Bất an khi nhà máy bột giấy xả thải ra biển
Việc người dân lo lắng về môi trường, sức khỏe, ảnh hưởng đến cuộc sống khi Dự án Nhà máy bột - giấy VNT19 đi vào hoạt động là chính
Trước nỗi lo ngại về việc vịnh Việt Thanh có nguy cơ bị ô nhiễm, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu chủ đầu tư cam kết về công nghệ xử lý, giám sát nghiêm ngặt và chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố.
Tại buổi gặp gỡ lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi mới đây, người dân xã Bình Trị, huyện Bình Sơn đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về nguy cơ ô nhiễm môi trường, đặc biệt là vùng biển vịnh Việt Thanh, nếu Dự án Nhà máy bột - giấy VNT19 (vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng) đi vào hoạt động và xả thải.
Tôm cá liệu có sống nổi?
Bà Lê Thị Thủy - ngụ thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị - cho biết vịnh Việt Thanh đã nuôi sống bao thế hệ người dân nơi đây, là nguồn sinh kế chính của họ.
Người dân Lệ Thủy đã hy sinh đất đai, nhà cửa cho nhiều dự án lớn như: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Khu đô thị Vạn Tường. Nay dự án nhà máy bột giấy dự kiến đặt ống xả thải ra biển khiến người dân lo lắng môi trường biển không còn trong lành, "con cá, con tôm nào còn ở được". Do đó, người dân không đồng ý việc xả thải ra vịnh Việt Thanh vì lo ngại ảnh hưởng đến cuộc sống và môi trường an lành của họ.
Tại buổi gặp gỡ, ông Trần Văn Mẫn, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu Công nghiệp Quảng Ngãi, cho biết Dự án Nhà máy bột - giấy VNT19 được xây dựng tại thôn Phú Long 1, xã Bình Phước, huyện Bình Sơn với diện tích 117 ha. Dự án khởi công từ năm 2015 và hiện đạt khối lượng 93%, dự kiến đưa vào hoạt động trong quý IV/2026 với công suất tiêu thụ 1,4 triệu tấn dăm gỗ/năm - bằng 55%-60% lượng dăm gỗ đang xuất khẩu qua cảng Dung Quất. Dự án còn giải quyết việc làm cho 1.000 lao động, đóng góp ngân sách 1.000 tỉ đồng/năm.

Dự án Nhà máy bột - giấy VNT19 đã xây dựng 10 năm, dự kiến đưa vào hoạt động trong quý IV/2026
Dự án đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định 2270/QĐ-BTNMT năm 2015. Hướng tuyến xử lý nước thải ra biển được UBND tỉnh Quảng Ngãi thống nhất là tại vùng biển thuộc vịnh Việt Thanh, thôn Lệ Thủy.
Dừng ngay hoạt động nếu gây ô nhiễm
Ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bột - giấy VNT19 (chủ đầu tư Dự án Nhà máy bột - giấy VNT19), cho biết công ty sử dụng thiết bị, công nghệ châu Âu khi vận hành xử lý nước thải tại dự án. Nước thải được gom về tách lọc, dùng vi sinh vật xử lý chất ô nhiễm; sử dụng hóa chất xử lý tạp chất còn lại trước khi đưa vào kiểm soát ở hồ sinh học rồi mới xả bằng đường ống ra vịnh Việt Thanh.
"Dự án Nhà máy bột - giấy VNT19 cam kết tuân thủ quy định về môi trường, chủ động phòng ngừa, ứng phó sự cố, bảo đảm an toàn, không để xảy ra sự cố môi trường ngoài nhà máy. Chúng tôi sẽ dừng ngay hoạt động xả thải nếu xảy ra sự cố, đồng thời bồi thường thiệt hại và khôi phục hiện trạng nếu ảnh hưởng đến môi trường" - ông Hữu khẳng định.
Theo ông Nguyễn Đức Trung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi, pháp luật không quy định quy hoạch nơi xả thải ra môi trường cụ thể ở sông, vịnh, biển, mà chỉ yêu cầu đánh giá tác động môi trường trước khi dự án đi vào hoạt động và xả thải.
Dự án Nhà máy Bột - giấy VNT19 chưa đi vào hoạt động nên chưa thể lấy mẫu kiểm nghiệm môi trường. Tuy nhiên, qua theo dõi hồ sơ, quy trình sản xuất, công nghệ xử lý nước thải của nhà máy, cơ quan chức năng nhận thấy dự án bảo đảm an toàn với môi trường. Trong quá trình nhà máy hoạt động, nếu phát sinh vấn đề gì sẽ có đơn vị liên quan giám sát, công khai qua hệ thống kết nối đến cơ quan chức năng.
"Nếu nhà máy không bảo đảm các quy trình xử lý và gây ô nhiễm, công ty phải chịu trách nhiệm. Nếu máy móc, kỹ thuật, quy trình xử lý tại nhà máy đã đầy đủ, bảo đảm mà vẫn xảy ra ô nhiễm thì cơ quan nhà nước cấp phép phải chịu trách nhiệm" - ông Trung nhấn mạnh.
Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng việc người dân lo lắng về môi trường, sức khỏe, ảnh hưởng đến cuộc sống khi Dự án Nhà máy bột - giấy VNT19 đi vào hoạt động là chính đáng.
Theo ông Hiền, Dự án Nhà máy bột - giấy VNT19 được Bộ Tài nguyên và Môi trường (cũ) giám sát đặc biệt, khắt khe, nghiêm ngặt. Chủ đầu tư cũng đã làm rõ, chứng minh dự án bảo đảm quy định của pháp luật về môi trường. Người dân cần thực hiện theo các chỉ đạo của UBND tỉnh, không nhìn nhận vấn đề theo hướng cực đoan mà phải căn cứ theo khoa học, pháp luật. Người dân cũng phải cùng thực hiện quyền giám sát khi dự án hoạt động.
"Chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm túc việc bảo đảm môi trường, hạn chế tối đa nước thải ra biển; sớm nghiên cứu tái sử dụng nước thải. Nếu xảy ra sự cố môi trường thì phải làm rõ trách nhiệm, đồng thời đóng cửa, dừng hoạt động nhà máy. Cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm nếu xảy ra sự cố về môi trường" - ông Hiền nêu rõ.