Bảo vệ người tiêu dùng: Góc nhìn từ Đại sứ Anh
Đại sứ Anh nhấn mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ giúp người mua an tâm mà còn thúc đẩy thị trường phát triển minh bạch, bền vững.
Trong tháng 3 - tháng cao điểm hưởng ứng các hoạt động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3), Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương và Đại sứ quán Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng (ngày 25/3). Đây không chỉ là dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và Đại sứ quán Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của Bộ Công Thương trong việc tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong khuôn khổ Bản ghi nhớ, hai bên sẽ tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như: Chia sẻ kinh nghiệm về thu hồi sản phẩm có khuyết tật, xây dựng các công cụ truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, tổ chức hội thảo và đào tạo chuyên sâu cho cán bộ thực thi pháp luật cũng như phối hợp trong các dự án hỗ trợ kỹ thuật… Phóng viên Công Thương trao đổi với ngài Iain Frew - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam liên quan đến vấn đề này.
Bảo vệ người tiêu dùng là ưu tiên hàng đầu
- Thưa Đại sứ, được biết vấn đề bảo vệ người tiêu dùng rất được coi trọng và được luật hóa rất cụ thể tại Vương quốc Anh. Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm trong công tác thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt trong môi trường thương mại điện tử, cũng như trong thời kỳ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh mạnh mẽ?
Đại sứ Iain Frew: Tại Vương quốc Anh, mỗi tháng, người tiêu dùng chi 90 tỷ bảng Anh (khoảng 100 tỷ đô la Mỹ) cho hàng hóa. Họ làm như vậy vì họ biết họ có quyền. Những quyền đó được bảo vệ theo luật pháp và quy định. Nếu họ gặp vấn đề, họ biết và có thể tìm ra giải pháp, tìm ra hình thức bồi thường. Vì vậy, đối với người tiêu dùng, những quyền đó là cốt lõi, nhưng chúng cũng rất quan trọng đối với các doanh nghiệp.
Chính vì điều đó mà các doanh nghiệp luôn hiểu rằng họ có một sân chơi bình đẳng để hoạt động. Họ hiểu các yêu cầu và nhu cầu của người tiêu dùng, và họ cũng biết phải hành xử theo luật nếu có vấn đề với bất kỳ hàng hóa nào mà mình cung cấp. Vì vậy, tôi nghĩ rằng điều đó tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch, an toàn cho các doanh nghiệp.

Ngài Iain Frew - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam. Ảnh: Lê Minh
Vương quốc Anh đã có hệ thống pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ nhiều năm nay, và hệ thống đó rất mạnh mẽ, rộng khắp, bao gồm cả việc mua hàng trực tiếp hoặc trực tuyến, cả hàng hóa cũng như dịch vụ. Tôi cho rằng, hệ thống pháp luật này đã bao trùm khá nhiều vấn đề có thể phát sinh khi phải đối mặt với những thách thức của người tiêu dùng.
Ví dụ, hệ thống pháp luật của chúng tôi điều chỉnh các thỏa thuận công bằng, hay việc bán các sản phẩm tài chính. Hệ thống này cũng giải quyết vấn đề an toàn sản phẩm hoặc thu hồi sản phẩm khi cần thiết. Có thể nói, việc áp dụng mang tính rộng khắp và có xét đến nhiều tình huống khác nhau.
Với sự phát triển của thương mại điện tử, mà tôi cho rằng bắt nguồn đầu tiên từ bán hàng qua điện thoại và đặt hàng qua thư cách đây vài thập kỷ, đã và đang mang đến một số thách thức mới cũng như những cơ hội mới. Một trong số đó liên quan đến các lĩnh vực quản lý quen thuộc được áp dụng theo những phương thức mới.
Ví dụ, khi bạn mua thứ gì đó trực tuyến, bạn có thể lo ngại về dữ liệu của mình, hoặc bạn cần được bảo vệ quyền lợi khi nói đến những khiếu nại về sản phẩm mà bạn đang mua. Đồng thời, có những thách thức mới xung quanh các cuộc tấn công mạng hoặc lừa đảo trực tuyến... Do vậy, việc giải quyết tất cả những vấn đề này là hết sức cấp thiết.
Về phía Vương quốc Anh, luật đầu tiên của chúng tôi bắt đầu giải quyết những vấn đề trên là vào năm 2000 với các quy định về bảo vệ người tiêu dùng (bán hàng từ xa). Đây là một nỗ lực nhằm xử lý một số thay đổi xoay quanh việc mua hàng từ xa, đồng thời cũng nhằm suy nghĩ trước về những đổi mới có thể xảy ra trong tương lai đối với hoạt động mua bán hàng hóa của người tiêu dùng.
Chúng tôi biết rằng mọi thứ đang diễn ra rất nhanh trong thương mại điện tử, hàng năm chúng tôi không chỉ thấy những sản phẩm và dịch vụ mới mà còn cả nhiều cách thức mới nhằm tiếp cận người tiêu dùng.
