Bảo vệ trẻ em trong thời đại công nghệ số

Sự phát triển mạnh mẽ của Internet và các thiết bị thông minh mở ra nhiều cơ hội cho rẻ em học tập và giải trí, tìm kiếm nhiều thông tin hữu ích. Tuy nhiên, còn đó mặt trái về khả năng phát tán tràn lan các nội dung độc hại, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tư duy, lối sống, quá trình phát triển và định hình nhân cách của trẻ em. Do đó, bảo vệ trẻ em trong thế giới công nghệ số là vấn đề rất cần quan tâm hiện nay.

Các lớp học thể thao thu hút thiếu niên, nhi đồng tham gia trong dịp hè.

Các lớp học thể thao thu hút thiếu niên, nhi đồng tham gia trong dịp hè.

Internet mang lại nhiều lợi ích lớn cho trẻ em, từ cung cấp kiến thức và thông tin, kết nối bạn bè đến tìm kiếm nội dung học tập, kỹ năng sống hay vui chơi giải trí… Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, việc trẻ em sử dụng Internet quá mức sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tinh thần, hay khả năng gặp nhiều rủi ro trên môi trường mạng, như: Bị quấy rối trên mạng, nghiện game, xem các video, chương trình không phù hợp, thông tin sai lệch, hay thậm chí cả các nguy cơ bị xâm hại tình dục trên môi trường mạng…

Nhiều gia đình hoang mang, lo lắng khi thấy con dành quá nhiều thời gian xem các video clip trên mạng xã hội (MXH) Youtube, Tiktok và dễ dàng bắt chước làm theo các trào lưu trên mạng ảo. Anh Nguyễn Văn Quang ở thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên chia sẻ: "Gia đình tôi do bận bịu công việc nên chủ quan để cháu tiếp xúc sớm với điện thoại thông minh nên hầu như cả ngày cháu chỉ thích ngồi xem điện thoại. Thời gian nghỉ hè vừa rồi, tôi để ý thấy cháu xem video clip có ngôn từ không phù hợp với lứa tuổi nên tôi khá sốc và phải khuyên bảo, định hướng cho con lựa chọn xem nội dung phù hợp và tuyệt đối không được làm theo những video clip thông tin xấu, độc trên mạng. Đồng thời gia đình đăng ký cho cháu tham gia lớp học bơi và quy định thời gian sử dụng điện thoại thông minh có sự kiểm soát của người lớn”.

Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Thị Sơn - Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết: "Thực tế đã có nhiều trường hợp trẻ em trở thành nạn nhân của MXH và để lại nhiều hậu quả đau lòng. Nguy hại từ MXH gây ra rất lớn, nó không chỉ ảnh hưởng nhất thời, ảnh hưởng trước mắt đến một mặt cụ thể nào đó mà ảnh hưởng toàn diện, lâu dài đến sức khỏe, tinh thần và sự phát triển nhân cách, đạo đức của trẻ em. Do đó, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Cha mẹ cần quan tâm, quản lý, giám sát và hướng dẫn trẻ sử dụng Internet, MXH; tăng cường trò chuyện, chia sẻ, tâm sự với trẻ. Ngoài ra, hướng dẫn con em mình kỹ năng, cách ứng xử trên không gian mạng an toàn, lành mạnh; tạo điều kiện để trẻ em tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế…”.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh cho biết: "Dịp hè năm nay, Trung tâm đã tổ chức các lớp năng khiếu, lớp kỹ năng như: học kỳ trong quân đội; các môn năng khiếu thể thao gồm: bóng rổ, cầu lông, bóng bàn, bóng đá, võ thuật, cờ vua, cờ tướng, bơi… và các môn năng khiếu nghệ thuật như: thanh nhạc, múa, nhảy, khiêu vũ, đàn organ, guitar... thu hút đông đảo thiếu niên, nhi đồng đăng ký tham gia. Việc tổ chức các hoạt động hè phù hợp giúp trẻ em tránh xa tệ nạn xã hội, hạn chế sử dụng điện thoại thông minh và tận hưởng kỳ nghỉ hè vui tươi, ý nghĩa”.

Thời gian qua, ngoài việc tuyên truyền về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (Tổng đài 111) thuộc Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Yên Bái đã duy trì vận hành hiệu quả đường dây nóng bảo vệ trẻ em của tỉnh số 18001776 đặt tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh để tiếp nhận, tư vấn, can thiệp và hỗ trợ cho trẻ em về các vấn đề: phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em; khó khăn về chính sách và pháp luật; khó khăn trong các mối quan hệ ứng xử bạn bè, trong gia đình, nhà trường; các vấn đề về tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản; hỗ trợ tâm lý trực tiếp miễn phí cho trẻ em bị khủng hoảng nặng về tâm lý khi bị xâm hại, bạo lực, mua bán. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng can thiệp cho trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bóc lột, mua bán, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tham vấn ý kiến trẻ em thông qua điện thoại khi triển khai các văn bản pháp luật liên quan đến trẻ em.

Hàng năm, tỉnh còn duy trì tổ chức Diễn đàn trẻ em là một trong những hoạt động có ý nghĩa tích cực, tạo cơ hội cho thiếu niên và nhi đồng của tỉnh được nói lên tâm tư, nguyện vọng, thể hiện quyền và bổn phận của mình trong thực thi Công ước Quốc tế về quyền trẻ em và Luật Trẻ em năm 2016. Vừa qua, Diễn đàn trẻ em tỉnh Yên Bái năm 2024 được tổ chức với chủ đề "Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em” có sự tham gia của lãnh đạo các sở, ban, ngành; các thầy, cô giáo, anh, chị phụ trách, 80 trẻ em đại diện cho 254.000 trẻ em trong tỉnh. Các em đều là những trẻ em tiêu biểu đến từ các huyện, thị, thành phố và Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh.

Thông qua Diễn đàn trẻ em được thảo luận, đối thoại về những vấn đề mà các em quan tâm như: Trẻ em tham gia phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em; phòng, chống giảm thiểu tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông; bảo vệ trẻ em trên không gian mạng; phòng, chống biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai; phòng, chống tình trạng trẻ em lao động trái quy định của pháp luật...

Có thể thấy với sự quan tâm, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; đồng thời lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, khuyến nghị của trẻ em về các vấn đề quan tâm. Qua đó, giúp gia đình, nhà trường, xã hội thực hiện tốt hơn quyền trẻ em, các mục tiêu, chương trình hành động vì trẻ em; tăng cường giáo dục, định hướng xây dựng lối sống lành mạnh, chung tay bảo vệ trẻ em trên không gian mạng trong thời đại công nghệ số.

Bùi Minh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/325751/bao-ve-tre-em-tr111ng-thoi-dai-cong-nghe-so.aspx
Zalo