Bảo vệ rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái ở thôn Khun

BHG - Hơn 10 năm qua, nhờ thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), người dân ở thôn Khun, xã Bằng Lang (Quang Bình) được hưởng lợi từ rừng. Đồng bào các dân tộc Tày, Dao nơi đây coi rừng là tài nguyên vô cùng quý giá, chủ động tham gia giữ gìn, bảo vệ và phát triển rừng để tạo sinh kế bền vững.

Sáng sớm, khi sương vẫn còn phủ mờ trên sườn núi, tổ bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng gắn với phát triển Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Khun đã tập trung đông đủ. Tổ có 15 người, chia thành các nhóm nhỏ, luân phiên tuần tra khắp các tuyến rừng trong địa bàn thôn. Vào mùa khô, đối diện với nguy cơ cháy rừng tăng cao, mỗi tuần tổ có ít nhất 5 người được phân công tuần rừng trong 2 - 3 ngày liên tục. Đường tuần rừng chia thành 4 tuyến khác nhau, với tổng chiều dài khoảng 15 km. Công việc dù rất vất vả, trèo đèo, lội suối, khó khăn, hiểm trở nhưng các thành viên xác định đây là việc chung của cả thôn và đều phát huy tinh thần, trách nhiệm cao nhất.

Kiểm lâm huyện Quang Bình tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ rừng cho người dân thôn Khun, xã Bằng Lang.

Kiểm lâm huyện Quang Bình tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ rừng cho người dân thôn Khun, xã Bằng Lang.

Là một trong những người gắn bó lâu năm với công việc tuần tra rừng thôn Khun, anh Nông Văn Tuyên chia sẻ: “Tôi quen với việc ở lại rừng vài ngày, ngủ lán tạm qua đêm. Cũng vì thường xuyên đi rừng nên tôi thuộc lòng từng khe suối, đồi dốc, lối mòn rừng. Tôi tham gia tuần rừng để cùng các thành viên kiểm tra từng dấu vết có dấu hiệu chặt phá, săn bắt động vật, phát đường băng cản lửa điểm dễ phát sinh cháy rừng. Chúng tôi làm nhiệm vụ này để rừng mãi xanh tươi, vì dân làng, con cháu mình và cho muôn đời sau”.

Thôn Khun hiện đang quản lý hơn 1.026 ha rừng, nơi rừng đầu nguồn nguyên sinh vẫn còn những cây gỗ quý cổ thụ thuộc dòng Trò chỉ, Sến, Táu, Kháo, nhiều cây tuổi đời hàng trăm năm, thân lớn, người ôm không xuể. Dưới tán rừng là thảm thực vật phong phú, với các loại dược liệu như cỏ máu, Thiên niên kiện, Sâm xuyên đá, Gắm, Hoàng tinh, cùng đa dạng động vật hoang dã. Nhờ giữ rừng tốt, trong rừng còn 7 nguồn nước chính, 8 nguồn nước phụ, đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho 185 hộ dân của thôn và cho các vùng lân cận.

Tổ bảo vệ rừng thôn Khun, xã Bằng Lang (Quang Bình) tham gia tuần rừng.

Tổ bảo vệ rừng thôn Khun, xã Bằng Lang (Quang Bình) tham gia tuần rừng.

Gắn quyền lợi với trách nhiệm, việc giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng thôn Khun được tổ chức bài bản. Nguồn thu DVMTR chi trả cho thôn vài năm gần đây đạt khoảng 350 triệu đồng/năm. Khoản tiền này được công khai, minh bạch, dân bàn, dân quyết, phần chi cho hoạt động tuần tra, mỗi chuyến đi tuần rừng các thành viên được hỗ trợ 300.000 đồng/người, phần còn lại chi cho các công trình phúc lợi xã hội. Trong 2 năm qua, thôn đã sử dụng nguồn tiền để làm đường, giúp các hộ nghèo cải thiện nhà ở, kéo điện năng lượng mặt trời và xây dựng cống thoát nước. Thôn cũng đang mở rộng tuyến đường từ xóm 1 ra cổng làng dài 2 km, rộng 5 m. Dự kiến năm nay, thôn tiếp tục làm thêm 1 km đường nối liền ra trung tâm xã, tổng kinh phí ước tính hơn 1 tỷ đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sản xuất, giao thương hàng hóa, phát triển du lịch của người dân địa phương.

Anh Nông Văn Dược, trưởng thôn Khun cho biết: “Cùng với giữ rừng, người dân trong thôn tích cực tái đầu tư trồng rừng sản xuất, sau mỗi đợt khai thác, có hộ thu nhập đạt trên 100 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, chúng tôi đang bắt đầu khai thác tiềm năng du lịch trải nghiệm rừng. Mới đầu, thôn đã đón một số đoàn khách trong và ngoài nước đến khám phá rừng vầu Nà Lang, trải nghiệm đồi Khau Khéo và những nơi có cảnh quan kỳ vĩ, bí ẩn. Những chuyến đi như vậy vừa tạo thêm thu nhập cho các thành viên tổ bảo vệ rừng, vừa giới thiệu, quảng bá, lan tỏa hình ảnh của thôn như một điểm đến du lịch sinh thái bền vững”.

Mô hình cộng đồng bảo vệ rừng ở thôn Khun đang cho thấy hiệu quả rõ rệt, không để xảy ra các hành vi xâm hại đến rừng. Bằng những cách làm hay, sáng tạo, mô hình là cơ sở để tuyên truyền, nhân rộng đến các địa phương khác có điều kiện tương tự, giúp người dân ngày càng gắn bó với rừng để rừng luôn xanh ngát bao la, che chở xóm làng bình yên.

Bài, ảnh: MỘC LAN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202505/bao-ve-rung-gan-voi-phat-trien-du-lich-sinh-thai-o-thon-khun-d647f61/
Zalo