Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhằm tránh rủi ro
Sở hữu trí tuệ (SHTT) là một trong những vấn đề trong kinh doanh được nhiều người quan tâm, phát triển và bảo vệ. Kéo theo đó là thực trạng tranh chấp liên quan đến SHTT ngày càng trở nên phổ biến.
Việc bảo vệ quyền SHTT không chỉ góp phần giảm thiểu tổn thất cho các nhà sản xuất, mà còn thúc đẩy sự phát triển sản xuất, kinh doanh hợp pháp, cạnh tranh lành mạnh.
Tranh chấp sở hữu trí tuệ phổ biến
SHTT là kết quả của quá trình sáng tạo, đầu tư trí tuệ, công sức, tiền bạc của cá nhân, tổ chức với mong muốn đạt được những lợi ích nhất định. Để bảo vệ thành quả lao động của cá nhân, tập thể và nhằm ngăn chặn tình trạng bị đánh cắp các phần mềm, kỹ thuật, nghiên cứu khoa học…, nhiều cá nhân, tập thể khi phát hiện sản phẩm của mình bị sao chép đã khởi kiện ra tòa.
Trong đó, việc tranh chấp SHTT thường liên quan đến các công ty nước ngoài và chủ yếu trong lĩnh vực phần mềm.
Đơn cử, vào năm 2018, Công ty S. (địa chỉ đăng ký tại Mỹ, văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh) đã khởi kiện Công ty T. (địa chỉ ở thành phố Biên Hòa) về tranh chấp SHTT.
Theo nguyên đơn, Công ty S. đã tạo ra phần mềm N.X. liên quan đến việc thiết kế sản phẩm. Sau đó, Công ty S. phát hiện Công ty T. đã có hành vi sao chép, sử dụng trái phép các phần mềm không bản quyền của Công ty S. nên đã khởi kiện buộc Công ty T. chấm dứt hành vi sử dụng phần mềm của Công ty S. và bồi thường thiệt hại hơn 2 tỷ đồng.
Trong quá trình giải quyết vụ việc, Công ty T. thừa nhận vi phạm về bản quyền tác giả đối với phần mềm N.X. Do đó, sau quá trình giải quyết vụ án, đến năm 2024, Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên bố Công ty T. sử dụng phần mềm không được phép là xâm phạm quyền tác giả đối với phần mềm máy tính của Công ty S., buộc Công ty T. chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi công khai và bồi thường số tiền hơn 2 tỷ đồng cho Công ty S.
Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp đã được pháp luật bảo vệ sản phẩm, nhãn hiệu hàng hóa một cách kịp thời, giúp người tiêu dùng tránh nhầm lẫn khi lựa chọn sản phẩm. Điển hình như Công ty K.D. Đài Loan (địa chỉ tại Đài Loan, văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh) đã khởi kiện Công ty K.Đ. Đồng Nai (địa chỉ ở huyện Trảng Bom) về tranh chấp SHTT.
Theo trình bày, Công ty K.D. Đài Loan đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với các sản phẩm lốp, săm ô tô… nhãn hiệu K.D. Tuy nhiên, vào năm 2015, Công ty K.D. Đài Loan phát hiện Công ty K.Đ. Đồng Nai sản xuất sản phẩm săm, lốp xe thương hiệu K.Đ. bán ra thị trường Việt Nam và vì thương hiệu K.Đ. và K.D. giống nhau nên đã gây nhầm lẫn cho khách hàng khi chọn mua sản phẩm. Trong khi thương hiệu K.Đ. không đăng ký nhãn hiệu hàng hóa nên Công ty K.D. Đài Loan yêu cầu Công ty K.Đ. Đồng Nai chấm dứt việc sản xuất sản phẩm sử dụng nhãn hiệu K.Đ.
Sau quá trình thu thập chứng cứ, xác minh thông tin, vào cuối năm 2023, Tòa án nhân dân tỉnh đã chấp nhận khởi kiện của Công ty K.D. Đài Loan và yêu cầu Công ty K.Đ. Đồng Nai phải chấm dứt việc sử dụng nhãn hiệu K.Đ. trên sản phẩm, buộc công khai xin lỗi.
Hành vi xâm hại đến quyền SHTT có thể khiến cá nhân, pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự. Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định 2 tội danh về hành vi xâm phạm quyền SHTT là tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 225) và tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 226). Đối với cá nhân có thể bị phạt tù lên đến 5 năm; pháp nhân thương mại có thể bị xử phạt đến 5 tỷ đồng và cấm kinh doanh đến 3 năm.
Chú trọng bảo vệ thành quả lao động trí tuệ
Theo một thẩm phán của TAND tỉnh, việc bảo vệ quyền SHTT hiệu quả nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại lành mạnh, từ đó tạo điều kiện cho người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn các hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc bảo vệ quyền SHTT khuyến khích sự sáng tạo, thúc đẩy những nỗ lực, cống hiến của cá nhân, tổ chức vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật. Từ đó, tạo ra những sản phẩm vật chất, tinh thần chất lượng cho xã hội.
Cũng theo thẩm phán này, Điều 115 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định, quyền SHTT là quyền sở hữu đối với các loại tài sản, là quyền trên tài sản. Quyền được sở hữu đối với các tài sản trí tuệ được thể hiện bằng các tác phẩm, cuộc biểu diễn, sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu… Do đó, việc bảo vệ quyền SHTT luôn được pháp luật bảo vệ và mỗi cá nhân, tổ chức cần chú trọng bảo vệ quyền SHTT nhằm tránh xảy ra những rủi ro, tranh chấp không đáng có.
Tại Tọa đàm “SHTT và chuyển giao công nghệ: từ nghiên cứu khoa học đến ứng dụng thực tiễn chuyển giao công nghệ” tổ chức tại Trường đại học Đồng Nai vào tháng 8-2024, PGS-TS Từ Diệp Công Thành, Giám đốc Trung tâm SHTT và chuyển giao công nghệ (IPTC), thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay việc chiếm hữu đối với tài sản trí tuệ khác hẳn với chiếm hữu tài sản hữu hình. Đó là chủ thể không thể nắm giữ bằng các động tác có tính vật lý cơ học, mà chỉ quản lý chúng bằng cách đi đăng ký xác lập quyền, giữ bí mật thông tin về tài sản trí tuệ…
Cũng theo PGS-TS Từ Diệp Công Thành, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, các sản phẩm giải trí phát triển ngày càng mạnh mẽ dựa trên nền tảng số. Vì vậy, việc nhận diện quyền của mỗi bên trong quan hệ tài sản trí tuệ rất quan trọng, giúp làm hạn chế các xung đột có thể phát sinh, tạo môi trường sáng tạo lành mạnh. Do đó, để bảo vệ các sản phẩm liên quan đến SHTT thì cần có ý thức công bố như: đăng ký bản quyền hoặc sử dụng hình thức công bố sản phẩm khác. Đây là một trong những chứng cứ quan trọng nhằm chứng minh quyền của mình với các sản phẩm tạo ra trong trường hợp xảy ra tranh chấp.