Bất cập quản lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng không

Sau 6 năm thực hiện Nghị định số 44/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không và hơn 3 năm thực hiện Quyết định số 2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giao, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư quản lý, đã xuất hiện những hạn chế, bất cập...

Chưa có quy định đầy đủ trong trường hợp như địa phương đầu tư tài sản kết cấu hạ tầng hàng không tại cảng hàng không, sân bay.

Chưa có quy định đầy đủ trong trường hợp như địa phương đầu tư tài sản kết cấu hạ tầng hàng không tại cảng hàng không, sân bay.

Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không đang được Bộ Tài chính gửi đi lấy ý kiến các bộ ngành. Ban soạn thảo cho biết hiện còn thiếu danh mục tài sản kết cấu hạ tầng hàng không, gây khó khăn kiểm soát tài sản Nhà nước

Theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi tài sản công, trong đó có tài sản kết cấu hạ tầng hàng không.

Sau 6 năm thực hiện Nghị định số 44/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không (Nghị định số 44) và hơn 3 năm thực hiện Quyết định số 2007/QĐ-TTg (Quyết định 2007) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giao, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư quản lý, đã xuất hiện những hạn chế, bất cập.

KHOẢNG TRỐNG CHÍNH SÁCH

Theo Bộ Tài chính, Nghị định số 44 quy định điều chỉnh toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư quản lý mà chưa giao cho doanh nghiệp theo hình thức tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trừ tài sản kết cấu hạ tầng hàng không tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.

Tuy nhiên, chưa có quy định đầy đủ để xử lý các loại tài sản này trong một số trường hợp như địa phương đầu tư tài sản kết cấu hạ tầng hàng không tại cảng hàng không, sân bay thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông Vận tải…

"Có một khoảng trống chính sách khi phát sinh các loại tài sản này để xử lý, giao cho đối tượng quản lý gắn với hình thức quản lý tài sản sản", báo cáo Bộ Tài chính đánh giá.

Cũng theo bộ này, Nghị định số 44 không quy định danh mục tài sản kết cấu hạ tầng hàng không (định danh cụ thể) mà phân loại thành tài sản kết cấu hạ tầng hàng không đã tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tài sản kết cấu hạ tầng hàng không gắn với mặt đất, mặt nước chưa tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Bởi từ trước ngày Nghị định số 44 có hiệu lực thi hành (13/3/2018), tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do doanh nghiệp quản lý theo hình thức tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các doanh nghiệp này là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Theo đó, Tổng công ty quản lý bay Việt Nam (VATM) là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước quản lý hệ thống công trình bảo đảm hoạt động bay. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 95,4% vốn điều lệ, được cung cấp và khai thác các dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay.

Còn Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines), doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ hơn 85% vốn điều lệ và các công ty cổ phần của Vietnam Airlines cung cấp dịch vụ hàng không, phi hàng không.

Khi thực hiện cổ phần hóa, phần lớn các tài sản kết cấu hạ tầng hàng không đã được tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chỉ có một phần tài sản còn lại là tài sản kết cấu hạ tầng khu bay như: đường lăn, đường hạ, cất cánh chưa tính vào giá trị doanh nghiệp.

"Lý do là tại thời điểm cổ phần hóa, nhóm tài sản này được cân nhắc do liên quan đến an ninh, quốc phòng. Vì vậy, đến nay, nhóm tài sản kết cấu hạ tầng khu bay nêu trên thuộc phạm vi quản lý của Nhà nước là Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng quản lý", Bộ Tài chính nêu rõ.

Như vậy, Nghị định số 44 quy định giao tài sản kết cấu hạ tầng hàng không cho đối tượng quản lý theo 3 hình thức: (i) giao cho cơ quan nhà nước (Cục Hàng không Việt Nam) quản lý theo hình thức tăng tài sản; (ii) giao cho doanh nghiệp (được Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép hoạt động) quản lý theo hình thức tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; (iii) lập Đề án báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao cho doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng hàng không (doanh nghiệp kinh doanh, khai thác cảng) quản lý theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong một thời kỳ nhất định.

