Bảo vệ người tiêu dùng trước nỗi lo hàng giả, hàng lậu
Vấn nạn hàng lậu, hàng giả là câu chuyện không mới nhưng chưa bao giờ hết nhức nhối.

Lực lượng chức năng phát hiện nhiều sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ tại hộ kinh doanh Huyền Thắng ở thôn Phạm Lâm, xã Đoàn Tùng, huyện Thanh Miện
Khó phân biệt thật, giả
Khi thông tin về đường dây sản xuất sữa giả chưa kịp lắng xuống thì lực lượng chức năng ở nhiều địa phương trên cả nước liên tiếp phát hiện, triệt phá các đường dây sản xuất, kinh doanh thuốc chữa bệnh, mì chính giả, giá đỗ ngâm hóa chất… Điều này đã khiến người tiêu dùng rất lo lắng.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tỉnh Hải Dương, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn tỉnh còn tiềm ẩn diễn biễn phức tạp, khó lường, hoạt động tinh vi hơn.
Nhiều đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ… Các sản phẩm gian lận thương mại được giới thiệu công khai, tràn lan trên môi trường mạng. Điều này gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác phòng ngừa, phát hiện các địa điểm kinh doanh hoặc các kho, bến bãi chứa hàng của các đối tượng vi phạm.
Cùng với đó, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, kinh phí phục vụ công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng còn hạn chế; kinh phí phục vụ lấy mẫu, kiểm nghiệm, giám định chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác giám định còn chậm, chi phí cao, kinh phí giám định nhiều vụ việc lớn, ngoài khả năng chi trả, thời gian giám định kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ điều tra vụ án, vụ việc.
Hiện nay, hàng lậu, hàng giả trên thị trường tập trung chủ yếu vào các mặt hàng tiêu dùng có sức tiêu thụ lớn như: mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, giày dép…, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, tác động tiêu cực đến sự ổn định, lành mạnh của môi trường kinh doanh.
Anh Nguyễn Văn Quyến ở xã Văn Hội (Ninh Giang) cho biết: “Khi mua sắm tôi đều dành thời gian tìm hiểu thông tin trên nhãn mác nhưng vẫn lo lắng khi các hành vi, thủ đoạn làm giả, làm nhái tinh vi, rất khó phân biệt hàng giả với hàng thật. Tôi mong lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, kiểm soát chặt chẽ để các hàng hóa này không xuất hiện trên thị trường”.
Quyết liệt vào cuộc

Người tiêu dùng nên mua sắm hàng hóa tại các cửa hàng, siêu thị uy tín (ảnh chụp tại siêu thị BRG Mart Hải Dương)
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt và mở đợt tấn công, truy quét chống hàng lậu, hàng giả trên toàn quốc, Hải Dương đã mở đợt cao điểm truy quét, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại từ ngày 15/5 đến ngày 15/6, ban hành các kế hoạch, chỉ thị để triển khai với nhiều giải pháp cụ thể. Chỉ mới đầu đợt cao điểm, lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc hàng giả, hàng lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trong đó nhiều hàng hóa là thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Cụ thể, chiều 19/5, Đội Quản lý thị trường số 5 (đội cơ động), Chi cục Quản lý thị trường tỉnh (Sở Công thương) phối hợp với Đội 4, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường (Công an tỉnh) tổ chức kiểm tra cửa hàng của hộ kinh doanh Huyền Thắng ở thôn Phạm Lâm, xã Đoàn Tùng (Thanh Miện). Lực lượng chức năng đã phát hiện 5.510 sản phẩm mũ đội đầu, tất chân, áo phông có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Adidas, Nike, Gucci, Louis Vuitton, Puma, Dior, Chanel, Tomy, Lacoste với tổng trị giá hàng hóa 63,8 triệu đồng; 2.200 chiếc mũ đội đầu và 1.500 chiếc áo ngực nữ không rõ nguồn gốc, xuất xứ với tổng trị giá hàng hóa 54,8 triệu đồng.
Sáng 20/5, Đội Quản lý thị trường số 2 (Chi cục Quản lý thị trường tỉnh) đã kiểm tra tại cửa hàng của hộ kinh doanh Nguyễn Văn Khanh ở phường Sao Đỏ (Chí Linh). Lực lượng chức năng phát hiện cửa hàng của ông Khanh đang bày bán 1.613 sản phẩm được đóng gói trong túi nilon hút chân không như xúc xích, chân gà, cổ vịt, cánh vịt, bò bít tết, trứng chim cút… với tổng trị giá hàng hóa hơn 15,4 triệu đồng. Các sản phẩm này do nước ngoài sản xuất lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ, có dấu hiệu nhập lậu. Lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên để xác minh, xử lý theo quy định.
2 vụ việc nêu trên chỉ là số ít trong hàng loạt vụ việc được các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý trong đợt cao điểm phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Cuộc chiến chống hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp đến người tiêu dùng.
Theo anh Nguyễn Đức Nghĩa, Trưởng Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, cùng với công tác kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng, người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm trước khi mua sắm hàng hóa. Nên chọn mua những sản phẩm có ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, hạn sử dụng, thành phần… đúng thương hiệu, nhãn hàng uy tín, lâu năm, đồng thời nên mua hàng tại những địa chỉ như cửa hàng, siêu thị có uy tín. Nếu là hàng nhập khẩu thì phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Năm 2024 và quý I năm 2025, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Hải Dương đã kiểm tra 1.048 vụ, xử lý vi phạm hành chính 681 vụ, khởi tố 98 vụ, 120 đối tượng. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là hơn 216,3 tỷ đồng, số tiền bán hàng tịch thu là 6,76 tỷ đồng. Tổng số tiền phạt bổ sung và kiến nghị truy thu 554,9 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu (chưa xử lý) hơn 1 tỷ đồng; trị giá hàng tiêu hủy hơn 1,7 tỷ đồng.