Bảo vệ thương hiệu: Doanh nghiệp cần tăng sức 'đề kháng' để đẩy lùi hàng giả
Hàng giả, hàng nhái ngày càng được sản xuất tinh vi, len lỏi khắp thị trường. Trong cuộc chiến này, bên cạnh nỗ lực của lực lượng chức năng, sự chủ động của doanh nghiệp và nhận thức từ người tiêu dùng đang trở thành yếu tố sống còn.

Cán bộ Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước trực tiếp kiểm tra những "điểm nóng" về buôn lậu, hàng giả. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tình trạng sản xuất hàng giả, hàng nhái diễn ra phức tạp trên phạm vi cả nước gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp làm ăn chân chính... Đặc biệt, hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc có xu hướng gia tăng.
Trước thực trạng trên, để ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn hàng giả, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của lực lượng chức năng thì sự vào cuộc mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp cũng là giải pháp hữu hiệu để làm lành mạnh thị trường, ngăn ngừa từ gốc những vi phạm.
Hàng giả, hàng nhái ngày càng được làm tinh vi
Là đơn vị có lịch sử kinh doanh phân phối mỹ phẩm tại Việt Nam 25 năm nay, ông Trần Việt Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ngôi sao châu Âu (Eurostars JSC) - đơn vị độc quyền phân phối các sản phẩm nhãn hiệu Tesori d’Oriente tại Việt Nam cho biết doanh nghiệp của mình gặp nhiều vấn đề về hàng giả, hàng kém chất lượng.
Thông tin thêm, theo ông Hải, trước đây, các đối tượng này đã làm giả giấy tờ nguồn gốc nước ngoài để đưa ra thị trường hàng trăm nghìn sản phẩm giả mà công ty độc quyền phân phối. Nhờ sự phối hợp với các lực lượng quản lý thị trường và y tế, ba nhóm đối tượng làm giả hàng của công ty đã bị đưa ra tòa.
“Gần đây, có một số hành vi làm giả tinh vi hơn với những sản phẩm đưa ra thị trường “nhái” y hệt từ tem nhãn đến mã QR… và được bán với giá thấp hơn khiến người tiêu dùng không phân biệt được.Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp cơ quan chức năng để xử lý những trường hợp này,” ông Trần Việt Hải khẳng định.
Trong khi đó, hành trình chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ cũng để lại cho Công ty cổ phần Dược phẩm Thái Minh nhiều kinh nghiệm quý báu.
Ông Hàn Ngọc Anh, Giám đốc Điều hành Công ty cổ phần Dược phẩm Thái Minh chia sẻ hơn 10 năm trước, khi đó Thái Minh còn là công ty nhỏ, chưa lo ngại đến vấn đề hàng giả. Trong một hội nghị, khách hàng đề nghị doanh nghiệp có giải pháp hỗ trợ khi mua số lượng lớn. Từ đó, Thái Minh triển khai chương trình đổi vỏ lấy quà để hỗ trợ khách hàng dùng lâu dài.
“Thời điểm đó, rất nhiều khách hàng của Thái Minh đã thực hiện đổi vỏ để lấy sản phẩm mới với mức giá ưu đãi tốt. Khách hàng ngày một nhiều hơn, từ đó, doanh nghiệp phải nghĩ cách để bảo vệ sản phẩm của mình, do vậy Thái Minh đã thực hiện cài mã định danh cho sản phẩm," ông Hàn Ngọc Anh thông tin.

Qua kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ nhiều sản phẩm giả nhãn hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Chia sẻ thêm, theo ông Hàn Ngọc Anh, khoảng 2-3 năm sau khi áp dụng chương trình này, một ngày nọ, nhân viên của công ty báo cáo rằng có 5 mã số từ cùng một số điện thoại tích điểm cùng một mã thiết bị. Đây là một dấu hiệu bất thường và công ty đã điều tra. Kết quả là công ty phát hiện sản phẩm của mình đang bị làm giả, thậm chí trên bao bì còn không có tem chính hãng.
“Điểm khác biệt của Thái Minh là doanh nghiệp có một hệ thống giúp khách hàng khi nhận sản phẩm có thể cào lớp phủ để kiểm tra mã và xác minh đó có phải hàng thật hay không. Có những sản phẩm mà tỷ lệ khách hàng kiểm tra lên đến 80%. Điều này có nghĩa là khi sản phẩm của Thái Minh đến tay người tiêu dùng, có tới 80% trong số họ đã kiểm tra. Khi đạt được tỷ lệ như vậy, khả năng mà các gian thương dám làm giả sản phẩm của chúng tôi là rất thấp vì họ sẽ rất e ngại,” đại diện Công ty cổ phần Dược phẩm Thái Minh chia sẻ thêm.
Tăng cường bảo vệ thương hiệu
Báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cũng cho thấy, tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ngày càng được sản xuất quy mô lớn có dấu hiệu tăng dần, các hành vi gian lận thương mại ngày một tinh vi, phức tạp, khó kiểm soát.
Ngoài việc sản xuất buôn bán hàng giả các sản phẩm của các doanh nghiệp chân chính, hiện nay xuất hiện nhiều phương thức giả về chất lượng sản phẩm của chính mình sản xuất như: không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện về chất lượng, hàm lượng, định lượng không đúng với các quy định của pháp luật khi đưa sản phẩm ra thị trường, đặc biệt nhóm hàng hóa này rơi nhiều vào nhóm hàng hóa được tự công bố và chịu trách nhiệm của thương nhân chủ nhãn hiệu hàng hóa.
Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2025, các đơn vị chức năng và các địa phương đã bắt giữ, xử lý 50.736 vụ việc vi phạm; thu nộp ngân sách hơn 6.532,6 tỷ đồng (tăng 7,68% so với cùng kỳ); khởi tố hình sự 1.875 vụ (tăng 188,46% so với cùng kỳ), 3.235 đối tượng (tăng 69,11% so với cùng kỳ).
Riêng trong tháng cao điểm (từ 15/5 đến 15/6), các đơn vị, địa phương đã bắt giữ, xử lý 10.437 vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (tăng 80,51% so với tháng trước đó), trong đó có 1.936 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (tăng 173,45%); 6.870 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế (tăng 50,72%); 1.631 vụ hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (tăng 216,09%).
Với diễn biến từ thực tế cho thấy khi có sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng, vấn nạn hàng giả sẽ không có cơ hội để lộng hàng và len lỏi vào thị trường nội địa.
Ông Dương Mạnh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng trong bối cảnh các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, người dân cần lựa chọn các trang web uy tín, mua sản phẩm chính hãng và tham khảo kỹ đánh giá, phản hồi, bình luận từ người dùng khác về chất lượng của sản phẩm đó trước khi quyết định mua.
Đại diện Chi Cục Quản lý thị trường cũng đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ sản phẩm của mình thông qua việc sử dụng mã QR để người tiêu dùng có thể tự kiểm tra, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Việc đấu tranh với vấn nạn hàng giả sẽ được cơ quan chức năng đẩy mạnh trong thời gian tới. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhằm ngăn chặn, đấu tranh với vấn nạn hàng giả, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước đẩy mạnh giám sát thị trường thông qua công nghệ số, kết nối dữ liệu liên thông và hoàn thiện cơ chế pháp lý phù hợp với đặc thù thương mại hiện đại, đặc biệt là thương mại điện tử.
Cùng với đó, lực lượng sẽ triển khai các chuyên đề kiểm tra hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục được triển khai, song song với hoạt động tuyên truyền, ký cam kết với tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật.
Trong khi đó, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 Thành phố, ủy ban nhân dân các xã, phường cương quyết xử lý triệt để đối với các vấn đề liên quan đến sức khỏe và an toàn của người dân như: thực phẩm bẩn, dược phẩm, mỹ phẩm…
Lãnh đạo thành phố cũng lưu ý các lực lượng tập trung tăng cường kiểm tra đột xuất các địa bàn, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm, nhất là kinh doanh trên thương mại điện tử, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao ý thức, trách nhiệm, ý thức của người dân và doanh nghiệp “nói không” với hàng giả; hỗ trợ người dân và doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, đăng ký sở hữu trí tuệ, sản xuất, kinh doanh đúng chất lượng, công bố đối với sản phẩm theo quy định./.