Bắt đầu chuyển đổi tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông từ ngày 1-10

Tại hội thảo 'Tương lai nào cho thanh toán điện tử trong giao thông' được tổ chức chiều 30-9 tại Hà Nội, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, việc chuyển đổi tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông kết nối phương tiện thanh toán sẽ được thực hiện từ 1-10-2024, hoàn thành vào 1-10-2025.

Theo Cục Đường bộ Việt Nam, tài khoản giao thông sẽ được sử dụng để thanh toán tất cả các loại phí, giá, tiền dịch vụ liên quan hoạt động giao thông của phương tiện giao thông đường bộ, ví dụ như: thu phí cầu đường, phí đỗ xe, kiểm định phương tiện, các dịch vụ tại cảng hàng không, cảng biển, sử dụng phương tiện công cộng…

Mỗi tài khoản giao thông có thể sử dụng để chi trả cho nhiều phương tiện nhưng mỗi phương tiện chỉ được nhận chi trả từ một tài khoản giao thông. Chủ phương tiện phải đảm bảo đủ tiền trong phương tiện thanh toán được kết nối với tài khoản giao thông, nếu không sẽ không được đi qua trạm thu phí trên đường cao tốc hoặc phải sử dụng làn thu phí hỗn hợp tại trạm thu phí đường bộ. Việc đối soát doanh thu sẽ được thực hiện theo hàng ngày và hàng tháng.

Theo lộ trình, từ 1-10-2024 đến 1-7-2026, việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ vẫn duy trì theo hình thức điện tử không dừng. Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ sẽ triển khai kết nối hệ thống điều hành và trung tâm dữ liệu để kết nối, chia sẻ thông qua tài khoản giao thông. Từ 1-7-2026, hệ thống cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ sẽ chính thức vận hành.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc áp dụng hệ thống tài khoản giao thông điện tử không chỉ có lợi cho người dùng mà còn giúp các cơ quan quản lý giao thông và dịch vụ công nâng cao hiệu quả quản lý, đồng thời đảm bảo tính minh bạch trong các giao dịch thu phí.

Theo đó, hệ thống tài khoản điện tử giúp cơ quan nhà nước quản lý dòng tiền từ các khoản phí giao thông một cách dễ dàng và chính xác. Tất cả các giao dịch đều được ghi nhận tự động và liên tục, giúp loại bỏ tình trạng thất thoát tiền mặt hoặc sai sót trong quá trình thu phí. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thu phí cầu đường, bãi đỗ xe, và các dịch vụ công khác đòi hỏi sự minh bạch cao.

Bên cạnh đó, tất cả các khoản phí thu được từ giao thông sẽ được theo dõi và ghi nhận đầy đủ, giúp đảm bảo tính công khai, minh bạch. Người dân có thể dễ dàng tra cứu lịch sử giao dịch của mình và đối chiếu với các dịch vụ đã sử dụng. Điều này góp phần xây dựng niềm tin của công chúng vào hệ thống quản lý nhà nước, giảm thiểu các hành vi tham nhũng hoặc gian lận.

Đặc biệt, hệ thống tài khoản điện tử giúp thu thập dữ liệu về giao thông và nhu cầu sử dụng của người dân, giúp các chuyên gia và các cơ quan quản lý phân tích và đưa ra các quyết định tối ưu hóa hạ tầng giao thông, dự báo được xu hướng và điều chỉnh các chính sách một cách linh hoạt.

BÍCH QUYÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bat-dau-chuyen-doi-tai-khoan-thu-phi-sang-tai-khoan-giao-thong-tu-ngay-1-10-post761461.html
Zalo