Bão Wipha mạnh lên cấp 11, Bộ Xây dựng chỉ đạo 'khẩn'
Bộ Xây dựng ban hành yêu cầu toàn ngành chủ động ứng phó bão Wipha, đảm bảo an toàn giao thông và công trình xây dựng tại vùng ảnh hưởng.

Nhiều chuyến bay đi - đến sân bay Nội Bài đã phải hoãn, hủy vì mưa giông chiều 19/7. Ảnh: NIA.
Ngày 19/7, Bộ Xây dựng phát đi Công điện số 35 gửi các đơn vị trực thuộc và Sở Xây dựng các địa phương, yêu cầu tập trung cao độ ứng phó bão số 3 (bão Wipha), đang di chuyển nhanh và có xu hướng mạnh lên, ảnh hưởng đến khu vực Bắc Biển Đông và đất liền nước ta.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra, Bộ Xây dựng chỉ đạo các đơn vị và địa phương thực hiện các biện pháp đồng bộ, trong đó nhấn mạnh vai trò của hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật và công trình xây dựng tại các địa phương chịu ảnh hưởng.
Đối với ngành hàng không, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng bay và công ty dịch vụ theo dõi sát diễn biến thời tiết để điều chỉnh lịch bay phù hợp. Tăng cường kiểm tra cơ sở hạ tầng sân bay, hệ thống thông tin liên lạc và công tác chỉ huy bay để xử lý sự cố kịp thời, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hoạt động bay.
Cục Đường bộ Việt Nam được giao nhiệm vụ chỉ đạo các khu quản lý đường phối hợp với Sở Xây dựng và lực lượng chức năng tổ chức trực, phân luồng, cắm phao, dựng rào chắn, cảnh báo tại các điểm ngập nước, ngầm tràn, sạt lở, không để người và phương tiện di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Các đơn vị quản lý phải chủ động chuẩn bị vật tư dự phòng, máy móc và nhân lực để xử lý nhanh sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt, nhất là trên các tuyến quốc lộ trọng điểm.
Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải tăng cường tuần tra, chốt gác tại các công trình, cầu, đường yếu, đèo dốc, các vị trí dưới đập thủy lợi hoặc hồ chứa nước.
Khi có tình huống khẩn cấp, cần lập tức triển khai dừng tàu, giãn tàu, tăng bo và chuyển tải hành khách, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện.
Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam chỉ đạo cảng vụ, cơ quan quản lý luồng lạch và vùng nước ven đảo nắm chắc số lượng tàu thuyền, tổ chức hướng dẫn phương tiện vào nơi neo đậu an toàn.
Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải phải luôn sẵn sàng lực lượng và phương tiện tham gia cứu hộ khi có yêu cầu. Đồng thời, yêu cầu thu hồi và triển khai lại hệ thống phao tiêu, biển báo khi có lũ hoặc mưa lớn.
Cục Kinh tế và Quản lý đầu tư xây dựng được giao chỉ đạo các ban quản lý dự án, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thi công phải lên phương án ứng phó khẩn cấp, khắc phục sự cố công trình, bảo đảm không làm gián đoạn giao thông trên các tuyến đang thi công.
Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam cần tăng thời lượng phát sóng cảnh báo về hướng đi của bão, kêu gọi tàu thuyền tránh vùng nguy hiểm, di chuyển đến nơi trú tránh an toàn.
Các Sở Xây dựng tại các tỉnh trong vùng ảnh hưởng phải phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ, rà soát và khắc phục các sự cố sạt lở, sụt lún. Đồng thời, phải có phương án bố trí thiết bị, nhân lực hỗ trợ người dân đi qua các khu vực bị ngập, khơi thoát nước nhanh tại các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông.
Đặc biệt, cần kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước trong đô thị, đảm bảo thoát nước nhanh, chống úng ngập. Các đơn vị quản lý cây xanh phải kiểm tra toàn diện cây đô thị, chủ động cắt tỉa, xử lý cây có nguy cơ gãy đổ. Máy móc, nhân lực phải luôn sẵn sàng để thu dọn cây đổ sau bão, đảm bảo thông đường trong thời gian nhanh nhất.