Bảo vệ môi trường - Hành động không ngưng nghỉ! (kỳ 4)
Kỳ 4: Còn đó những thách thức
Trong công cuộc phát triển kinh tế có nhiều thứ phải đánh đổi, nhưng đánh đổi môi trường để thúc đẩy kinh tế là điều Phú Yên không chọn lựa. Mặc dù vậy, vẫn còn đó những tiêu cực, vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội khi ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân chưa cao.
Biển lên tiếng
Sau hơn 2 tháng kể từ khi hàng nghìn con cá bớp nuôi của gia đình chết nổi trắng bụng, ông Phạm Văn Chín ở xã Xuân Cảnh (TX Sông Cầu) vẫn còn thất thần, cộng mãi các khoản vay mà gia đình ông đã đổ xuống vùng biển Xuân Cảnh trong vụ nuôi vừa qua. Ông Chín rớt nước mắt, nói: “Hơn 5.000 con cá bớp với sản lượng hơn 10 tấn chỉ qua một đêm đã chết sạch. Tiền cá giống, tiền thức ăn đã ngót nghét cả tỉ đồng, giờ không biết đường nào xoay sở”.
Biến cố xảy ra hồi tháng 5 và tháng 6/2024 ở vùng nuôi đầm cù Mông thuộc các xã Xuân Thịnh, Xuân Cảnh đã mang đi 70 tấn tôm hùm thịt, hơn 105 tấn cá biển, khoảng 6.000 con tôm hùm giống, 370 hộ nuôi mất trắng 46 tỉ đồng. Sau sự cố này, một loạt các hoạt động chuyên môn đã triển khai và nguyên nhân được xác định là do biên độ triều thấp, hầu như không có dòng chảy; nước vùng nuôi phân tầng nhiệt, thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ tầng đáy, phát sinh khí độc… tất cả đã khiến hàm lượng ôxy hòa tan trong nước còn rất thấp, dưới ngưỡng chịu đựng của thủy sản. Mà sơ khởi cho toàn bộ vấn đề là do mật độ nuôi dày.
Thực trạng này cũng đang hiện hữu tại nhiều vùng nuôi trồng thủy sản ở vịnh Vũng Rô, vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông, đầm Ô Loan. Theo Sở NN&PTNT, đến cuối tháng 6/2024, toàn tỉnh có hơn 186.000 lồng nuôi trồng thủy sản, cao gấp 3,8 lần so với quy hoạch. Nguyên nhân gốc rễ của thực trạng này là bởi các địa phương chưa kiên quyết, kịp thời ngăn chặn lồng bè mới phát sinh, thiếu căn cứ pháp lý và giải pháp phù hợp để cưỡng chế, kiểm đếm, trông giữ lồng bè vi phạm… dẫn đến vấn đề ngày càng nghiêm trọng.
Theo bà Lê Thị Hằng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), chỉ tính riêng tôm hùm, với số lượng lồng nuôi hiện nay, mỗi ngày, người nuôi tôm phải đổ xuống các vùng nuôi khoảng 700 tấn cá tạp và các loại giáp xác, nhuyễn thể… cho tôm ăn. Lượng thức ăn dư thừa, cộng phân tôm khiến chất thải tồn đọng ngày càng nhiều, ô nhiễm môi trường nước là điều không thể tránh khỏi.
Đừng để rừng khóc!
Nằm trong khu vực duyên hải miền Trung nắng gió, mỗi năm Phú Yên hứng chịu cả chục cơn bão lũ. Những cánh rừng đầu nguồn chính là tường thành che chở làng mạc, vườn tược, công trình hạ tầng, tài sản của người dân mỗi khi mưa lũ về. Khi những cánh rừng đầu nguồn không còn, dòng lũ hung hãn, dữ tợn lao về xuôi cuốn theo tất cả những gì trên đường lũ quét. Và Phú Yên cũng đã hứng chịu không ít lần…
Sự cố một ngôi làng nhỏ ven sông với khoảng 40 nóc nhà ở xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) bị xóa sạch chỉ sau một cơn lũ quét hồi năm 2009 vẫn con nguyên nỗi ám ảnh với người dân Phú Yên. Hay vụ nước lũ tràn về bất ngờ khiến cô trò Trường mẫu giáo An Hiệp (huyện Tuy An) suýt chết trong gang tấc cũng để lại nhiều bài học cho mọi người…
Tất cả những cơn thịnh nộ của thiên nhiên, của rừng đều bắt nguồn từ hành động, ứng xử của con người với rừng. Trong một thời gian dài, rừng không chỉ bị tàn phá bởi sự thiếu hiểu biết, ý thức từ những người nông dân lam lũ, mà còn bị triệt hạ bởi nhiều “kẻ cướp rừng” táo tợn, hoặc bị xâm hại, lấn chiếm bởi những dự án phát triển kinh tế… Phú Yên hiện có khoảng 257.169ha đất có rừng, chiếm 60% diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh; tỉ lệ che phủ rừng khoảng 47%.
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Trọng Tùng cho hay: Những năm trở lại đây, Nhà nước thực hiện Chiến dịch phủ xanh đồi trọc, nhiều địa phương cũng đã chủ động trồng rừng. Kết quả, toàn tỉnh đã trồng gần 9,4 triệu cây xanh thông qua Đề án trồng 15 triệu cây xanh tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2025.
Nhưng chỉ dừng lại với những hành động này thì chưa đủ phủ xanh lại rừng. Bởi nếu không có sự quản lý chặt chẽ, tình yêu rừng được nhân lên thì nạn phá rừng vẫn tiếp tục xảy ra, rừng đầu nguồn sẽ lại bị phá hoại nặng nề. Thống kê từ ngành Kiểm lâm tỉnh, 6 tháng đầu năm 2024, đã có 46 vụ phá rừng được phát hiện, làm thiệt hại gần 10ha rừng với đa số là rừng tự nhiên; 41 vụ vi phạm rừng khác cũng đã xảy ra. Những con số này cho thấy rừng vẫn đang tiếp tục “chảy máu”, đòi hỏi ngành chức năng phải quyết liệt vào cuộc hiệu quả hơn nữa.
Hãy cho đô thị thở…
Công cuộc đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại các đô thị trong toàn tỉnh. Kéo theo đó là dòng người đổ về các đô thị tăng cao, công trình cao tầng, nhà hàng, khách sạn, khu dịch vụ phát triển rầm rộ… gia tăng sức ép lên môi trường ở các đô thị. Một nghiên cứu của thế giới đã tính được, bình quân mỗi ngày một người phát thải ra môi trường 0,74kg rác. Ở các nước thu nhập thấp, lượng rác thải phát sinh có thể sẽ tăng gấp 3 lần con số này vào năm 2050 nếu không có giải pháp hữu hiệu.
Với hơn 202.000 người dân đang sinh sống, bình quân mỗi ngày có khoảng 150 tấn rác đổ ra đô thị Tuy Hòa. Đây là chưa tính đến lượng rác từ các cơ sở sản xuất, các vùng canh tác nông nghiệp hay rác do ngành dịch vụ, du lịch phát thải. Trong khi đó, thực trạng hạ tầng thu gom rác thải chưa đáp ứng thực tế, rác được xử lý chủ yếu bằng cách chôn lấp, tình trạng quá tải tại các bãi chôn lấp diễn ra thường xuyên. Chính vậy, trên thực tế, đô thị Tuy Hòa cũng như nhiều đô thị khác trong tỉnh vẫn đang phải gồng mình “cõng” rác.
Đại diện Nhóm tư vấn quản lý môi trường và phát triển bền vững về xây dựng phương án phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt tại TP Tuy Hòa của Trường đại học Bách khoa Hà Nội, bà Văn Diệu Anh cho biết: Vì chưa có nhà máy xử lý rác nên các địa phương lúng túng khi thực hiện phân loại rác tại nguồn, khiến lượng rác được tái chế chỉ chiếm khoảng 5,5% tổng số rác thải.
Ngoài rác thải, công tác xử lý nước thải đô thị cũng đang là bài toán hóc búa đối với ngành chức năng bởi hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị trên địa bàn tỉnh chưa hoàn chỉnh và đảm bảo theo quy định, uy hiếp đến chất lượng nguồn nước ngầm ở các đô thị. Trong khi đó, đến nay, các giải pháp cho vấn đề này mới chỉ thực hiện bằng Nghị quyết 55/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh về chủ trương đầu tư hệ thống tuyến ống thu gom nước thải tại một số tuyến đường trên địa bàn TP Tuy Hòa; hay các dự án đang còn trên giấy như dự án Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải bãi chôn lấp chất thải rắn TP Tuy Hòa, dự án Xây dựng khu xử lý chất thải vệ sinh của thành phố.
Kỳ cuối: Tất cả cho tương lai xanh