Bảo vệ dữ liệu cá nhân để chống lừa đảo trên môi trường mạng
Dữ liệu cá nhân đang bị tội phạm mạng khai thác dùng cho mục đích lừa đảo và có dấu hiệu ngày càng tăng. Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân đang được cơ quan chức năng lấy ý kiến hoàn thiện trinh Quốc hội trong thời gian tới. Phóng viên báo Tin tức và Dân tộc đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Bá Sơn, Phó Cục Trưởng, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an xung quanh vấn đề này.
Theo khảo sát mới đây, khoảng 80% lộ lọt dữ liệu cá nhân do qua nền tảng thương mại điện tử dẫn đến tội phạm mạng đánh cắp dữ liệu. Theo ông, người dùng mạng xã hội cần lưu ý những vấn đề gì khi đưa thông tin cá nhân lên mạng xã hội?
Vấn đề này không còn là nguy cơ mà đã thực sự xảy ra. Thực tế đã có nhiều vụ việc lừa đảo qua mạng xã hội xảy ra và chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan chức năng, công an các đơn vị, địa phương để xử lý.

Thượng tá Nguyễn Bá Sơn, Phó Cục Trưởng, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Chúng tôi luôn khuyến nghị người dân, tổ chức và doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thương mại điện tử đang thu thập và xử lý dữ liệu cá nhân cần thực hiện nghiêm các quy định hiện hành, đặc biệt là Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Dữ liệu cá nhân chính là nguồn nguyên liệu quan trọng cho hoạt động của doanh nghiệp. Đối với người dân, cần coi dữ liệu cá nhân là tài sản của chính mình và có trách nhiệm bảo vệ nó. Khi nhận thức được điều đó, dữ liệu mới được bảo vệ đúng mức.
Từ thực tế trên, việc ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân cấp thiết như thế nào trong bối cảnh chuyển đổi số?
Luật này cấp thiết ở ba điểm: Thứ nhất, đây là chủ trương của Đảng, Nhà nước và Quốc hội, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết 57.
Thứ hai, tình trạng vi phạm bảo vệ dữ liệu cá nhân hiện đang xảy ra phổ biến.
Thứ ba, hệ thống pháp luật hiện hành chưa đồng bộ, thiếu quy định cụ thể về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Do đó, cần thiết phải có một luật riêng để điều chỉnh vấn đề này phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay và tương lai.
Theo ông, có những bất cập nào trong hệ thống pháp luật hiện hành mà yêu cần phải có một văn bản riêng về Bảo vệ dữ liệu cá nhân?
Trong quá trình xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, chúng tôi nhận thấy hiện có tới 68 văn bản quy phạm pháp luật đề cập đến các nội dung liên quan đến dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, các quy định này có cách tiếp cận và nội hàm khác nhau. Ví dụ, khái niệm như "thông tin cá nhân", "tài khoản số" đều liên quan đến dữ liệu cá nhân nhưng chưa có sự thống nhất. Vì vậy, việc ban hành một luật riêng là hết sức cần thiết.
Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân sắp được ban hành sẽ có lợi ích như thế nào cho công dân? Cơ quan chức năng có phương án nào để có thể bảo vệ quyền riêng tư cũng như bảo vệ quyền cá nhân của người dân?
Khi được ban hành, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ là một mảnh ghép quan trọng trong hệ thống pháp luật, hỗ trợ điều hành của Nhà nước, hoạt động của doanh nghiệp và bảo vệ quyền cá nhân trong môi trường số.
Trách nhiệm của các cơ quan ban hành và thực thi luật là tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp, tổ chức nắm được nội dung và tinh thần của luật, đặc biệt là các quy định liên quan trực tiếp đến họ. Chỉ khi đó, luật mới đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả.
Xin trân trọng cảm ơn ông!