Bảo vệ, phát huy giá trị di tích Óc Eo - Ba Thê
Khu di tích Óc Eo - Ba Thê đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012 theo Quyết định 1419/QĐ-TTg. Cũng trong năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định phê duyệt thực hiện xây dựng Hồ sơ Khu di tích Óc Eo - Ba Thê trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.
Việc thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước về di sản văn hóa nói chung và văn hóa Óc Eo nói riêng phù hợp tình hình thực tế của địa phương đã được UBND tỉnh An Giang quan tâm. Điều này góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, tăng cường về phân cấp, phát huy nguồn lực xã hội và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ hội nhập, phát triển. Chính vì vậy, năm 2012, UBND tỉnh đã có Chỉ thị 03/CT-UBND về việc tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo; năm 2019, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh tại Quyết định 19/2019/QĐ-UBND, ngày 27/6/2019.
Trên địa bàn tỉnh có hàng trăm dấu tích văn hóa Óc Eo phân bố trên khắp các huyện, thị xã, thành phố. Để thuận tiện trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh đã thực hiện công tác kiểm kê di sản văn hóa để nhận diện, xác định giá trị và lập danh mục từng di tích.
Kết quả, năm 2020, UBND tỉnh đã công bố danh mục kiểm kê các công trình, địa điểm, di tích khảo cổ văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2020 - 2025) tại Quyết định 2252/QĐ-UBND, ngày 23/9/2020. Theo đó, có 84 di tích văn hóa Óc Eo đã được kiểm kê, trong đó có 1 khu di tích quốc gia đặc biệt, 1 di tích cấp quốc gia, 2 di tích cấp tỉnh. Trên cơ sở đó, đơn vị chuyên môn đã phối hợp Viện Khoa học Công nghệ Vinasa tổ chức xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu, lập bản đồ 84 điểm di tích văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh, giúp cho công tác quản lý được tốt hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tra cứu thông tin, hướng dẫn điểm đến các di tích.
Việc ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động văn hóa Óc Eo, đã giúp cho chính quyền các địa phương trong tỉnh và cơ quan chuyên môn vận dụng, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo.