Tin vui: 3 trường hợp được hoàn trả tiền BHYT, biết ngay kẻo mất quyền lợi

Theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đối với 3 trường hợp được hoàn trả tiền BHYT, số tiền hoàn trả tính theo mức đóng BHYT và thời gian đã đóng tiền nhưng chưa sử dụng thẻ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

BHXH Việt Nam cho biết tại điều 20 Văn bản hợp nhất số 2525/VBHN-BHXH ngày 15/8/2023 của BHXH Việt Nam quy định về 3 trường hợp tham gia BHYT sẽ được hoàn tiền, cụ thể như sau:

Trường hợp 1: Người tham gia được cấp thẻ BHYT theo nhóm đối tượng mới, nay báo giảm giá trị sử dụng thẻ đã cấp trước đó.

Điều kiện để được hoàn trả tiền BHYT là người dân sau đó được cấp thẻ BHYT theo một nhóm đối tượng khác.

Ví dụ: Khi người thuộc hộ gia đình tham gia BHYT hộ gia đình, sau đó được nhận vào làm tại một công ty và được cấp thẻ BHYT do công ty đóng. Trong trường hợp này, thẻ BHYT hộ gia đình đã đóng trước đó sẽ bị giảm giá trị sử dụng (do thẻ BHYT theo đối tượng mới có thứ tự ưu tiên cao hơn). Lúc này, người dân được hoàn lại số tiền đã đóng cho thời gian chưa sử dụng.

Trường hợp 2: Được ngân sách Nhà nước điều chỉnh tăng hỗ trợ mức đóng BHYT.

Trường hợp được hoàn tiền BHYT khi chính sách thay đổi và một nhóm đối tượng nào đó được hưởng mức hỗ trợ đóng BHYT cao hơn so với trước đây.

Trường hợp 3: Người tham gia bị chết trước khi thẻ BHYT có giá trị sử dụng.

Trong trường hợp người mua thẻ BHYT nhưng qua đời trước khi thẻ có hiệu lực, gia đình người đã mất sẽ được hoàn lại toàn bộ số tiền đã đóng cho thẻ BHYT chưa sử dụng.

Một thông tin liên quan đến BHYT, theo báo Lao động, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 188/2025/NĐ-CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT.

Theo đó, từ 1.7.2025, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng BHYT cho nhiều nhóm đối tượng, trong đó có học sinh, sinh viên; nhân viên y tế thôn bản; cô đỡ thôn bản; lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu.

Theo quy định hiện hành, mức đóng BHYT bằng 4,5% mức lương cơ sở. Mức lương cơ sở hiện nay theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP, là 2.340.000 đồng/tháng. Do đó, mức đóng BHYT tương đương 105.300 đồng.

Trước đây, học sinh, sinh viên được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT, như vậy, hằng tháng các em phải đóng 70% BHYT, tương đương 73.710 đồng/tháng.

Tuy nhiên, từ ngày 1.7, theo Nghị định 188/2025/NĐ-CP, học sinh, sinh viên được Nhà nước hỗ trợ 50% mức đóng BHXH, do đó các em chỉ cần đóng tối đa 52.650 đồng/tháng, giảm hơn 21.000 đồng/tháng so với trước đây. Nếu đóng theo năm, số tiền giảm lên tới hơn 253.000 đồng.

Theo số liệu ước tính của Bảo hiểm xã hội khu vực XXVII, khu vực TPHCM có khoảng 2.808.180 học sinh, sinh viên. Bảo hiểm xã hội khu vực XXVII cho biết, khi tham gia BHYT, học sinh, sinh viên đăng ký tại cơ sở giáo dục, nhà trường nơi các em đang theo học.

Học sinh, sinh viên được lựa chọn đóng BHYT định kỳ theo 03 phương thức: 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng. Số tiền tham gia BHYT của HSSV (sau khi đã trừ đi phần hỗ trợ của ngân sách Nhà nước), cụ thể như sau: Nếu học sinh, sinh viên đóng 3 tháng một lần, số tiền là 157.950 đồng, nếu đóng 6 tháng một lần, số tiền là 315.900 đồng, nếu đóng 9 tháng một lần, số tiền là 473.850 đồng và nếu đóng 12 tháng một lần, số tiền là: 631.800 đồng.

Học sinh, sinh viên tham gia BHYT được quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT thuộc tuyến xã và tương đương theo quy định, đồng thời được lựa chọn và thay đổi nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu vào đầu mỗi quý.

Nhật Hạ (t/h)

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/tin-vui-3-truong-hop-duoc-hoan-tra-tien-bhyt-biet-ngay-keo-mat-quyen-loi-20215.html
Zalo