Chỉ rõ bất cập về quy định về danh mục tài sản, Bộ Tài chính cho rằng việc giao tài sản cho đối tượng quản lý nêu trên còn chưa rõ ràng. Bởi chưa quy định đối với mỗi loại tài sản kết cấu hạ tầng hàng không thì giao cho đối tượng nào và theo hình thức nào.

Trường hợp sau khi giao tài sản cho doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng hàng không quản lý theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nếu phát sinh tài sản kết cấu hạ tầng hàng không mới thì sẽ tiếp tục giao theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hay phải lập Đề án mới để giao?

Ngoài ra, việc xác định giá trị tài sản, kế toán, báo cáo tài sản kết cấu hạ tầng hàng không chưa được đầy đủ và kịp thời; việc xây dựng Cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng hàng không chưa được quan tâm thực hiện, dẫn đến chưa có thông tin để tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công...

NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ, KHAI THÁC

Từ những bất cập nêu trên và để việc quản lý loại tài sản này được thuận lợi, Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không.

Để phù hợp với thực tế thực hiện, khắc phục tồn tại của Nghị định số 44, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về hàng không dân dụng, dự thảo Nghị định về danh mục tài sản kết cấu hạ tầng hàng không trên cơ sở quy định của pháp luật chuyên ngành.

Đặc biệt, tại dự thảo quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các nguyên tắc khác theo luật.

Tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được thống kê, kế toán đầy đủ về hiện vật và giá trị; tính hao mòn, khấu hao tài sản và bảo trì công trình theo quy định của pháp luật.

Việc giao tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được căn cứ vào quy hoạch cảng hàng không, sân bay; phân loại cảng hàng không, sân bay; kế hoạch đầu tư, phát triển cảng hàng không, sân bay được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.

Trường hợp công trình kết cấu hạ tầng hàng không đã được xây dựng trên đất quốc phòng thì khi giao, khai thác, bảo trì, nâng cấp mở rộng, xử lý công trình đó phải có ý kiến của Bộ Quốc phòng.

Khi thực hiện giao, khai thác, xử lý tài sản theo quy định tại Nghị định này, trường hợp tài sản có liên quan đến quốc phòng xác định theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự phải có ý kiến của Bộ Quốc phòng.

Trường hợp tài sản liên quan đến an ninh quốc gia xác định theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia thì phải có ý kiến của Bộ Công an.

Trường hợp tài sản không liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, Bộ Giao thông vận tải, cơ quan quản lý hàng không, cơ quan quản lý tài sản có trách nhiệm xác định tại hồ sơ đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền quyết định giao, khai thác, xử lý tài sản.

Việc quản lý, sử dụng và khai thác đối với Tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán theo quy định.

Mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Việc quản lý, sử dụng đối với đất gắn với tài sản kết cấu hạ tầng hàng không thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về hàng không dân dụng và pháp luật khác có liên quan. Việc sử dụng quỹ đất để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng hàng không được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai...

Để phù hợp với thực tế thực hiện, khắc phục tồn tại của Nghị định số 44, dự thảo quy định rõ danh mục tài sản kết cấu hạ tầng hàng không tại Điều 3 và xác định rõ các loại tài sản không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này để thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện. Cụ thể:

(i) Tài sản kết cấu hạ tầng hàng không tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.

(ii) Tài sản kết cấu hạ tầng là công trình và đất gắn liền với công trình dịch vụ hàng không, phi hàng không: dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay; dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không; dịch vụ kỹ thuật hàng không; dịch vụ suất ăn hàng không; dịch vụ xăng dầu hàng không và các dịch vụ khác (Nhà nước không đầu tư các công trình này mà các doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động, kinh doanh tại cảng hàng không thực hiện đầu tư ).

(iii) Tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do đối tượng khác quản lý (ngoài các đối tượng là doanh nghiệp được giao quản lý tài sản tại Nghị định này) và tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý nhưng đã bán, chuyển nhượng, tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

Ánh Tuyết

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bat-cap-quan-ly-tai-san-ket-cau-ha-tang-hang-khong.htm
Zalo