BÁO XUÂN 2025: Ði qua ước mơ

Tôi sống ở Đà Lạt - thị xã hiu quạnh, sương mù, mưa dầm đẫm lạnh tuổi thơ mơ màng. Ngày đó... Sài Gòn là những dãy phố đồ sộ, đông đúc, ngả nghiêng, chớp giật liên hồi trên màn hình trắng đen của cái tivi mỗi đêm chị Hai dắt tôi sang coi ké nhà hàng xóm. Năm 1974, anh Ba 14 tuổi đi Sài Gòn học nghề mộc hai tuần về, kể chuyện 'khó tin': - Dưới đó mỗi ngày phải... tắm hai, ba lần! Đà Lạt thời rừng thông bao phủ cùng sương muối còn lạnh lắm, mỗi tuần anh em tôi tắm một lần bằng nước ấm. Giờ nghe có xứ sở mỗi ngày tắm hai, ba lần, đúng là chuyện lạ!

Năm 1976, gia đình tôi đi kinh tế mới ở R’chai (nay là xã Tân Hội, Đức Trọng, Lâm Đồng) - cách Đà Lạt hơn 40 km về hướng Nam. Tôi chôn chặt những thắc mắc, tò mò về Sài Gòn vào rừng núi heo hút, suốt tuổi niên thiếu. Những năm học cấp 3 trường huyện có mấy bạn chung lớp ở thị trấn Tùng Nghĩa (nay là Liên Nghĩa) thường về nhà người thân ở Sài Gòn mỗi dịp hè. Quay lại lớp học, các bạn kể bao nhiêu chuyện quyến rũ về Sài Gòn. Tôi ngồi một góc, mở hết thính giác, cố ghi vào đầu. Điều họ tự hào nhất là được xem ca nhạc ở Sài Gòn, được tận mắt thấy các ca sĩ, diễn viên bằng xương, bằng thịt chứ không phải trên tờ lịch hay phim ảnh, tivi...

Năm 1984, ngồi trước hồ sơ thi đại học, tôi mừng rơn vì đã có cớ để được về Sài Gòn - “đất hứa” từ thơ ấu của mình. Ngày tôi “lên kinh”, mẹ may thêm cái túi nhỏ trong quần để giữ “kho báu” bốn trăm đồng. Cả nhà phải rút ruột bán cặp gà, một bộ chày cối giã gạo, hơn tám ký lươn ba lặn lội suốt nhiều đêm trong mưa gió ngoài ruộng đặt trúm bắt được, dồn lại. Đó là số tiền “khổng lồ” nên mẹ dặn đi, dặn lại: “Sài Gòn nhiều trộm cắp, con phải cẩn thận”. Tôi đùa trấn an mẹ: “Con đủ tuổi lấy vợ rồi, mẹ lo gì” (tôi bị gián đoạn việc học nên 20 tuổi mới tốt nghiệp trung học phổ thông).

Gà gáy canh ba, trời còn tối om, lạnh buốt; tôi chở đứa em trên xe đạp cộc cạch ra bến xe ngoài thị trấn Liên Nghĩa. Một phần ba lộ trình mười một cây số là đường đất nhão nhoét sình bùn. Tôi xắn quần quá gối, căng mắt tìm đường, cứ sợ trượt té dơ bộ đồ vía may từ vải phân phối của hợp tác xã, để dành khoe với Sài Gòn! Thời bao cấp, đi xe đò rất chán. Cứ bốn người ngồi chung ba ghế. Dưới gầm ghế nhét chặt bắp cải, trái cây, gà, heo... nên cứ phải co chân, ép hai đầu gối vào ngực. Tôi có thêm túi quần áo, sách vở nên càng chật chội. Đã vậy, xe chạy được vài chục km gặp trạm phải dừng. Có trạm, xe nằm suốt hai giờ để mấy ông thuế vụ, quản lý thị trường lên sục sạo tìm hàng gian (hồi đó nông sản đưa ra khỏi địa phương không phép là “hàng gian”, người mang “hàng gian” bị gọi là “con buôn”)... Ì ạch từ 5 giờ sáng đến 19 giờ tối mới kết thúc chặng đường chỉ 250 cây số. Hành khách mệt phờ rên rỉ, chỉ có tôi vẫn háo hức trên đường đến... thiên đàng.

