Bảo vệ thủy sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Cũng như các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khác, sản xuất thủy sản bị tác động không nhỏ bởi thời tiết. Đặc biệt, trong mùa nắng nóng, mưa lũ, do những biến đổi bất thường về nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa… là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp làm cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển và phát tán, đồng thời gây nên các hiện tượng

Cũng như các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khác, sản xuất thủy sản bị tác động không nhỏ bởi thời tiết. Đặc biệt, trong mùa nắng nóng, mưa lũ, do những biến đổi bất thường về nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa… là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp làm cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển và phát tán, đồng thời gây nên các hiện tượng "sốc môi trường” cho động vật thủy sản, mầm bệnh có nhiều cơ hội xâm nhập vào cơ thể động vật thủy sản để gây bệnh.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh thu mẫu quan trắc cảnh báo môi trường vùng nuôi thủy sản trên hồ Hòa Bình.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh thu mẫu quan trắc cảnh báo môi trường vùng nuôi thủy sản trên hồ Hòa Bình.

Gia đình anh Đinh Văn Linh, xóm Tráng, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong có trên 10 năm gắn bó với nghề nuôi cá lồng với quy mô 15 lồng nuôi. Anh Linh chia sẻ: "Qua thực tế sản xuất, gia đình hiểu rõ giai đoạn chuyển mùa là thời điểm cá nuôi dễ bị tổn thương, thiệt hại do những yếu tố khách quan gây ra. Do đó đã chủ động các biện pháp, thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, tình hình chăn nuôi cá lồng ở phía thượng nguồn để có thể chủ động các phương án nhằm đảm bảo an toàn cho đàn cá nuôi, giảm thiểu rủi ro, thiệt hại”.

Bên cạnh những cơ sở nuôi cá lồng quy mô vừa và lớn còn nhiều hộ dân nuôi cá quy mô nhỏ lẻ, từ 3 - 5 lồng. Hiện nay, nhu cầu của thị trường vẫn khá lớn, tuy nhiên, với mô hình hộ gia đình, việc đầu tư nuôi cá lồng đòi hỏi chi phí lớn, thời gian nuôi dài, quy trình chăm sóc nghiêm ngặt. Người dân chủ yếu chăm sóc, phòng bệnh cho cá theo cách truyền thống nên hiệu quả mang lại không cao.

Hiện toàn tỉnh có 2.700 ha diện tích mặt nước ao, hồ và trên 5.000 lồng nuôi cá. Lượng mưa đầu năm thấp hơn trung bình nhiều năm làm mực nước trên các sông, hồ giảm mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động nuôi thủy sản lồng, bè. Đặc biệt vào giai đoạn chuyển mùa, các yếu tố môi trường biến động mạnh kết hợp với hiện tượng mưa lũ gây ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cá nuôi lồng, bè. Để bảo vệ các đối tượng thủy sản nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế thấp nhất tác động bất lợi của thời tiết, thời gian qua, ngành chức năng tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người nuôi đăng ký lồng, bè theo quy định. Đồng thời tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường, làm tốt công tác kiểm soát, phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động nuôi cá lồng, bè.

Ông Vũ Hồng Quân, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hòa Bình cho biết: "Sau những đợt nắng nóng, khô hạn kéo dài thường xảy ra các đợt mưa dông, lốc, sét kèm theo mưa đá, gió mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng. Mưa xuống nước tiểu mãn lên, nước đầu mùa thường ô nhiễm nên cần phải tiến hành các biện pháp quản lý, chăm sóc động vật thủy sản”.

Một số biện pháp để ổn định môi trường lồng nuôi và hạn chế tác động xấu đến sản xuất thủy sản: Thường xuyên vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ, thông thoáng để lưu thông nước trong và ngoài lồng nhằm tăng cường oxy hòa tan trong nước, giảm vật bám, chất bẩn trong lồng. Treo túi vôi ở lồng nuôi để khử trùng, cải thiện môi trường nuôi. Cùng với đó, bố trí khoảng cách bè nuôi giữa các cụm cách nhau 10m, không bố trí bè nuôi quá dày, cản trở dòng chảy, làm oxy hòa tan vào nước trong bè nuôi cá giảm.

Khi mực nước trên sông/hồ giảm, cần hạ thấp lồng nuôi hoặc di chuyển lồng nuôi đến nơi có mực nước sâu để đảm bảo độ sâu lồng nuôi luôn ở mức 2,5 - 3,0m nhằm giảm sự tác động của nhiệt độ. Theo dõi, kiểm tra hoạt động cá nuôi hàng ngày, bố trí dụng cụ, thiết bị tăng cường oxy hòa tan trong nước (máy bơm, sục khí…) để xử lý kịp thời khi phát hiện có hiện tượng thiếu oxy (cá nổi đầu).

Người chăn nuôi cần bổ sung vitamin, chất khoáng, vi chất vào khẩu phần ăn của thủy sản nuôi để nâng cao sức đề kháng với diễn biến tiêu cực của dịch bệnh, môi trường.

Cho cá ăn vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều mát. Khi nhiệt độ nước trên 350C thì giảm lượng thức ăn xuống 1/3 so với bình thường. Ngừng cho cá ăn ở những thời điểm nắng nóng, môi trường nước trên 39 - 400C. Trường hợp sử dụng cá tép dầu làm thức ăn cần phải được nấu chín.

Tiến hành thu tỉa khi cá nuôi đạt kích cỡ thương phẩm để giảm mật độ nuôi trong lồng. Hạn chế đánh bắt, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng, thời điểm nóng nhất trong ngày.

Khi cá có dấu hiệu bệnh lý (bơi lờ đờ, giảm ăn, bơi vòng tròn) ngừng cho ăn và thông báo với cơ quan chuyên môn để xác định nguyên nhân và tìm hướng điều trị.

Với việc chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn cho thủy sản mùa nắng nóng, mưa lũ sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh, hướng tới phát triển nghề ổn định, bền vững.

Thanh Hằng (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/201302/bao-ve-thuy-san-mua-nang-nong,-mua-lu.htm
Zalo