Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao được tổ chức mới đây, các nhà báo đã nêu câu hỏi về việc Mỹ bàn giao 5 máy bay huấn luyện T-6C cho Việt Nam. Đó là máy bay huấn luyện thế hệ mới, được phía Mỹ bàn giao cho Việt Nam tại sân bay Phan Thiết, ngày 20/11.

Những bức ảnh sau đó được thông tin trên báo chí cho thấy trong lễ bàn giao, trong số quan chức ngoại giao và lực lượng Không quân của hai nước, có cả sự hiện diện của Đại tướng Kevin B. Schneider - Tư lệnh lực lượng Không quân Thái Bình Dương Mỹ.

Một vài thông tin ban đầu cho biết T-6C là máy bay một động cơ turbine cánh quạt, thường được sử dụng để đào tạo phi công và hiện là một trong những máy bay huấn luyện hiện đại, được nhiều nước ưa chuộng. Cụ thể như không quân Mexico, không quân Hoàng gia Anh, không quân Hoàng gia Morocco, không quân Hoàng gia New Zealand... đều đang sử dụng loại máy bay này để huấn luyện.

Còn nhớ, trước đó, nhân dịp dự Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 (tổ chức đầu tháng 12/2022), trong buổi gặp mặt bàn tròn với báo chí, Chuẩn tướng Sarah H. Russ - Trợ lý Huy động lực lượng của Cục trưởng về Chiến lược, Kế hoạch Chương trình và các yêu cầu, thuộc không quân Thái Bình Dương, Mỹ, đã thông tin về việc chuyển giao thiết bị quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan mô hình sản phẩm vũ khí, khí tài tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan mô hình sản phẩm vũ khí, khí tài tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022.

Theo đó, từ năm 2024-2027, Mỹ sẽ chuyển giao cho Việt Nam khoảng 12 máy bay huấn luyện T-6. Liên quan đến chuyển giao thiết bị quốc phòng này thì Việt Nam đã cử 2 phi công tham gia khóa đào tạo dài 52 tuần với máy bay T-6 Texan II trong Chương trình Lãnh đạo hàng không (ALP) của không quân Mỹ.

Những chiếc T6-C mà Không quân Mỹ đã và sẽ bàn giao cho Việt Nam là trên cơ sở thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa hai nước, như Biên bản ghi nhớ thúc đẩy hợp tác quốc phòng năm 2011, Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng năm 2024. Những hoạt động hợp tác này nằm trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình hợp tác và phát triển bền vững đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Nhưng, trong những tháng cuối năm 2024, Việt Nam không chỉ có hoạt động đối ngoại quốc phòng riêng với Mỹ. Nhận lời mời của Đại tướng Tea Seiha - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam thăm chính thức Vương quốc Campuchia, tham dự cuộc gặp giữa 3 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam - Lào - Campuchia và chứng kiến Diễn tập cứu nạn, cứu hộ chung giữa quân đội 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia từ ngày 23 đến 26/11.

Ngay trước chuyến đi này, từ ngày 19 đến 21/11, Đại tướng Phan Văn Giang cũng đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) lần thứ 18, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 11, cùng các cuộc gặp không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN-Trung Quốc và ASEAN - Mỹ tại Vientiane (Lào) theo lời mời của Đại tướng Chansamone Chanyalath - Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào. Trong các sự kiện này thì ADMM+ được đánh giá là “hình mẫu hợp tác quốc phòng đa phương tiêu biểu”.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang chào xã giao Thủ tướng Campuchia Hun Manet, ngày 24/11/2024.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang chào xã giao Thủ tướng Campuchia Hun Manet, ngày 24/11/2024.

Diễn tập song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc năm 2024 (VINBAX 2024) lần thứ 5 đã diễn ra thành công tại trụ sở Lữ đoàn Công binh 474, Chandi Mandir, bang Haryana, Ấn Độ và sau gần trọn một tháng diễn tập thì lễ bế mạc đã diễn ra trọng thể tại bang Haryana vào ngày 22/11.

Cùng thời điểm này, nhân dịp Tổng Bí thư Tô Lâm và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Malaysia từ ngày 21 đến 23/11, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đình Hùng - Phó Tư lệnh Hải quân nhân dân Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ với Đô đốc Datuk Zulhelmy Ithnain - Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Malaysia.

Tại cuộc gặp này, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đình Hùng và Đô đốc Datuk Zulhelmy Ithnain đã trao đổi về việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa hải quân hai nước thời gian tới, nhất trí tiếp tục thúc đẩy trao đổi về việc xây dựng Thỏa thuận thiết lập cơ chế tuần tra liên hợp trên biển và kênh thông tin liên lạc giữa hải quân hai nước nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên vùng biển giáp ranh và ứng phó hiệu quả với những thách thức an ninh phi truyền thống.

Vietnam Defence 2024 là Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 đã được chốt lịch diễn ra từ ngày 19 đến 22/12 tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội). Đây là một hoạt động trọng điểm, tạo điểm nhấn mang ý nghĩa, tầm vóc quốc tế, nhằm tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, tạo dựng lòng tin giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

Vietnam Defence 2024 còn là nơi để các nước chia sẻ về chính sách, đường lối đối ngoại quốc phòng; chủ trương xây dựng quân đội và phát triển nền công nghiệp quốc phòng; tạo điều kiện để các quốc gia, các công ty, doanh nghiệp trong nước, quốc tế giới thiệu, trưng bày sản phẩm, tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác; tiếp nhận, chuyển giao công nghệ để sản xuất trang bị kỹ thuật, trang bị hậu cần đáp ứng yêu cầu của các lực lượng vũ trang; tìm hiểu xu hướng phát triển của vũ khí, trang bị kỹ thuật trên thế giới để đề xuất, lựa chọn mua sắm, sản xuất, cải tiến vũ khí trang bị cho quân đội...

