Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù

Với quan điểm 'Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững', Việt Nam đang nỗ lực bảo vệ và có nhiều chủ trương phát triển dân số các dân tộc thiểu số (DTTS) có khó khăn đặc thù.

Cuộc sống của người La Hủ ở bản Hà Xi, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu còn nhiều khó khăn. Ảnh: Hoàng Thu

Cuộc sống của người La Hủ ở bản Hà Xi, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu còn nhiều khó khăn. Ảnh: Hoàng Thu

Nước ta hiện có 14 DTTS có khó khăn đặc thù, tức là đáp ứng một trong 3 tiêu chí: Tỷ lệ hộ nghèo lớn hơn từ 1,5 lần trở lên so với bình quân chung tỷ lệ hộ nghèo của 53 DTTS; tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên không biết đọc, biết viết tiếng phổ thông lớn hơn 1,5 lần so với bình quân chung tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên không biết đọc, biết viết tiếng phổ thông của 53 DTTS; tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi lớn hơn 1,5 lần so với bình quân chung tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi của 53 DTTS; và các dân tộc này có dân số dưới 10.000 người.

14 DTTS có khó khăn đặc thù gồm: Si La, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Cống, Mảng, Bố Y, Lô Lô, Cờ Lao, Lự, Pà Thẻn, Chứt, La Ha, hầu hết sinh sống tập trung ở các tỉnh miền núi cao, biên giới như: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Quảng Bình... Đây đều là những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội hết sức khó khăn nên đồng bào càng có nguy cơ tụt hậu trong quá trình phát triển. Bảo vệ và phát triển dân số các DTTS có khó khăn đặc thù là yêu cầu cấp bách hiện nay ở nước ta.

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới nêu rõ: “Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân...”. Nghị quyết cũng xác định mục tiêu: “Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc có dưới 10.000 người, đặc biệt là những dân tộc có rất ít người”.

Bà Phạm Thị Thúy Hà, Phó Vụ trưởng Vụ DTTS, Ủy ban Dân tộc cho biết, có nhiều chỉ số đáng quan ngại trong bức tranh thực trạng dân số của 14 DTTS có khó khăn đặc thù. Đó là các chỉ số về tỷ suất chết thô, tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi/1.000 trẻ sinh sống, tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi/1.000 trẻ sinh sống, tỷ suất chết mẹ đều cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ chung toàn quốc. Một số dân tộc có tỷ suất chết thô cao hơn 1,5-2 lần so với bình quân chung của 53 DTTS (7,65‰) như: Brâu (15,24‰), Pu Péo (13,29‰), Ơ Đu (11,68‰), Si La (11‰), Rơ Măm (10,95‰). Tuổi thọ trung bình của DTTS rất ít người thấp hơn 3,4 năm so với kết quả chung của cả nước, đồng thời số năm sống khỏe mạnh trong cuộc đời của người dân các dân tộc này cũng thấp so với các dân tộc khác.

Chất lượng dân số các DTTS có khó khăn đặc thù được phản ánh qua các yếu tố về thể chất, trí tuệ, tinh thần. Theo đó, người DTTS có khó khăn đặc thù có tầm vóc thể lực (chiều cao, cân nặng trung bình) thấp hơn so với các dân tộc khác; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng ở mức cao, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhẹ cân. Bà Phạm Thị Thúy Hà cho rằng, với hiện trạng đáng lo ngại trên thì việc phát triển dân số các DTTS có khó khăn đặc thù là rất cần thiết và cấp bách.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội nhấn mạnh, từ năm 1993, Đảng ta đã đưa ra quan điểm: Công tác dân số là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề xã hội hàng đầu của nước ta; là giải pháp cơ bản nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Vùng DTTS hiện nay đang là “lõi nghèo” của đất nước. 14 DTTS có khó khăn đặc thù chính là “lõi” của “lõi nghèo” bởi hiện trạng kinh tế - xã hội đang hết sức khó khăn, với các chỉ số phát triển đều thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước và so với các DTTS khác. Vì vậy, thúc đẩy phát triển dân số các DTTS có khó khăn đặc thù có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm không chỉ phát triển về số lượng người trong mỗi dân tộc này, mà còn phát triển cả về chất lượng dân số, giúp tránh nguy cơ mất thành phần một số DTTS rất ít người, tạo ra năng lực phát triển để đồng bào các dân tộc thực hiện quyền phát triển đầy đủ, bình đẳng với các dân tộc khác và nhanh chóng hòa nhập với sự phát triển của đất nước.

Trẻ em người Si La ở bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Hoàng Thu

Trẻ em người Si La ở bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Hoàng Thu

Hiện nay, để thúc đẩy phát triển các DTTS có khó khăn đặc thù, tại Dự án 9 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 có Tiểu dự án 9.1: Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù.

Riêng về vấn đề dân số trong Tiểu dự án này, các bà mẹ thuộc DTTS có khó khăn đặc thù khi mang thai sẽ được thụ hưởng các chính sách như: Tổ chức hoạt động tư vấn dinh dưỡng, hỗ trợ dinh dưỡng trước, trong và sau sinh; khám, quản lý thai nghén và chăm sóc y tế; được tầm soát các loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến; hỗ trợ sinh con đúng chính sách dân số và phương tiện đi lại cho bà mẹ mang thai.

Đối với trẻ em dưới 5 tuổi được hưởng các chính sách: Hỗ trợ trẻ sơ sinh được tầm soát các loại bệnh bẩm sinh phổ biến; điều trị, cung cấp bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi; hỗ trợ đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng công thức (cơm/cháo dinh dưỡng công thức ăn liền) cân đối hợp lý và sữa học đường cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tiến hành xây dựng mô hình nâng cao chất lượng dân số tại thôn, bản có đông đồng bào các DTTS có khó khăn đặc thù sinh sống tập trung.

Những giải pháp này cộng với nguồn lực đầu tư trực tiếp từ Tiểu dự án 9.1 thuộc Dự án 9 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển dân số các DTTS có khó khăn đặc thù, đúng như tinh thần chủ đề Ngày Dân số năm nay (11/7) được Việt Nam lựa chọn là “Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững”.

Hoàng Thu

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bao-ve-va-phat-trien-dan-so-cac-dan-toc-thieu-so-co-kho-khan-dac-thu-post478095.html
Zalo