Và vì vậy, theo tôi điều quan trọng là phải có một hệ thống quy định không chỉ thiết lập các quyền, biện pháp bảo vệ, các cách thức bồi thường, mà còn dự đoán những thay đổi đó, hoặc một hệ thống có thể rà soát và cập nhật các biện pháp bảo vệ.
Ngoài ra, tại Vương quốc Anh, không chỉ có hệ thống luật pháp và các quy định cụ thể, mà chúng tôi còn có một hệ thống giám sát, mà ở đó các luật và quy định sẽ được rà soát sau khi đi vào triển khai, để xác định những vấn đề phát sinh mới hoặc phát sinh thường xuyên đối với người tiêu dùng. Từ đó, giúp chúng tôi hiểu được những vấn đề phát sinh ở đâu.
Quy định gần đây nhất mà chúng tôi có về thương mại điện tử là Đạo luật Bảo vệ Người tiêu dùng năm 2015, đưa ra các điều khoản mới, đặc biệt để giải quyết các giao dịch mua và bán trực tuyến và nỗ lực xử lý những cách thức bán hàng sáng tạo đó. Tôi nghĩ rằng Đạo luật này đã cung cấp một nền tảng vững chắc cho việc bảo vệ người tiêu dùng tại Vương quốc Anh, và là một nền tảng vững chắc trong tương lai. Tuy nhiên, chúng tôi cũng biết rằng cần phải tiếp tục học hỏi và tìm hiểu về lĩnh vực này.
Tại Việt Nam, tôi thấy các doanh nghiệp rất sáng tạo, sử dụng các kênh thương mại điện tử để bán hàng và tiếp cận người tiêu dùng. Điều này cho thấy sự năng động đang diễn ra trên thị trường, và đòi hỏi chúng ta cần phải phản ứng bằng các chính sách và quy định để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Hợp tác nâng cao an toàn sản phẩm tiêu dùng
- Thưa Đại sứ, được biết, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương vừa qua đã ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong bảo vệ người tiêu dùng. Xin ông cho biết rõ hơn về nội dung hợp tác và dự kiến những hoạt động nào sẽ được triển khai trong thời gian tới?
Đại sứ Iain Frew: Đúng vậy, chúng tôi rất tự hào về Biên bản ghi nhớ này và tôi nghĩ đây là một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa Vương quốc Anh và Chính phủ Anh với Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và Bộ Công Thương nhằm xây dựng các tiêu chuẩn về bảo vệ người tiêu dùng và an toàn sản phẩm. Biên bản ghi nhớ này thuộc khuôn khổ rộng hơn về hợp tác song phương của hai bên, vốn đã và đang ngày càng sâu sắc và mở rộng trong những năm gần đây.

Quyền lợi của người tiêu dùng ngày càng được đảm bảo. Ảnh: Ngọc Ánh
Trước đó, Vương quốc Anh và Việt Nam đã là đối tác của nhau trong Hiệp định CPTPP, và chúng tôi rất vui khi thấy Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định này.
Ngoài ra, hai nước đã ký kết một Hiệp định thương mại tự do song phương, vì vậy, chúng tôi đã thấy sự gần gũi giữa hai nước trong việc xây dựng các tiêu chuẩn, áp dụng các tiêu chuẩn đó, và nhưng tư duy về cách thức để có thể cùng nhau bảo vệ và thúc đẩy những tiêu chuẩn đó khi giao dịch cũng như phát triển thị trường của mình cả trong nước và quốc tế.
Năm nay cũng là một năm đặc biệt vì hai nước đang kỷ niệm 15 năm quan hệ đối tác chiến lược song phương giữa Vương quốc Anh và Việt Nam. Mối quan hệ của chúng ta đã phát triển mạnh mẽ, thương mại đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua, hiện đạt khoảng 7 tỷ bảng Anh mỗi năm. Con số về hoạt động thương mại song phương là minh chứng cho việc người tiêu dùng Anh đang được hưởng những hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam, như gạo hay thanh long, hàng dệt may, các sản phẩm công nghiệp...
Chúng ta cũng đang chứng kiến sự hiện diện ngày càng tăng của các sản phẩm của Anh trên thị trường Việt Nam, từ rượu whisky Scotch đến hàng tiêu dùng của Anh mà người tiêu dùng Việt Nam đang ưa chuộng.
Vì vậy, trên thực tế, đây là một hoạt động thương mại có lợi cho cả hai bên và điều đó có nghĩa là chúng ta có nền tảng thực sự vững chắc để hợp tác sâu rộng hơn về các tiêu chuẩn và cách thức bảo vệ, hỗ trợ người tiêu dùng.