Bến xe miền Đông ồn ào với lớp lớp “con buôn”, xích lô, bốc vác chen chúc lao vào các xe khách vừa đỗ bến. Tiếng hỏi mua hàng, tiếng mời gọi đi xích lô, tiếng tranh giành của mấy ông bốc vác... thật huyên náo. Tôi xuống xe, hít một hơi thật sâu không khí “thánh địa” và sảng khoái lạ thường. Lần đầu trong đời tôi được thấy đèn xanh, đèn đỏ ở ngã tư; thấy chiếc xích lô, nhất là xích lô máy kềnh càng. Từ bến xe miền Đông, tôi được cô bác tốt bụng chỉ đường đi xe buýt đến ngã sáu Cộng Hòa rồi đi bộ đến Trường Đại học Tổng hợp ở 227 Nguyễn Văn Cừ (Quận 5). Trời mưa lắc rắc, tôi vừa đi vừa ngắm con đường có hai hàng me cổ thụ đẹp như tranh dưới đèn phố lung linh. Chợt tôi giật mình khi nhìn thấy các gốc me có những người đàn ông nhỏ thó, ốm yếu, mũ kết che nửa mặt, lúi húi chích ma túy. Tôi hỏi ông bơm vá xe bên đường: “Họ không sợ bị bắt hở bác?”. Ông lắc đầu chán chường: “Tụi nó sắp vô hòm rồi, sợ gì nữa. Chú mày ở quê lên láo ngáo, coi chừng bị giật đồ”. Con trai ông vá xe dắt tôi đến một quán cơm bình dân trong hẻm. Tôi gọi cơm với đậu chiên là thứ rẻ nhất. Ăn xong, anh này đưa tôi đến đồn công an (sau này tôi biết đó là Công an Phường 1, Quận 3). Tôi trình giấy báo thi xin ngủ nhờ, anh công an đang ngồi ở bàn phía ngoài chỉ vào cái ghế dài đặt sát tường. Dậy sớm và suốt ngày đường mệt mỏi nên tôi kê túi xách làm gối rồi ngủ rất ngon trên cái ghế đó. Nửa đêm có tiếng lao xao, ồn ào, tôi giật mình ngồi dậy. Các anh công an vừa đi tuần về, bắt được vài người trộm cắp hay móc túi gì đó. Họ bị còng tay và giành mất cái ghế tôi đang ngủ. Một anh công an dắt tôi ra phía sau, tôi leo lên bàn bóng bàn ngủ tiếp.

Trời sáng, tôi không lo chuyện bị cướp giật nên cám ơn rồi rời đồn công an. Tôi quay lại trường nộp giấy báo thi rồi thong dong hỏi đường ra chợ Bến Thành (lúc này bên cạnh chợ Bến Thành có một ga xe lửa rất ô nhiễm, nhốn nháo, phức tạp; sau được giải tỏa làm công viên và ga tàu điện hiện đại). Dân nhà quê vốn quen đi bộ mỗi ngày vài chục km, nên khi nghe người ta “dọa”: “Đây đến chợ hơn km, phải đi xích lô”, tôi cười thầm, chê dân thành phố “công tử bột”. Tôi quá háo hức với Sài Gòn nên đi trước ngày thi đến ba hôm, bây giờ tha hồ đi chơi, hết sở thú lại chợ Bình Tây, nhà thờ Đức Bà... nơi nào nghe quá xa thì đón xe buýt. Tôi quần hết Sài Gòn rồi tự nhủ: “Ngày mai kiếm chỗ ôn bài, cố thi đậu để được ở Sài Gòn 4 năm!”.

Khi tôi hỏi về chỗ ở giá rẻ, ông xích lô đã đưa tôi đến nhà trọ Thanh Tùng ở ngã tư Hàng Xanh. Thuê phòng, tắm rửa mát mẻ xong, tôi hứng chí ra gọi một đĩa cơm với miếng sườn nướng tổ chảng. Cả đời mới được ăn sang thế này, vị ngon đĩa cơm nhớ mãi đến bây giờ. Đến lúc tính tiền, tôi bàng hoàng khi chủ quán đòi... 65 đồng (đắt hơn cả tiền xe từ Lâm Đồng về Sài Gòn)! Vốn liếng chỉ còn 2 tờ một trăm và ít tiền lẻ, tôi cất 1 tờ để đi xe về quê. Một tờ còn lại là ăn uống, tiền trọ suốt những ngày thi. Tôi không dám đi đâu vì sợ tốn tiền, suốt ngày trong phòng trọ ôn bài và chỉ ăn bánh mì lạt, uống nước lấy từ vòi tắm. Đến ngày lên trường nhận giấy vào phòng thi, tôi vừa đút tờ giấy quý hơn vàng đó vào túi áo bỗng... xây xẩm rồi ngã lăn ra hành lang. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trong phòng cấp cứu, túi xách không còn. Tôi hơi hoảng, nhưng khi lần tìm thấy 2 tờ một trăm vẫn còn trong “túi bí mật” thì yên tâm phần nào. Hỏi người xung quanh, họ bảo đây là Bệnh viện Nguyễn Tri Phương ở Quận 5...

Sáng hôm sau cũng là ngày đến trường thi, tôi xin bệnh viện rồi đón xích lô tới Trường Phan Văn Trị trên đường Phạm Viết Chánh (Quận 1). Tôi sốt ngây ngất, có lúc gục xuống bàn, nhưng vẫn cố hoàn thành hai bài thi sáng, chiều. Thi xong lại về bệnh viện - vừa có chỗ ngủ lại được ăn cơm, uống thuốc miễn phí. Đây là sự ưu việt của thời bao cấp cho người nghèo. Kết thúc hai ngày thi, tôi về Phòng Y tế Trường Đại học Tổng hợp nhận lại hành lý, rồi phải nằm viện thêm 4 ngày để điều trị sốt siêu vi - tàn dư của những cơn sốt rét tôi mắc từ những ngày ở vùng kinh tế mới.

Tôi đậu vào Khoa Triết - Kinh tế chính trị, Trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, thỏa mãn ước mơ được ở Sài Gòn 4 năm. Ngày ra trường, tôi về Đà Lạt công tác, được ở nhà công vụ mặt tiền đường Nguyễn Du. Nhà hai phòng được ngăn thành ba, có sân trước, sân hông rộng hơn 200 m2 có thể trồng khoai lang, su su, rau cải... cùng giường tủ, bàn ghế và hộp loa để nghe thời sự gắn trên tường... Một lần nữa, tôi cảm ơn cơ chế bao cấp! Năm 1976, tôi là cậu bé mơ mộng 12 tuổi, ngả nghiêng trên thùng xe tải cùng những khuôn mặt âu lo của các gia đình đi kinh tế mới. Nay trở lại Đà Lạt đã 26 tuổi, nuôi mơ ước viết văn và khát vọng giúp gia đình thoát nghèo. Cũng như cả nước, Đà Lạt những năm đầu “đổi mới” còn nghèo lắm, với hạ tầng từ chế độ cũ để lại đang phai màu, xuống cấp. Cả ngàn ngôi biệt thự với kiến trúc xứng đáng là những tác phẩm nghệ thuật lấp lánh trong rừng thông, giờ phần lớn bị biến thành trụ sở, nhà tập thể, cơ sở sản xuất thủ công, chăn nuôi... vườn hoa, tiểu cảnh các biệt thự hóa thành đất trồng khoai lang, rau, củ, hố ủ phân... Du lịch Đà Lạt lúc đó khá đìu hiu với mỗi năm vài đợt khách vào các dịp hè, tết, lễ 30/4, 2/9... Đa số là khách nội địa, khách “Tây” rất ít. Cơ sở hạ tầng du lịch rất kém cỏi, không có sản phẩm gì ngoài các danh thắng, khí hậu “trời ban”! Ngày đó, từ vùng quê đến thành thị đều đói. Cả xã hội mênh mông toàn những vóc dáng khắc khổ, những khuôn mặt âu lo, mệt mỏi. Rất khó tìm được những người (cả đàn ông lẫn phụ nữ) chừng 65 kg trở lên. Đa số quanh quẩn mức 50 kg, nhiều người phải đi mua các loại thuốc “lang băm” uống vào tích nước, phù thủng để có vẻ mập mạp cho “tướng sang” (chứ không phải như bây giờ, ám ảnh tăng cân, béo phì đang trở thành “vấn nạn”, ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề xã hội, y tế...).

