Bất an vì thang máy chung cư xuống cấp
Sau 2 ngày xảy ra sự cố thang máy tại chung cư HH2C Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội), người dân đã được trấn an bởi đây là sơ suất kỹ thuật của đội ngũ sửa chữa, bảo dưỡng.
Nhưng trên thực tế, câu chuyện an toàn trong sử dụng thang máy tại nhiều tòa nhà chung cư cao tầng, nhà ở riêng lẻ vẫn là nỗi bất an của người dân sinh sống tại nhiều chung cư cao tầng, nhà ở riêng lẻ hiện nay.
Thấp thỏm “một lối đi - về"
Sáng sớm ngày 26/8 vừa qua, một số cư dân tòa nhà chung cư HH2C Linh Đàm, thuộc địa bàn phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) sử dụng thang máy số 13 tá hỏa khi cửa vẫn mở mà động cơ kéo cáp vẫn hoạt động kéo hộp thang lên tầng. Tòa nhà HH2C Linh Đàm có thang máy hoạt động tốc độ 3m/s với 41 điểm dừng.
Đến ngày 28/8, theo báo cáo của đơn vị thi công - Công ty TNHH Thang máy DHE, thời điểm xảy ra sự cố là lúc nhân viên của công ty đang bảo dưỡng thang số 11, 12. Khi vận hành thoát tải cho tòa nhà vào giờ cao điểm đã sơ ý bấm vào nút sự cố cứu hỏa cấp 2 của thang máy dẫn đến sự việc nêu trên.
Sự việc không để lại hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng của người dân, nhưng cũng để lại sự bất an và nỗi lo về quá trình sử dụng thang máy; và nếu đây đúng là một sự cố về lỗi kỹ thuật của nhân viên như báo cáo của đơn vị thi công bảo dưỡng thì người dân đã có thể “thở phào” nhẹ nhõm. Bởi thời gian qua trên địa bàn cả nước, sự cố hỏng hóc thang máy tại một số tòa nhà chung cư cao tầng, nhà ở riêng lẻ gây nhiều ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của người dân.
Cụ thể, ngày 24/8 vừa qua, tại tòa nhà số 269 - 271 Quan Nhân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) 9 người bị mắc kẹt trong thang máy, lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - Công an quận Thanh Xuân đã phải huy động 17 cán bộ, chiến sĩ đến giải cứu, cả 9 người bị mắc kẹt đều thoát nạn, được an toàn.
Trước đó, ngày 6/9/2023, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - Công an quận Tây Hồ phải sử dụng các biện pháp cứu nạn, cứu hộ mở cửa thang máy đưa 5 người bị mắc kẹt ra ngoài an toàn tại tòa nhà số nhà 11 ngõ 67/12, Tô Ngọc Vân, phường Quảng An (quận Tây Hồ, Hà Nội).
Không may mắn như những nạn nhân của các sự cố kể trên, trước đó vào ngày 22/5/2022, một tòa nhà tại ngõ 523 Kim Mã, phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Hà Nội), thang máy gặp sự cố rơi từ tầng 6 xuống đất làm 2 người đàn ông tử vong. Cũng trên địa bàn quận Ba Đình, vào ngày 22/10/2021, một cô gái bị tử vong khi cố tìm cách thoát khỏi thang máy bị kẹt và rơi theo hầm thang từ tầng 7 xuống tầng 1...
Không ai có thể chắc chắn rằng những sự việc tương tự mang đến hậu quả thương tâm hoặc làm sang chấn tâm lý của người dân như vậy sẽ không còn tiếp diễn. Bởi thực tế, chưa có một quy định pháp luật nào thực sự rõ ràng trách nhiệm thuộc về ai, khi những sự việc như thế này xảy ra.
Trách nhiệm từ phía cơ quan quản lý Nhà nước?
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đang có khoảng gần 3.000 tòa nhà chung cư cao tầng đang hoạt động (bao gồm cả chung cư thương mại, chung cư tái định cư...) chiếm đến trên 50% số lượng chung cư cao tầng của cả nước. Việc đi lại giữa các tầng của tòa nhà ngoài hệ thống thang bộ, có thêm chức năng cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết, thì cư dân bắt buộc phải dùng thang máy làm phương tiện di chuyển, nên công tác quản lý, vận hành và kiểm định thang máy phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân là vấn đề hết sức cấp thiết, cần nghiêm túc thực hiện.