Đến thời điểm này thì thông tin bước đầu cho biết ban tổ chức của Vietnam Defence 2024 đã nhận được đăng ký thăm Việt Nam và dự triển lãm của khách quốc tế, tính đến thời điểm hiện tại đã có 42 đoàn chính thức đăng ký sang thăm Việt Nam và dự triển lãm. Gian hàng triển lãm của các doanh nghiệp quốc phòng trong nước và quốc tế sẽ trưng bày, giới thiệu các phương tiện chiến đấu, giải pháp công nghệ, vũ khí, trang bị sử dụng cho lực lượng Hải quân, Lục quân, Phòng không - Không quân, tác chiến không gian mạng và các trang thiết bị hậu cần, kỹ thuật. Riêng gian hàng của Việt Nam lần này sẽ được trưng bày, giới thiệu các sản phẩm do các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng và các công ty thương mại, dịch vụ của Bộ Quốc phòng nghiên cứu, chế tạo.

Một vài sự kiện như thế để thấy hoạt động đối ngoại quốc phòng của nước ta đang diễn ra rất sôi động. Trong pháp luật Việt Nam, Điều 14, Luật Quốc phòng năm 2018 nói rõ đối ngoại quốc phòng là để thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Luật Quốc phòng năm 2018 cũng quy định rõ về nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng gồm 4 nội dung chính: Một là, thiết lập, phát triển quan hệ quốc phòng với các quốc gia có chủ quyền và các tổ chức quốc tế. Hai là, xây dựng, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế; thực hiện đối thoại về quốc phòng; xây dựng, củng cố lòng tin, sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, tình đoàn kết giữa Quân đội nhân dân Việt Nam với quân đội các nước trên thế giới. Ba là, tham gia xây dựng và thực thi các cơ chế hợp tác quốc phòng song phương, đa phương, khu vực, liên khu vực và toàn cầu vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển. Bốn là, thông tin đối ngoại về quốc phòng.

Các chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 và Đội Công binh số 3 xuất quân tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan và khu vực Abyei, tháng 9/2024.

Các chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 và Đội Công binh số 3 xuất quân tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan và khu vực Abyei, tháng 9/2024.

Trong thực tiễn, những gì Đảng và Nhà nước đã và đang làm cũng chứng minh rằng Việt Nam luôn chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình. Đây cũng là định hướng chiến lược nhằm kiến tạo, củng cố môi trường, điều kiện quốc tế thuận lợi phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhờ luôn chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng nên nhiều mối quan hệ quốc phòng song phương giữa Việt Nam với các nước đã được củng cố, đi vào chiều sâu, ổn định, vững chắc; nhất là quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước bạn bè truyền thống. Hợp tác quốc phòng đa phương cũng có những bước phát triển thực chất, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng lòng tin chiến lược, thúc đẩy xu thế hòa bình, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, xung đột quân sự.

Dẫn tạm một vài số liệu như sau để có thể hình dung ra phần nào toàn cảnh về hoạt động đối ngoại quốc phòng của Việt Nam: Đã thiết lập quan hệ đối ngoại quốc phòng với hơn 100 quốc gia, đã đặt 33 cơ quan Tùy viên quốc phòng thường trú tại các nước và tại trụ sở Liên hợp quốc; 52 nước đã đặt cơ quan Tùy viên quốc phòng, Tùy viên quân sự tại Việt Nam. Việt Nam đã cử 516 lượt cán bộ, nhân viên tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại các phái bộ ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và trụ sở Liên hợp quốc...

Trong hoạt động đối ngoại quốc phòng, Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 cũng chỉ rõ chính sách quốc phòng của Việt Nam là “4 không”: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Rõ hơn nữa là với các văn bản như Nghị quyết số 34-CT/TW, ngày 9/1/2023, của Bộ Chính trị, “về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng”; Kết luận số 53-KL/TW, ngày 28/4/2023, của Bộ Chính trị, “về Chiến lược hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo”; Nghị quyết số 44-NQ/TW, ngày 24/11/2023, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, “về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” và Đề án xây dựng Trung tâm điều phối quốc gia về gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã xác định rõ các cấp độ đối ngoại quốc phòng của Việt Nam phải phù hợp và tương thích với mức độ quan hệ hợp tác với từng đối tác cụ thể.

Cho dù ở trong điều kiện nào thì phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” được Việt Nam quán triệt là phải bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc và độc lập, tự chủ; đồng thời, tích cực tạo lập thế trận giữa quốc phòng, an ninh với đối ngoại vững chắc dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng và sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước.

Bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp

Văn kiện của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”.

Đây chính là một trong những quan điểm cốt lõi để bảo vệ và phát huy thành quả cách mạng, mà cụ thể là Đảng ta xác định bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp của Nhà nước xã hội chủ nghĩa và của nhân dân, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước. Quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thắng lợi những chủ trương, quan điểm của Đảng về nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; nhằm thực hiện kế sách giữ nước từ sớm, từ xa; không để bị động, bất ngờ, bảo đảm luôn chủ động về chiến lược trong mọi tình huống; Bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc bằng việc giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước; cùng với đó, chúng ta còn tích cực tham gia bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Lương Duy Cường

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/bao-ve-to-quoc-tu-som-tu-xa-i751706/
Zalo