Bất bình đẳng giới 'ẩn' trong tiềm thức
Ở Việt Nam, phụ nữ có hai ngày để được tôn vinh, chưa kể các ngày Lễ Tình yêu, Noel…, tới mức nhiều người có cảm giác xa lạ với định kiến giới. Thế nhưng, bất bình đẳng giới dường như vẫn ẩn sâu trong tiềm thức, văn hóa của người Việt, rằng 'đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu'…
Những định kiến bất thành văn
Không ít đàn ông Việt Nam trưởng thành đặt câu hỏi: Tại sao phụ nữ có những 2 ngày kỷ niệm giới để nhận hoa, nhận quà và những lời chúc mừng. Còn đàn ông có ngày 19/11 là ngày hơn 170 quốc gia tôn vinh những đóng góp tích cực của nam giới với gia đình, xã hội và thế giới. Vậy mà Ngày Quốc tế đàn ông lại chỉ là một ngày như bao ngày khác, hiếm lắm mới có chị em nói những lời chúc mừng với đàn ông vào ngày này? Câu hỏi này tưởng đùa, vì đàn ông thường ít để bụng những chuyện này, nhưng cũng là một câu hỏi đáng suy ngẫm với chúng ta. Và thực tế nhiều người cũng tin rằng, bình đẳng giới là phụ nữ có vài ngày để tôn vinh… Trong khi đó, văn hóa người Việt đã ăn sâu vào tiềm thức, rằng phụ nữ chỉ nên làm những việc trong nhà, việc đại sự đã có đàn ông lo…
Tại nhiều gia đình Việt Nam từ xưa đến nay luôn quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” - đàn ông chính là trụ cột gia đình, còn phụ nữ giữ trọng trách sinh con, đẻ cái, chăm sóc việc nội trợ, lo liệu cho gia đình... Chính vì suy nghĩ ấy mà nhiều người phụ nữ suy nghĩ mình cần làm tròn vai trò của người vợ, người mẹ trong gia đình, hy sinh mọi thứ để người chồng có thể phát triển và xây dựng sự nghiệp. Điều ấy tạo nên những “rào cản” vô hình ngăn cách phụ nữ được bình đẳng, được tự tin khẳng định bản thân và phát triển tài năng của chính mình.
Bên cạnh đó, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, sự bất bình đẳng giới thể hiện rõ nét ở thị trường lao động và trong thu nhập. Cơ hội của phụ nữ tiếp cận việc làm có thu nhập cao và các nguồn lực kinh tế vẫn còn thấp hơn so với nam. Nhiều doanh nghiệp tỏ ra e ngại khi tiếp nhận một lao động nữ trẻ vì họ sẽ bị vướng thời gian 6 tháng nghỉ thai sản.
Theo thống kê, hiện nay nam giới chiếm ưu thế trong kiểm soát đất đai và các tài sản giá trị cao. Hầu hết các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp mang tên chủ hộ là nam giới. Hay riêng về mặt luật pháp, một số văn bản hướng dẫn, thể chế hóa quy định của pháp luật liên quan đến bình đẳng giới chậm được ban hành. Việc triển khai quy định lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và đánh giá việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đạt kết quả chưa cao.
Chưa kể, ở góc độ công sở, ông Lê Quang Bình - Giám đốc ECUE, đại diện UNWOMEN và DFAT một tổ chức tham gia chương trình Investing in Women nhận định, vấn đề bình đẳng giới ở nơi làm việc rất quan trọng nhưng chưa được quan tâm tương ứng.