Còn theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Thang máy Việt Nam, bình quân mỗi năm trên địa bàn cả nước có khoảng 40.000 thang máy được kiểm định, hơn 130 tổ chức được cấp phép hoạt động kiểm định với con số kiểm định viên xấp xỉ 1.000 người. Để tạo điều kiện thuận lợi và tăng sức cạnh tranh trong quá trình cung cấp dịch vụ kiểm định, Nhà nước cũng cho phép chính sách xã hội hóa trong công tác kiểm định kỹ thuật an toàn thang máy cho một số DN.
“Chúng ta không phủ nhận việc chất lượng của sản phẩm thang máy phụ thuộc vào giá thành, bởi một số tòa nhà chung cư (đặc biệt là chung cư tái định cư và chung cư giá rẻ) thường được các chủ đầu tư sử dụng những loại thang máy chất lượng thấp. Nhưng trên thực tế, một bộ thang máy dù đắt tiền đến đâu nếu lắp đặt không đúng kỹ thuật, thiết kế cũng không thể vận hành an toàn.
Bên cạnh đó, việc cho phép xã hội hóa trong công tác kiểm định kỹ thuật thang máy là rất tốt để tăng tính cạnh tranh và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong quá trình sử dụng. Nhưng những tiêu chí và thời gian kiểm định lại được quy định khá mờ nhạt, việc kiểm soát chất lượng hành nghề của các DN vẫn còn rất nhiều hạn chế” – Tổng Thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam Nguyễn Huy Tiến nhìn nhận.
Liên quan đến vấn đề này, theo chuyên gia về quản lý đô thị, KTS Trần Huy Ánh, việc lắp đặt thang máy tại các tòa nhà ở đã được Bộ Xây dựng đưa ra một quy trình kiểm định tương đối chặt chẽ. Nhưng trong thực tế, việc sử dụng thang máy trong di chuyển tại các tòa nhà cao tầng có nhiều rủi ro, việc bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng lại đang bị xem nhẹ, đây cũng là một vấn đề cần được cảnh tỉnh. Trong khi đó, nhiều khu nhà ở cao tầng lại được thiết kế không theo quy chuẩn cho phép về mật đô công trình, dân số, công suất sử dụng... Công suất sử dụng lớn như vậy nhưng lại chưa có quy định về việc sử dụng thang máy theo quy chuẩn thế nào...
“Vì vậy tôi cho rằng, công tác thẩm định, cấp giấy phép hoạt động cho thang máy ở các tòa nhà cao tầng cần phải được thực hiện một cách tỉ mỉ, chặt chẽ về hồ sơ kỹ thuật, thiết bị cũng như cam kết từ phía chủ đầu tư, đồng thời phải tính đến cả mật độ dân số và tần suất sử dụng... Vấn đề này thuộc về vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước, liên quan đến chất lượng xây dựng mà ở đây cụ thể là Sở Xây dựng phải chịu trách nhiệm. Còn việc Sở Xây dựng ủy quyền cho cơ quan, đơn vị nào thì người đứng đầu cơ quan đó phải chịu trách nhiệm trực tiếp” – KTS Trần Huy Ánh nhìn nhận.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh trách nhiệm kiểm tra, thẩm định từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước, trách nhiệm của chủ đầu tư, không thể thiếu trách nhiệm của chính những người sử dụng thang máy hàng ngày tại nơi sinh sống, đó là tuân thủ quy trình kỹ thuật trong quá trình sử dụng nhằm bảo đảm độ bền và tính năng sử dụng. Công tác bảo trì thang máy cũng cần được tiến hành định kỳ, thường xuyên để kịp thời phát hiện các lỗi hỏng hóc. Bên cạnh đó, người sử dụng cũng phải hiểu đúng, đủ những kiến thức, tình huống khẩn cấp và xử lý khi có sự cố xảy ra trong buồng thang máy thay bằng việc hoảng loạn, mất kiểm soát sẽ càng gây thêm những thiệt hại.
Trong quá trình sử dụng thang máy, nếu không may gặp phải những sự cố như: mất điện hay thiết bị thang máy bị hỏng hóc sẽ dẫn đến tình trạng ngừng hoạt động; thang máy chạy quá tốc độ so với bình thường; thang máy rơi tự do... người sử dụng cần phải bình tĩnh, tránh hoảng loạn; thực hiện thao tác bấm các nút chức năng của thang, hạ thấp trọng tâm cơ thể hoặc hơi khuỵu gối, nắm chắc tay vịn đề phòng chấn thương khi va đập; khi thang máy ngừng hoạt động tìm cách tạo khe thoáng ở cửa để lấy thêm không khí và không tìm cách thoát nạn qua cửa nóc thang máy...
Kỹ sư Trần Văn Nhân - Hiệp hội cơ khí chế tạo máy Việt Nam