Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Trong sự 'bùng nổ' các nền tảng số hiện nay, việc sáng tạo nội dung sử dụng hình ảnh trẻ em ngày càng phổ biến trên phạm vi toàn cầu. Hầu hết người tạo ra và duy trì các kênh đó chính là cha mẹ, người giám hộ của trẻ em, với mục đích có thể là lưu trữ tư liệu gia đình, chia sẻ cảm xúc tích cực, hoặc thậm chí là để kiếm tiền chuyên nghiệp.
Tại Việt Nam, thời gian qua cũng đã xuất hiện những em bé “triệu view”, có lượng người theo dõi đông đảo, quảng cáo sản phẩm với mức thù lao tương đương nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng lâu năm trong nghề...
Mở các mạng xã hội phổ biến, không khó bắt gặp hình ảnh trẻ em tham gia livestream bán hàng, diễn tiểu phẩm, review (giới thiệu, đánh giá) đồ chơi... Có những em bé vừa chào đời đã được bố mẹ xây dựng cho kênh riêng công phu, bài bản, toàn bộ nội dung do bố mẹ thực hiện dựa trên sự ngây thơ, đáng yêu vốn có của con trẻ.
Khi các kênh này có nhiều lượt xem và chia sẻ, bố mẹ các em có thể bật tính năng kiếm tiền, hoặc nhận quảng cáo từ các nhãn hàng. Hiện nay, mức giá cho việc sử dụng hình ảnh em bé nổi tiếng dao động từ vài triệu cho tới cả trăm triệu đồng, tùy loại sản phẩm và lượng tương tác từng kênh. Nguồn thu hấp dẫn dễ dàng thúc đẩy nhiều người lớn liên tục sản xuất nội dung, đưa con trẻ lên mạng mà không ý thức được hoặc bất chấp những hậu quả lâu dài.
Ðể bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, Luật Trẻ em nghiêm cấm các hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ mà không được sự đồng ý của trẻ từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ. Song thực tế không ai có thể xác minh việc những đứa trẻ có hay không đồng ý, sẵn sàng để hình ảnh của mình được đưa lên mạng, hoặc các em còn quá nhỏ để được hỏi ý kiến.
Mới đây, một gia đình genZ rất nổi tiếng với giới trẻ trong vai trò influencer (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) đã nhận nhiều chỉ trích khi liên tục đưa con chạy show, yêu cầu thực hiện các động tác miễn cưỡng… Trước đó, một kênh YouTube nổi tiếng của một phụ nữ Việt sống tại Nhật Bản đã bị khóa bình luận, xóa video do thường xuyên để con xuất hiện, diễn xuất.
Hình ảnh em bé bị phát tán, bị chế quá nhiều khiến chính người mẹ tự tay đăng lên sau đó lại phải đưa thông điệp khẩn cầu cộng đồng mạng ngừng chia sẻ ảnh con mình. Sự nổi tiếng và thu nhập cao kết thúc, nhưng hậu quả để lại vẫn chưa thể đo lường hết.
Từ những “hiện tượng” sớm nổi tiếng trên mạng và cũng sớm gặp thị phi trên thế giới và ở Việt Nam, các chuyên gia tâm lý, giáo dục cũng như người dùng mạng có trách nhiệm đều khuyến cáo việc đăng tải tràn lan hình ảnh, video trẻ em, đặc biệt là hình ảnh nhạy cảm hoặc thiếu kiến thức chuyên môn, có thể khiến trẻ em bị xâm phạm thể chất, tinh thần dưới nhiều hình thức.
Dễ thấy nhất là việc khuôn mặt, danh tính của trẻ em bị thu thập, sử dụng cho các công cụ AI, deepfake để tạo tin giả, lừa đảo. Tiếp đó là sự thiệt thòi cho những em bé đang ở độ tuổi phát triển nhận thức, khám phá một cách tự nhiên nhưng lại bị biến thành “diễn viên” bất đắc dĩ, phải hành động theo yêu cầu của cha mẹ, theo kịch bản.
Ranh giới trở nên mong manh giữa giám hộ, hỗ trợ và bóc lột sức lao động trẻ em theo kiểu mới. Thêm vào đó, những gì đã đăng tải lên mạng sẽ lưu lại lâu dài và lan truyền không thể kiểm soát, trong đó có những lời chê bai, miệt thị, đàm tiếu tiêu cực mà sau này khi lớn lên các em sẽ tiếp cận được. Khi chưa đủ hiểu biết, bản lĩnh, những em bé nổi tiếng quá sớm có thể sẽ không biết cách ứng xử phù hợp, thậm chí gặp rắc rối về tâm lý.
Mặt tối của ngành sáng tạo nội dung số liên quan đến xu hướng sử dụng trẻ em là chủ đề vẫn đang được tranh luận khắp thế giới. Chỉ một số ít quốc gia có quy định pháp lý về độ tuổi, hoặc các ràng buộc bảo đảm quyền lợi cho trẻ em khi tham gia hoạt động quảng cáo, đóng phim...
Tại Việt Nam, Thông tư số 09/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông có một số yêu cầu bắt buộc khi đăng, phát tin, bài, chương trình, xuất bản phẩm liên quan đến trẻ em. Cụ thể, việc sử dụng hình ảnh của trẻ em dưới 7 tuổi phải được sự cho phép của cha mẹ hoặc người giám hộ. Tuy nhiên, quy định chỉ tác động đến các thương hiệu, công ty quảng cáo, còn với chính cha mẹ, người giám hộ trẻ em thì tùy thuộc nhận thức.
Phụ huynh chỉ nên có mục đích lưu giữ những khoảnh khắc hạnh phúc, không nên ép trẻ chụp ảnh, quay phim theo ý mình, tránh làm ảnh hưởng đến việc vui chơi, học tập, giải trí. Còn những người làm nghề sáng tạo nội dung số chuyên nghiệp phải tuân thủ luật pháp và các nguyên tắc đạo đức.
Sự gia tăng số lượng “ngôi sao nhí” trên mạng và một thế hệ phụ huynh kiêm quản lý tài khoản cho con mình là tất yếu, tuy nhiên lựa chọn thế nào để giữ an toàn trên mạng, cho con tuổi thơ bình thường và tránh những ảnh hưởng xấu đến tương lai đòi hỏi sự tỉnh táo, thận trọng của các bậc cha mẹ.