Những năm 1988 - 1990 về Lâm Đồng, tôi được xếp bậc lương 290 theo diện ưu tiên người tốt nghiệp đại học nhận công tác miền núi. Lương “ưu tiên” đó là... 38 kg gạo. Đi công tác trong tỉnh mỗi ngày được 1 kg, ra khỏi tỉnh được gấp đôi. Mỗi tháng cộng hết các khoản được cỡ 45 - 50 kg gạo, cầm phiếu ra cửa hàng lương thực lấy bỏ lên xe đạp chở về. Dọc đường ghé chợ bán bớt gạo để lấy tiền mua thuốc lá, xà phòng...

Cơ quan tôi cũng được ngăn ra nuôi “tiểu đội heo”. Từ lính đến sếp đều có “tiêu chuẩn” băm rau, nấu cám, tắm heo. Ngày ngày chúng tôi “dỏng tai” nghe những chuyển động kinh hoàng từ Đông Âu, Liên Xô, vừa nguyền rủa siêu lạm phát làm giá cả leo thang, đồng thời cầu mong các “ỉn” mau lớn để Tết thịt, bán chia nhau! Tôi đã ăn một cái Tết rất đáng nhớ ở cơ quan với đầu, lòng heo ngồn ngộn. Tiệc tàn đã 19 giờ, tôi đạp xe xuôi đèo, dốc hơn 40 km từ Đà Lạt về Tân Hội - Đức Trọng với tâm trạng lâng lâng vì men rượu và 15 kg thịt các loại (được cơ quan chia) cột sau ba ga chở về nhà. Sau 14 năm kết thúc chiến tranh với cái đói, cái nghèo triền miên, vô tận..., lần đầu tiên gia đình tôi được ăn Tết với rất nhiều thịt heo. Cả nhà vui mừng, nhộn nhịp nấu nướng suốt đêm...

Chúng tôi được dự những hội nghị, tập huấn về kinh tế thị trường. Khi nghe các diễn giả mô tả về khu chế xuất Thẩm Quyến - Trung Quốc, khái niệm “siêu thị” là một cái cửa hàng to, nhiều hàng hóa... chúng tôi không hình dung được, nghĩ không biết đến bao giờ đất nước mình mới có những thứ cao sang đó! Hôm nay, sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế nhiều thành phần đã giúp đất nước ta với kim ngạch xuất nhập khẩu chỉ 4 tỷ USD/năm, tăng trưởng 200 lần (800 tỷ USD năm 2024). Quy mô nền kinh tế từ 4,3 tỷ USD năm 1989, theo ước tính của các chuyên gia sẽ tăng 80 lần lên 500 tỷ USD vào năm 2025. Nền nông nghiệp ọp ẹp với khẩu hiệu “phấn đấu 1,7 triệu tấn lương thực” (thóc và hoa màu quy ra thóc) trước đổi mới, đã được thay thế bằng tư cách hùng dũng của quốc gia đứng thứ nhì thế giới về xuất khẩu gạo 7 - 8 triệu tấn/năm kể từ 2011. Siêu thị và khu chế xuất (hay khu công nghiệp) bây giờ huyện, thị, thậm chí xã, thị trấn nào cũng có và nhiều địa phương phải “rên” vì lạm thừa hai thứ “trong mơ” của thời bao cấp.

Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh và Đà Lạt đã và đang tăng tốc cùng đất nước trong việc hiện đại hóa hạ tầng kinh tế và phát triển văn hóa, xã hội. Nhiều Việt kiều - kể cả những người từng chống cộng quyết liệt, giờ về Việt Nam phải thốt lên “không ngờ”! Họ không chỉ thay đổi quan điểm mà còn quay về Việt Nam sinh sống, kinh doanh, an dưỡng tuổi già... Những thế hệ sinh ra sau thời đổi mới, được hưởng thành tựu to lớn của đất nước, được giao lưu, hội nhập trong “thế giới phẳng”, là tầng lớp ưu tú sẽ đưa Việt Nam phát triển hơn nữa trong “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” (lời của Tổng Bí thư Tô Lâm). Đó là tương lai tươi sáng bắt đầu từ những ước mơ vượt khó của từng người, từng gia đình, ngành, địa phương... để trở thành ước mơ chung của cả dân tộc trong cuộc “trường chinh” hùng vĩ, ngoạn mục suốt nửa thế kỷ bảo vệ và xây dựng đất nước 1975 - 2025!

LẠI VĂN LONG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202502/bao-xuan-2025-i-qua-uoc-mo-32f2a48/
Zalo