Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Củng cố lòng tin người dân trong tiến trình chuyển đổi số
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa 15, chiều 12/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự thảo luận tại tổ 13 gồm đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh: Hậu Giang, Bắc Ninh, Lào Cai, Đắk Lắk.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự thảo luận tại tổ 13
Bảo vệ quyền công dân, chủ quyền số quốc gia
Góp ý đối với Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân các đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành Luật, cho rằng đây sẽ là một đạo luật nền tảng cho quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
“Trong kỷ nguyên mà dữ liệu được ví như “dầu mỏ mới”, thì việc bảo vệ dữ liệu cá nhân không chỉ là bảo vệ quyền riêng tư, mà còn là bảo vệ con người, bảo vệ chủ quyền số quốc gia và củng cố lòng tin của người dân vào tiến trình chuyển đổi số”, đại biểu Lê Thu Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai nhấn mạnh.
Góp ý về nguyên tắc bảo vệ dữ liệu, theo đại biểu Lê Thu Hà, dự thảo luật đã đề cập nhiều nguyên tắc tiến bộ, tương đồng kinh nghiệm quốc tế. Tuy nhiên, đề nghị rà soát để bảo đảm ngắn gọn, súc tích, thể hiện rõ triết lý lập pháp: cân bằng giữa quyền riêng tư cá nhân và lợi ích công cộng.
“Tôi đặc biệt lưu ý nguyên tắc “công khai” tại khoản 1 Điều 3, nếu không quy định rõ có thể mâu thuẫn với chính mục tiêu bảo vệ dữ liệu. Đề nghị bỏ cụm từ này, hoặc quy định rõ loại dữ liệu nào cần công khai, công khai cho ai và theo cơ chế nào để tránh nguy cơ lộ lọt thông tin nhạy cảm, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm công dân”, đại biểu Lê Thu Hà góp ý.

Đại biểu Lê Thu Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai góp ý
Về quyền của chủ thể dữ liệu và điều kiện xử lý hợp pháp, đại biểu Lê Thu Hà hoan nghênh việc dự thảo ghi nhận 11 quyền cơ bản của chủ thể dữ liệu (Điều 8), đây là một bước tiến đáng kể trong bảo vệ quyền con người. Tuy nhiên theo đại biểu, quyền cần đi kèm với nghĩa vụ và giới hạn, để không gây khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp đang xử lý dữ liệu hợp pháp.
Do đó đại biểu Lê Thu Hà đề nghị cần bổ sung trách nhiệm của chủ thể dữ liệu khi thực hiện quyền, tránh yêu cầu trùng lặp, thiếu căn cứ hoặc gây cản trở. Đồng thời cho phép bên thu thập được từ chối yêu cầu thiếu cơ sở, trùng lặp hoặc trái pháp luật chuyên ngành; Làm rõ các trường hợp “trừ trường hợp luật khác có quy định khác” để tránh xung đột pháp luật; Quy định cụ thể quy trình thực hiện quyền: thời hạn phản hồi yêu cầu xóa dữ liệu, cơ chế khiếu nại, nghĩa vụ thông báo khi rò rỉ dữ liệu.
Về căn cứ xử lý hợp pháp, sự đồng ý của chủ thể dữ liệu là trung tâm, song cần bảo đảm sự hiểu biết và tự nguyện thực chất. Đại biểu Lê Thu Hà dẫn chứng, theo Quy định bảo vệ dữ liệu chung của EU (GDPR), sự đồng ý phải rõ ràng, cụ thể, được thông tin đầy đủ và có thể rút lại bất cứ lúc nào. OECD cũng khuyến nghị không nên coi “đồng ý” là căn cứ duy nhất.
Nhấn mạnh, Dữ liệu cá nhân là “bản sao số” của mỗi con người trong thời đại số, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân không chỉ là một đạo luật kỹ thuật, mà là tuyên ngôn về quyền riêng tư, đạo đức số, và trách nhiệm của Nhà nước trong bảo vệ người dân trước những rủi ro vô hình trên không gian mạng; đại biểu Lê Thu Hà cũng đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm các hành vi bị cấm tại điều 7: ép buộc cung cấp dữ liệu, thu thập trái phép quy mô lớn, sử dụng mã độc chiếm đoạt dữ liệu, lợi dụng AI để phân biệt đối xử, xâm phạm quyền con người, an ninh mạng, an ninh quốc gia.