Thị trường Việt Nam đang rất phát triển, một phần là nhờ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và dự kiến sẽ đạt 8% trong năm. Tuy nhiên, con số đó chỉ là tăng trưởng GDP, còn thị trường tiêu dùng thậm chí còn phát triển nhanh hơn. Chúng tôi thấy rằng trong lĩnh vực thương mại điện tử thị trường Việt Nam, các doanh nhân Việt Nam đang đổi mới theo những cách thức quan trọng, không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế.
Biên bản ghi nhớ này được thống nhất trong khuôn khổ Chương trình hội nhập kinh tế ASEAN của Vương quốc Anh. Đây là chương trình hợp tác giữa Vương quốc Anh và ASEAN trên nhiều lĩnh vực liên quan đến cải cách thể chế. Đây cũng là một phần trong khoản đầu tư của Vương quốc Anh vào mối quan hệ với Việt Nam với tư cách là một quốc gia đối tác cũng như là một thành viên ASEAN.
Với các nội dung trong Biên bản ghi nhớ, thì việc an toàn sản phẩm rất quan trọng đối với người tiêu dùng và quan điểm của chúng tôi là quyền của người tiêu dùng cần được bảo vệ tại Vương quốc Anh. Hơn hết, chúng tôi đã có những bộ luật và quy định về vấn đề đó. Chúng tôi kỳ vọng rằng những biện pháp bảo vệ đó sẽ được áp dụng không chỉ đối với người tiêu dùng Vương quốc Anh, mà đối với các công ty Vương quốc Anh hoạt động ở nước ngoài, các sản phẩm và dịch vụ mà họ cung cấp tại thị trường Việt Nam sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn tương tự.
Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta phải xem xét vấn đề này trong bối cảnh quốc tế, vì vậy, mức độ hiểu biết và hợp tác mà chúng tôi sẽ triển khai theo Biên bản ghi nhớ này là chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn của mình, chia sẻ các hoạt động của Vương quốc Anh và các lĩnh vực có thể liên quan đến Việt Nam. Từ đó, các bạn có thể đưa ra các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng hoặc các cách giải quyết các vấn đề phát sinh trên thị trường tiêu dùng, dựa trên kinh nghiệm từ những nơi khác, bao gồm Vương quốc Anh, đồng thời cũng phát triển các nhu cầu cụ thể để đáp ứng các nhu cầu tương ứng tại Việt Nam.
Theo tôi nếu chúng ta làm đúng thì sẽ củng cố được lòng tin và từ đó tạo ra một môi trường mà tất cả người tiêu dùng đều cảm thấy tự tin, tự tin khi mua hàng, tự tin khi tạo ra sản phẩm mới và cải tiến sản phẩm, cũng như áp dụng những cách thức mới để mua và bán những sản phẩm đó.
Chúng tôi sẽ làm việc để xác định và đánh giá rủi ro trong thị trường tiêu dùng và sản phẩm, đồng thời xem xét và chia sẻ kinh nghiệm của chúng tôi về việc thu hồi sản phẩm và cách thức triển khai hiệu quả nhất cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ xem xét các vấn đề của từng ngành, các thách thức cụ thể mà các ngành phải đối mặt, hoặc các hình thức quản lý cụ thể.
Một vấn đề thực sự quan trọng khác là về cách thức chúng ta trao đổi thông tin với người tiêu dùng và cách thức trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý và người tiêu dùng. Việc trao đổi thông tin đó không chỉ là một chiều, do đó không chỉ là thông báo cho người tiêu dùng về quyền của họ. Hơn hết, người tiêu dùng có trải nghiệm hàng ngày về các sản phẩm và dịch vụ mà họ đang tiếp cận. Chúng ta cần hiểu những trải nghiệm đó để phát triển và cải tiến quy định một cách hiệu quả. Vì vậy, công việc mà chúng tôi sẽ triển khai theo Biên bản ghi nhớ này là xem xét việc trao đổi thông tin trở nên hiệu quả nhất. Và cách thức chúng tôi hỗ trợ Việt Nam theo cách tiếp cận thông tin, theo dõi nơi người tiêu dùng đang có những trải nghiệm nhất định và có thể xác định đúng cơ chế để phản hồi tình trạng đó. Tất cả những điều đó đều rất quan trọng. Do vậy, chúng ta sẽ học hỏi lẫn nhau.
Tương tự như việc Vương quốc Anh chia sẻ kinh nghiệm của mình, bản thân tôi khi sống ở tại Việt Nam cũng đang chứng kiến những sự đổi mới thú vị, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử. Và tôi nghĩ các cơ quan quản lý và thị trường của Vương quốc Anh cũng sẽ học hỏi được nhiều thông qua sự hợp tác này.
- Xin cảm ơn Đại sứ!
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam Iain Frew: Vương quốc Anh sẽ hỗ trợ Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh, những lĩnh vực như bảo vệ người tiêu dùng, thu hồi sản phẩm lỗi, cải cách hành chính, chuyển đổi số… Chương trình này nhằm mục đích hỗ trợ Việt Nam đạt được các ưu tiên đã đề ra trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng.