường.
Ông David Jackson, Tổng Giám đốc Avison Young Việt Nam, nhận định: “Những tín hiệu tích cực đã xuất hiện rõ ràng, báo hiệu thời điểm tái khởi động dòng vốn vào các giao dịch và sẵn sàng đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới.”
Trong các phân khúc bất động sản, bất động sản công nghiệpvà hậu cần nổi bật với tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Giá thuê đất công nghiệp tại các thị trường trọng điểm tăng trung bình 2-5% mỗi quý nhờ xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và chiến lược Trung Quốc +1. Các dự án đạt chứng chỉ xanh và hạ tầng công nghiệp phát triển theo hướng bền vững cũng nhận được sự quan tâm lớn.
Bất chấp sự phát triển tích cực, thị trường vẫn đối mặt với một số thách thức về thủ tục pháp lý và tài chính: Các rào cản về pháp lý khiến nhiều nhà đầu tư chọn hình thức M&A thay vì rót vốn trực tiếp vào các dự án mới.
Ngoài ra, theo Avison Young, các chính sách thương mại của chính quyền mới tại Mỹ có thể gây sức ép ngắn hạn lên dòng vốn ngoại và xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, về dài hạn, Việt Nam vẫn được đánh giá cao nhờ chi phí cạnh tranh, môi trường đầu tư cải thiện và vị trí chiến lược. Loại hình bất động sản mới như trung tâm dữ liệu, viện dưỡng lão và các công trình công nghiệp công nghệ cao cũng hứa hẹn sẽ thu hút nhà đầu tư trong tương lai.
Các chuyên gia dự báo, khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp ổn định và các luật mới được triển khai đồng bộ, bất động sản Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn.
Ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam, lưu ý: “Giải quyết được các điểm nghẽn pháp lý và tài chính sẽ giúp thị trường vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội tăng trưởng”.