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an, đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh phát biểu
Không nên quy định mã hóa toàn bộ dữ liệu cá nhân
Góp ý cụ thể đối với quy định liên quan đến mã hóa, giải mã dữ liệu cá nhân, đại biểu Nguyễn Thị Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho biết, tại khoản 3 Điều 15 và khoản 2 Điều 26 của Dự thảo Luật quy định bắt buộc mã hóa toàn bộ dữ liệu cá nhân nhạy cảm trong quá trình xử lý, lưu trữ và truyền tải. Quy định này có thể gây ra nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh phát biểu
Đại biểu Nguyễn Thị Hà lý giải, với các tổ chức, doanh nghiệp xử lý khối lượng lớn dữ liệu, việc mã hóa bắt buộc sẽ đòi hỏi phải nâng cấp toàn bộ hệ thống kỹ thuật, từ phần cứng đến phần mềm. “Điều này không chỉ làm tăng chi phí đầu tư mà còn có nguy cơ làm gián đoạn hoạt động kinh doanh, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ”, đại biểu Nguyễn Thị Hà lo ngại.
Cũng theo đại biểu, về mặt kỹ thuật, mã hóa chỉ là một trong nhiều biện pháp bảo vệ dữ liệu, chứ không phải giải pháp duy nhất. Trong nhiều trường hợp, sử dụng tường lửa, phân quyền truy cập, giám sát nhật ký hệ thống, hoặc lưu trữ dữ liệu tại các trung tâm đạt chuẩn quốc tế là những biện pháp hiệu quả, ít tốn kém và phù hợp hơn. Do đó, việc ấn định một biện pháp duy nhất là mã hóa sẽ triệt tiêu tính linh hoạt trong quản trị rủi ro an ninh mạng và an toàn dữ liệu.
Lấy dẫn chứng kinh nghiệm quốc tế, đại biểu Nguyễn Thị Hà cho biết, các văn bản pháp luật hiện hành như Điều 32 của Quy định bảo vệ dữ liệu chung của Liên minh Châu Âu (GDPR), Luật Bảo vệ thông tin cá nhân của Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore đều không bắt buộc doanh nghiệp phải mã hóa toàn bộ dữ liệu cá nhân. Thay vào đó, các quy định này chỉ yêu cầu áp dụng các biện pháp kỹ thuật và tổ chức phù hợp, dựa trên đánh giá rủi ro và điều kiện cụ thể của bên xử lý dữ liệu.
“Đây là cách tiếp cận hợp lý, đề cao trách nhiệm của chủ thể kiểm soát dữ liệu, đồng thời đảm bảo tính linh hoạt, hiệu quả và khả năng thực thi cao trong thực tế”, đại biểu Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Từ những phân tích trên, đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo xem xét điều chỉnh quy định này theo hướng không bắt buộc mã hóa toàn bộ dữ liệu cá nhân mà cho phép các tổ chức, cá nhân xử lý dữ liệu được lựa chọn, thiết kế các biện pháp bảo vệ kỹ thuật phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động và mức độ rủi ro của từng trường hợp. Cách tiếp cận này không những bảo đảm an toàn dữ liệu cá nhân, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tuân thủ, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Đề nghị nghiên cứu tăng số lượng đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương
Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh tán thành với việc sửa đổi Luật nhằm bảo đảm phù hợp với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, đồng thời kịp thời phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2026 - 2031.

Đại biểu Trần Thị Vân Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh phát biểu
Góp ý cụ thể về dự kiến và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu (quy định tại Điều 7 Luật hiện hành), đại biểu Trần Thị Vân đề nghị nghiên cứu tăng số lượng đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương từ có ít nhất ba đại biểu lên có ít nhất năm đại biểu.
Đại biểu Trần Thị Vân lý giải, theo đề án sáp nhập tỉnh thành, số lượng tỉnh, thành trên cả nước dự kiến giảm khoảng 50% (34 đơn vị cấp tỉnh), trong khi đó tổng số đại biểu Quốc hội được bầu cơ bản không thay đổi (không quá năm trăm người). “Việc giữ nguyên số lượng đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương với địa bàn rộng sẽ chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn”, đại biểu Trần Thị Vân nêu quan điểm.
Cho ý kiến về hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba ở trung ương (Điều 38, Điều 43, Điều 48 Luật hiện hành 2015), đại biểu Trần Thị Vân đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi chủ thể tổ chức hội nghiệp hiệp thương ở Trương ương theo hướng Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất và lần thứ hai ở Trung ương, riêng hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở Trung ương vẫn do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức.
“Việc quy định như trên nhằm đơn giản hóa về mặt thủ tục đối với hội nghị hiệp thương, quy trình thực hiện được nhanh gọn hơn, đáp ứng yêu cầu về mặt thời gian mà vẫn bảo đảm tính dân chủ, đại diện của các cơ quan, tổ chức cũng như sự lãnh đạo của Đảng”, đại biểu Trần Thị Vân nêu rõ.
Phân tích thêm, đại biểu Trần Thị Vân cho biết, hiện tại, các cơ quan Mặt trận Tổ quốc đang được sắp xếp, tinh gọn, Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian tới sẽ bao gồm đại diện các tổ chức chính trị - xã hội; vị trí, vai trò sẽ được nâng lên. Việc giao Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện vẫn bảo đảm tính minh bạch, công khai, dân chủ, đại diện, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa Trung ương và địa phương. Ở hội nghị hiệp thương lần thứ ba về việc lựa chọn, lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, để đảm bảo tính kế thừa theo quy định của Luật hiện hành và đảm bảo tính dân chủ rộng rãi, đại diện cho các tầng lớp nhân dân nên tiếp tục quy định Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nhiệm vụ này.

Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn điều hành phiên thảo luận tổ

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phát biểu

Đại biểu Sùng A Lềnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai phát biểu

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang phát biểu

Đại biểu Ngô Trung Thành, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phát biểu

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh phát biểu