Bão Yagi đi qua, thiệt hại chưa thể đong đếm
Cuối tuần qua, cơn bão số 3 - bão Yagi đã đổ bộ vào các tỉnh, thành phố ven biển miền Bắc nước ta. Hướng đi của bão đi qua tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đã để lại nhiều hậu quả nặng nề về con người, hạ tầng và kinh tế.
Ngay cả khi cơn bão đi qua, mưa lũ, sạt lở do hoàn lưu sau bão tiếp tục ảnh hưởng nặng nề tới các địa phương phía Bắc, đặc biệt là khu vực vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Những thiệt hại ban đầu
Tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh là một trong hai vùng tam giác kinh tế lớn nhất Việt Nam, nơi đây tập trung rất nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất trọng điểm. Tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh cũng là “tổ” của nhiều “đại bàng” trong các ngành sản xuất, chế biến chế tạo của các công ty trong và ngoài nước.
Dưới tác động tiêu cực của bão Yagi, nhiều doanh nghiệp trong khu vực tam giác kinh tế này bị thiệt hại nghiêm trọng. Nhiều nhà xưởng, xí nghiệp, máy móc bị hư hỏng nặng nề. Đơn cử, tại khu công nghiệp An Dương - Hải Phòng, bão Yagi đã “quật đổ” một góc nhà máy tỷ đô của LG Electronics. Mặc dù không có thiệt hại về người, tuy nhiên, một nhà kho có tủ lạnh và máy giặt đã bị ngập nước.
Tương tự, tại khu công nghiệp Đồ Sơn, ngay khi bão Yagi đổ bộ vào đất liền, nhiều doanh nghiệp đã phải cho công nhân nghỉ việc để đảm bảo an toàn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất và các đơn hàng. Chưa kể, nhiều nhà xưởng, đường xá trong khu công nghiệp này cũng chìm trong “bể nước”.
Trong đó, tại khu công nghiệp Deep C, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề như PHA Việt Nam, LS Metal, Pegatron Việt Nam, Global Meterial Handling, Adhes Việt Nam, IDP Đình Vũ và Suhil Việt Nam. Nhà xưởng của Công ty Environ Star và Vật liệu xây dựng Jinka (khu công nghiệp Đồ Sơn) bị ngập, hỏng máy móc thiết bị.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, những thiệt hại sau bão là rất lớn. Nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp VSIP và Nam Cầu Kiền bị ảnh hưởng nặng nề.
Về thiệt hại chung, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đều có cây xanh bị gãy đổ, nơi thiệt hại cao nhất lên tới 90% và thiệt hại thấp nhất là 30%. Một số điểm bị ngập lụt cục bộ trong bão.
Nhiều doanh nghiệp bị tốc mái, một số tường bị xé, đổ, cổng hàng rào, biển báo, hệ thống camera, nhà xe, cửa tôn kéo bị lật, nước tràn vào nhà xưởng song không ghi nhận thiệt hại về người.
Dù vậy, theo báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, tính tới sáng 10/9, 100% doanh nghiệp đã được cung ứng điện, song doanh nghiệp sẽ chủ động đấu nối điện để đảm bảo an toàn. Các điều kiện khác để hoạt động sản xuất trở lại thông suốt như nước, internet cũng đã cơ bản khắc phục.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Công ty CP Shinec, đơn vị quản lý khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) cho biết: Thiệt hại chủ yếu liên quan đến cây cối gãy đổ và một số thiệt hại nhỏ về mái và trần nhà xưởng.
Tuy nhiên, ông Điệp cho rằng, các thiệt hại này không ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong khu vực. Nhiều doanh nghiệp đã có thể khôi phục hoạt động chỉ sau 2-3 ngày.
“Ngay từ sớm, đơn vị này đã có văn bản hướng dẫn chi tiết các doanh nghiệp trong khu công nghiệp thực hiện các biện pháp bảo vệ tài sản và nhà xưởng, như gia cố nhà xưởng, chằng chống cây cối, kiểm tra và bảo trì hệ thống thoát nước. Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng và ứng phó kịp thời, chúng tôi đã giảm thiểu tối đa thiệt hại, đảm bảo an toàn cho các doanh nghiệp và nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất sau bão”, ông Điệp nói.
Tình hình vẫn phức tạp
Ngay cả khi cơn bão đi qua, mưa lũ, sạt lở do hoàn lưu sau bão tiếp tục ảnh hưởng nặng nề tới các địa phương phía Bắc, đặc biệt là khu vực vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Ông Nguyễn Xuân Thả, Giám đốc Công ty TNHH Khoáng sản Thanh Sơn - Phú Thọ cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại (ngày 10/9), khu vực miền núi Thanh Sơn, Phú Thọ có mưa nhỏ, ở một số khu vực có sạt lở, nhưng chỉ mang tính cục bộ và chưa nghiêm trọng.