Theo TS. Phạm Quốc Lộc - ECUE, sự phân biệt và kỳ thị bây giờ không còn bộc lộ rõ ràng bằng ngôn từ như ngày xưa, nhưng điều đó vẫn còn len lỏi trong tư duy, cách con người nhìn thế giới và cách tổ chức xã hội. Câu chuyện về bình đẳng giới từ lâu đã xuất hiện ở khắp mọi nơi, trong cuộc sống, trong trường học, trong doanh nghiệp... Ông Lê Quang Bình nhận định, bình đẳng giới về kinh tế là một trong những vấn đề thách thức vì nó không chỉ đơn giản ở tỷ lệ nam nữ trong lực lượng lao động hoặc trong lãnh đạo, mà nó còn là công bằng trong trả lương, trong môi trường làm việc an toàn không có quấy rối hoặc kỳ thị. Điều này liên quan đến văn hóa và giá trị của công ty. Bình diện chung, trong cùng một công ty, các công việc văn phòng, dịch vụ thường được cho là phù hợp với nữ hơn và có tỉ lệ phụ nữ cao hơn. Ngược lại, các công việc mang tính kỹ thuật và quản lý lại được coi là phù hợp với nam và có tỉ lệ nam giới cao hơn. Theo chiều dọc thì càng lên nấc thang quản lý cao hơn thì tỉ lệ phụ nữ lại giảm đi, kể cả ở các doanh nghiệp có đa số tỉ lệ là nữ.
TS. Phạm Quốc Lộc chia sẻ, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc quản trị thường nhấn mạnh vào tính “hiệu quả”, “chuyên nghiệp”, “khoa học”, “logic”, “lý trí” tưởng như trung dung về giới nhưng thực ra lại ngầm định lĩnh vực quản lý là lĩnh vực của nam giới vì nó phù hợp với nam tính. Một ví dụ để cho thấy triết lý quản trị đã tạo ra phân biệt giới theo chiều ngang đó là quá trình “nữ tính hóa” một số công việc, ví dụ như thư ký cần sự “tỉ mỉ”, “nhẹ nhàng”, “biết lắng nghe”, “tinh tế”. Ngược lại, các hình mẫu nhân viên xuất sắc hoặc các tiêu chí để cất nhắc, thăng tiến lại được nam tính hóa, ví dụ như “cam kết”, “cống hiến”, “dám làm”, “quyết đoán”, “có tầm nhìn”. Đây chính là các tiến trình tinh vi, vô hình làm cho sự bất bình đẳng giới vẫn được duy trì và tái sản xuất trong môi trường doanh nghiệp. Nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp không tin có bất bình đẳng giới tại doanh nghiệp của họ vì họ không hề đề cập đến “giới tính” trong quảng cáo tuyển dụng và giới tính không phải là điều kiện thăng tiến. Nói cách khác, sự không đề cập thường được hiểu là không có phân biệt và không có phân biệt được hiểu là không có bất bình đẳng. Trên chuỗi lập luận đó, bình đẳng giới được xếp vào mức độ ưu tiên thấp và nhiều doanh nghiệp cho rằng họ không cần phải thực thi các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới…
Làm sao để bình đẳng triệt để?
Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực ra đời từ năm 2016, đánh dấu sự khởi đầu cho một hoạt động đầy ý nghĩa là đấu tranh với định kiến về giới đang còn khá nặng nề. Tám năm qua, thành tựu đạt được là không nhỏ. Tuy nhiên, vẫn còn đó định kiến về giá trị, vai trò của nam giới và nữ giới trong mọi hoạt động của xã hội, đặc biệt là cách ứng xử trong gia đình, nơi từ xưa đến nay đã hình thành rất nhiều quy ước bất thành văn.
Tháng 5/2021, câu chuyện ly hôn của vợ chồng tỷ phú Bill Gates trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Đề tài được bàn luận nhiều nhất đó là việc tỷ phủ này từng chia sẻ, ông thường xuyên là người rửa bát và dân cư mạng nhanh chóng móc nối việc “phải rửa bát” này với việc “ly hôn”. Có người ám chỉ: “Thế nên tốt nhất là đừng bắt đàn ông rửa bát để gìn giữ hạnh phúc gia đình”.
Đây là một trong rất nhiều ví dụ cho thấy, tại Việt Nam, tiến đến một xã hội bình đẳng giới là một quá trình khá gian nan khi định kiến về giới của một bộ phận còn nặng nề.
Còn theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, để xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng giới, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật để phụ nữ nhận thức đầy đủ hơn về quyền của mình cần phải được đẩy mạnh hơn, với nhiều hình thức. Những lời hô hào kiểu như phụ nữ phải đảm đang, “giỏi việc nước, đảm việc nhà” cần được xem xét lại theo một góc độ khác. Nếu không, phụ nữ sẽ phải chịu “gánh nặng kép”, vừa phải giỏi việc cơ quan, lại đảm đang việc nhà, trong khi đàn ông chỉ thực hiện mỗi một nhiệm vụ là “giỏi việc nước”...
Không chỉ dừng lại ở đó, tình trạng dư thừa nam giới do định kiến giới gây ra sẽ dẫn đến hiện tượng mà các nhà nhân khẩu học gọi là sức ép hôn nhân - tức nam giới ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời và kết hôn. Nam giới trẻ tuổi bị dư thừa so với nữ giới do tỷ lệ nữ giới đang giảm dần trong cùng một thế hệ. Hệ lụy là nam giới sẽ đối mặt với khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời.
Theo tính toán của các nhà nhân khẩu học, năm 2019, có khoảng 45.900 em gái bị thiếu hụt trong số sinh trong năm, chiếm tới 6,2% số lượng trẻ em gái sinh ra. Nếu tỷ số giới tính khi sinh vẫn tiếp tục cao như hiện nay thì chỉ khoảng hai, ba chục năm tới, sẽ có hàng triệu nam giới trong độ tuổi kết hôn sẽ không thể tìm được bạn đời.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Dân số - Gia đình - Trẻ em cho rằng có 3 nguyên nhân dẫn tới việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới hiện nay, trong đó, nguyên nhân sâu xa do ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo với quan niệm có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ. Tư tưởng Nho giáo đã đi sâu vào suy nghĩ của nhiều thế hệ, gia đình, cá nhân ở Việt Nam, tạo thành áp lực cho nhiều gia đình, dòng họ… trong việc phải có con trai.
Nguyên nhân cơ bản là do trình độ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta chưa cao; nhu cầu phát triển ở một số vùng đòi hỏi nhiều lao động nam; chế độ an sinh xã hội chưa bảo đảm, chỉ có khoảng 20% người cao tuổi có lương hưu nên cần sự chăm sóc của con cái. Theo quan niệm truyền thống, vấn đề này do người con trai trong gia đình gánh vác. Nguyên nhân trực tiếp do lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh, trong lúc thụ thai hoặc khi đã có thai. Điều này làm mất cân bằng cấu trúc dân số, dẫn đến rất nhiều hệ lụy như cưỡng ép kết hôn, tảo hôn, buôn bán người, lao động tình dục, bạo lực giới trong gia đình... Do đó, định kiến giới hay bất bình đẳng giới cần được xóa bỏ.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cử cho rằng, để chấm dứt bất bình đẳng giới trong gia đình cần nâng cao chất lượng giáo dục, tuyên truyền trên diện rộng với cả nam giới và nữ giới, trong đó, vai trò của nam giới là hết sức quan trọng. Trong gia đình, cha mẹ, ông bà cần giáo dục cho các con về sự bình đẳng; đối xử bình đẳng giữa con trai và con gái về cơ hội học tập, dinh dưỡng, giáo dục, nghĩa vụ, trách nhiệm trong gia đình. Người chồng cần chia sẻ với vợ công việc nội trợ, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái… Ông bà cũng phải đối xử bình đẳng giữa các con, các cháu; không tạo sức ép để con phải sinh con trai. Không còn nặng nề quan niệm phải sinh bằng được con trai, các cặp vợ chồng sẽ không còn nghĩ tới việc sinh con trai hay con gái nữa. Những bé gái sẽ không còn bị tước đi quyền được chào đời mà được sinh ra, lớn lên trong sự tôn trọng và yêu thương, để bất bình đẳng giới sẽ chỉ còn trong quá khứ…