Bắt buộc tái chế với sản phẩm điện, điện tử

Theo quy định từ ngày 1/1/2025, các nhà sản xuất và nhập khẩu các sản phẩm điện - điện tử tại Việt Nam sẽ phải thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm của mình. Quy định này nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của chất thải điện tử đối với môi trường và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.

Rác thải điện tử cần được tái chế để bảo vệ môi trường. Ảnh: M.H.

Rác thải điện tử cần được tái chế để bảo vệ môi trường. Ảnh: M.H.

100.000 tấn chất thải điện tử mỗi năm

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Việt Nam đang đối mặt với một bài toán lớn về rác thải điện tử. Hiện nay, mỗi năm cả nước phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử, con số này được dự báo sẽ tăng lên 250.000 tấn trong năm 2025. Đây là loại chất thải có tốc độ gia tăng nhanh nhất hiện nay, gây áp lực lớn đối với công tác quản lý và xử lý môi trường.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lượng rác thải điện tử khổng lồ là do tuổi thọ ngắn của thiết bị điện tử. Việc sản xuất thiết bị điện tử mới diễn ra liên tục. Điều này khiến các sản phẩm đang sử dụng nhanh chóng trở nên lạc hậu và bị đào thải. Kết quả là chúng bị vứt bỏ không thương tiếc và kết thúc vòng đời của mình ở các bãi rác công nghệ. Thứ hai, do xu hướng công nghệ liên tục phát triển và chuyển đổi, khiến cho lượng rác thải điện tử ngày một nhiều hơn. Thứ ba, do hệ thống thu gom xử lý rác thải điện tử hiệu quả thấp, khiến lượng lớn rác thải này bị xả thẳng vào môi trường.

Một nghiên cứu từ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội về mối nguy hại từ rác thải điện tử gây ra cho sức khỏe cũng như môi trường sống của con người cho thấy, các kim loại nặng từ rác thải điện tử dễ dàng xâm nhập vào nguồn nước ngầm, dẫn đến ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, mà còn làm suy giảm chất lượng đất, gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp.

Thực tế, rác thải điện tử chứa một lượng lớn chất độc hại như chì, thủy ngân, cadmium và các hợp chất brom hóa. Khi không được xử lý đúng cách, những chất này có thể ngấm vào đất, nước và không khí, gây ra những tác động lâu dài. Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng, tiếp xúc lâu dài với các chất độc hại từ rác thải điện tử có thể gây ra các bệnh lý nghiêm trọng như tổn thương thần kinh, suy giảm miễn dịch, thậm chí là ung thư. Trẻ em, đối tượng nhạy cảm nhất, có nguy cơ bị rối loạn phát triển và dị tật bẩm sinh nếu sống gần các khu vực ô nhiễm.

Tái chế rác thải điện tử mang lại nhiều lợi ích

Xuất phát từ thực tế trên, theo quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, các nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm điện - điện tử sẽ phải thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm theo quy định từ ngày 1/1/2025. Cụ thể, bao gồm các thiết bị như tủ lạnh, tủ đông, máy bán hàng tự động, điều hòa không khí, máy tính bảng, ti vi, màn hình máy tính, bóng đèn compact, máy tính để bàn, máy in, điện thoại di động... và cả các tấm quang năng.

Ngoài ra, Nghị định cũng đưa ra các trường hợp miễn trừ trách nhiệm tái chế. Các sản phẩm, bao bì sản xuất cho xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, hoặc sử dụng cho mục đích nghiên cứu, thử nghiệm sẽ không bị yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tái chế. Các nhà sản xuất bao bì có doanh thu dưới 30 tỷ đồng hoặc nhà nhập khẩu có tổng giá trị nhập khẩu dưới 20 tỷ đồng cũng được miễn trách nhiệm này.

Các chuyên gia môi trường nhận định, nếu thực hiện tốt công tác tái chế, Việt Nam sẽ không chỉ giải quyết được vấn đề ô nhiễm từ chất thải điện tử mà còn có thể tái sử dụng các vật liệu quý như vàng, bạc, đồng từ các thiết bị điện tử cũ. Đây cũng là cơ hội lớn cho ngành tái chế, tạo ra việc làm và thúc đẩy phát triển các công nghệ xanh.

Để việc triển khai quy định tái chế với sản phẩm điện, điện tử đạt hiệu quả theo các chuyên gia, Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ tái chế hiện đại để tận dụng tối đa các vật liệu quý trong rác thải điện tử, đồng thời giảm thiểu tác động môi trường. Học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển, Việt Nam cũng nên thúc đẩy các chính sách “trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất” (EPR), yêu cầu doanh nghiệp thu hồi và tái chế sản phẩm điện tử cũ.

Lê Bảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bat-buoc-tai-che-voi-san-pham-dien-dien-tu-10297791.html
Zalo