Với kinh nghiệm nhiều năm công tác trên miền núi, đặc biệt là tại tỉnh Phú Thọ, ông Thả dự báo, có thể trong vài ngày tới khu vực này sẽ xảy ra lũ quét.
Ông Thả cho hay: Thông thường, tại các tỉnh vùng núi phía Bắc nói chung và Phú Thọ nói riêng vào khoảng tháng 9, tháng 10 sẽ xuất hiện lũ. Đặc biệt, trung tuần tháng 10 hàng năm sẽ có lũ lớn và có thể xảy ra lũ quét.
Vì vậy, mỗi khi đến mùa mưa bão, các doanh nghiệp khai khoáng đã có sự chuẩn bị để đảm bảo an toàn cho công nhân, ngăn đất đá từ các mỏ khai khoáng trôi xuống ruộng của người dân. Đơn cử như xây dựng các đập ngăn lũ tạm thời, tạo ra các luồng phân lũ, giảm thiểu dòng chảy của nước, hoặc tại các nhánh sông.
Tuy nhiên, ông Thả cho biết, năm nay lũ đến sớm, cộng thêm ảnh hưởng của bão Yagi có thể khiến tình trạng lũ lụt nghiêm trọng hơn mọi năm.
“Trong những ngày thời tiết phức tạp như hiện nay, chúng tôi đã ngừng hoạt động cho tới khi thời tiết ổn định hơn, điều này có thể ảnh hưởng tới tiến độ giao hàng. Do đó, chúng tôi đã chủ động liên lạc với khách hàng thông báo tình hình thực tế và mong muốn họ thông cảm nếu giao hàng chậm so với dự kiến”, ông Thả nói.
Được biết, chiều 10/9, nhiều địa phương vùng núi phía Bắc, như Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên đã xảy ra lũ lụt và lũ quét. Nhiều khu vực “4 bề là nước”.
Tại Thái Nguyên, một trong những địa phương có nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn trong cả nước cũng đối mặt với trình trạng nước lũ dâng cao, chia cắt nhiều tuyến đường huyết mạch. Nhiều doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động cho tới khi nước lũ hạ xuống.
Trước đó, vào sáng 9/9, do ảnh hưởng của bão Yagi khiến nước lũ trên sông Thao lên rất cao đã khiến cầu Phong Châu bị sập. Ngoài thiệt hại về người, tuyến đường huyết mạch kết nối 2 huyện Tam Nông, Lâm Thao của tỉnh Phú Thọ cũng bị chia cắt.
Một số doanh nghiệp tại Phú Thọ cho biết, cầu Phong Châu nằm trên đường Quốc lộ 32C, kết nối với cảng Việt Trì. Việc cầu Phong Châu bị sập, buộc các doanh nghiệp phải đổi lộ trình sang tuyến đường khác để tới cảng này, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Hiện tại, mưa lũ vẫn đang diễn biến phức tạp ở miền Bắc, thiệt hại vẫn đang “nối tiếp” thiệt hại, các địa phương đang tổng hợp các báo cáo thiệt hại do bão Yagi gây ra. Dù vậy, ước tính thiệt hại về kinh tế có thể lên tới hàng trăm tỷ USD, chưa kể các thiệt hại về người, hạ tầng khác phải mất nhiều năm nữa để khắc phục.
Cả hệ thống chính trị chung tay hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vùng bão lũ
Trước những thiệt hại do bão Yagi gây ra, Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương đã có những hành động cụ thể hỗ trợ các địa phương, nhân dân chịu ảnh hưởng.
Cụ thể, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định hỗ trợ 100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024 cho 5 địa phương, gồm: Nam Định 20 tỷ đồng, Thái Bình 30 tỷ đồng, Hải Dương 20 tỷ đồng, Yên Bái 20 tỷ đồng, Hưng Yên 10 tỷ đồng để thực hiện khắc phục hậu quả, ổn định đời sống cho người dân sau cơn bão số 3.
Riêng các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng đã báo cáo về việc hiện nay tự cân đối nguồn lực của địa phương để khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Do đó, ngân sách Trung ương sẽ xem xét, hỗ trợ khi các địa phương có đề xuất.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Tài chính xuất cấp cho Bộ Quốc phòng và Bộ Công an 100 tấn gạo/Bộ từ dự trữ quốc gia để chủ động vận chuyển đến các địa phương thiếu gạo bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, đơn vị này đã yêu cầu các tổ chức tín dụng chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành; thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay.
Về phía Bộ Tài chính cũng yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm kịp thời cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng.